(SGTT) - Từ ngày 7-7, hai bệnh viện dã chiến từ hai khu nhà tái định cư tại thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh, với quy mô lên tới 6.000 giường bệnh đi vào hoạt động.
The thông tin trên Vnexpress, Sở Y tế TPHCM cho biết đây là các khu nhà tái định cư của thành phố chưa đưa vào sử dụng hoặc chưa đấu giá.
Theo đó, khu nhà tái định cư ở thành phố Thủ Đức trở thành “Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3”, quy mô 3.000 giường. Khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh thành “Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4”, cùng quy mô 3.000 giường.
Ngày 4-7, ngành y tế TPHCM cũng đã triển khai “Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2” với quy mô 2.000 giường, chuyển đổi từ khu nhà tái định cư ở quận 12.
Trước đó, thành phố cũng tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có là hai ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, lập “Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1”, với hai cơ sở, quy mô 4.000 giường, hoạt động hơn 10 ngày qua.
Ngoài ra, thành phố có 5.000 giường của các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19, trong đó một số bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân nặng.
Như vậy, trong 2 tuần qua, thành phố lập tổng cộng 4 bệnh viện dã chiến với tổng 12.000 giường, tiếp nhận các trường hợp mới mắc hoặc đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Ước tính, số ca không triệu chứng hoặc nhẹ chiếm khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM.
Ngành y tế TPHCM dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Việt Nam có thêm 5 bệnh nhân Covid-19 tử vong
Theo thông tin trên báo Tin tức, sáng ngày 7-7, Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo 5 ca tử vong do Covid-19 số 98 đến số 102 tại Bắc Giang và TPHCM, trong đó có 3 ca không có bệnh lý nền.
Báo Vnexpress thông tin thêm, ca tử vong thứ 98 là BN 10096, nữ, 67 tuổi, địa chỉ Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, đái tháo đường một năm.
Bệnh nhân có kết quả dương tính với Covid-19 ngày 3-6, điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, tình trạng chậm cải thiện, phụ thuộc ECMO, suy thận, vô niệu. Ngày 13-6, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm nấm huyết, viêm phổi tiến triển do nCoV, suy thận trên nền đái tháo đường, tăng huyết áp.
Bệnh nhân tử vong ngày 5-7 với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, nhồi máu cơ tim, viêm phổi nặng do nCoV trên bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp.
Ca thứ 99 là BN13183 là nam 49 tuổi, địa chỉ huyện Nhà Bè, TPHCM, chưa ghi nhận tiền sử bệnh lý. Bệnh nhân dương tính ngày 19-6, điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán viêm phổi do nhiễm nCoV biến chứng suy hô hấp tiến triển.
Bệnh nhân tử vong ngày 2-7 với chẩn đoán viêm phổi do nCoV mức độ nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương thận cấp.
Ca thứ 100 là BN12411 là nam, 62 tuổi, địa chỉ quận 1, TPHCM, tiền sử đái tháo đường type 2. Bệnh nhân dương tính ngày 19-6, điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, với chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm nCoV.
Bệnh nhân tử vong ngày 30-6 với chẩn đoán viêm phổi do nCoV mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, đái tháo đường type 2.
Ca thứ 101 là BN13709, nữ, 63 tuổi, địa chỉ huyện Củ Chi, TPHCM chưa ghi nhận tiền sử bệnh lý. Bệnh nhân dương tính ngày 24-6, điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán viêm phổi do nCoV, biến chứng suy hô hấp tiến triển.
Bệnh nhân tử vong ngày 1-7 với chẩn đoán viêm phổi do nCoV mức độ nguy kịch, biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển.
Ca thứ 102 là BN14812, nam 56 tuổi, địa chỉ quận 4, TPHCM, chưa ghi nhận tiền sử bệnh lý. Bệnh nhân dương tính ngày 24-6, điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán viêm phổi do nCoV.
Bệnh nhân tử vong ngày 29-6 với chẩn đoán viêm phổi do nCoV mức độ nguy kịch, biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, hội chứng vành cấp.
Như vậy, số ca tử vong của đợt dịch này lên 67, đưa tổng số ca Covid-19 tử vong kể từ đầu năm 2020 đến nay lên 102.
Thành phố Thủ Đức phát thẻ đi chợ trên toàn địa bàn
Thông tin từ UBND thành phố Thủ Đức, TPHCM, cho biết từ ngày 7-7 sẽ triển khai kế hoạch phát thẻ đi chợ và phiếu giới hạn số lượng người mua sắm tại các chợ truyền thống trên địa bàn.
Đây là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Báo Thanh niên thông tin thêm, theo quy trình, UBND 34 phường, đơn vị quản lý chợ soạn mẫu thẻ đi chợ, ghi số thẻ, thực hiện in ấn theo mẫu có sẵn. Hằng ngày bố trí nhân viên trực tại lối ra vào chợ, phát thẻ cho người dân khi đến chợ, yêu cầu người dân kê khai đầy đủ thông tin ghi trên thẻ.
UBND phường, đơn vị quản lý chợ cũng có trách nhiệm nhập thông tin đã kê khai của mỗi người dân lên trang http://tokhaiyte.vn. Từ phần mền sẽ xuất ra mã QR - Code của từng cá nhân; in mã QR - Code và dán vào mặt sau của thẻ đi chợ tương ứng.
Sau khi được cấp phát thẻ, người dân xuất trình thẻ đi chợ cho nhân viên tại chốt kiểm soát của chợ trước khi vào chợ. Những người không có thẻ hoặc quên mang thẻ sẽ không được vào chợ và phải đăng ký với Ban quản lý chợ để được cấp thẻ mới.
Nguyễn Nam tổng hợp