(SGTT) - Theo thông tin của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, tính đến ngày 26-8, TPHCM đã giải quyết cho hơn 1,2 triệu người thuộc đối tượng khó khăn vì dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 1.840 tỉ đồng.
- TPHCM có ứng dụng Oxy 247 hỗ trợ tìm giường oxy cho bệnh nhân Covid-19
- Nhiều hoạt động hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19
- TPHCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 27.968 tỉ đồng để hỗ trợ người dân khó khăn
Báo Thanh niên thông tin thêm, đối với nhóm đối tượng người lao động tự do như bán hàng rong; thu gom rác, phế liệu; bốc vác; bán vé số lưu động… mức 1,5 triệu đồng/người (theo Nghị quyết 09), TPHCM đã giải quyết được khoảng 59%, tương đương 804.491/1.369.156 lượt người, với tổng số tiền hơn 1.206 tỉ đồng.
Trong đợt hỗ trợ lần 1, đã có 365.794 lượt người được nhận với tổng số tiền hơn 548 tỉ đồng. Hiện TPHCM vẫn đang chi hỗ trợ đợt 2 cho khoảng 1.003.362 lượt người.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã hỗ trợ cho 2 nhóm người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhóm thuốc các cơ sở giáo dục có trụ sở chính tại TPHCM với tổng số tiền khoảng 140,400 tỉ đồng.
Cụ thể, TPHCM đã giải quyết hỗ trợ cho 66.981/68.434 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của 3.904/4.150 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 140 tỉ đồng và hỗ trợ giải quyết cho 100% người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền hơn 396 triệu đồng.
TPHCM cũng đã hỗ trợ số tiền gần 12 tỉ đồng cho 5.861 hộ kinh doanh và thương nhân tại các chợ truyền thống có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ. Đồng thời, thành phố cũng đã giải quyết cho 19.005/19.342 điểm kinh doanh của các thương nhân với tổng số tiền hơn 29 tỉ đồng.
Ngoài ra, TPHCM cũng đã hỗ trợ cho 53.746/53.901 hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hơn 58 tỉ đồng. Đồng thời, vẫn đang chi hỗ trợ cho 273.112/1.223.973 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 393 tỉ đồng.
Đây là 2 nhóm đối tượng ngoài Nghị quyết 09, được TPHCM triển khai hỗ trợ theo Công văn 2627 và 2799 của UBND thành phố.
Liên quan đến 2 nhóm đối tượng nhận hỗ trợ này, trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM (thanhuytphcm.vn) cho biết thêm, trước đó, UBND TPHCM đã ban hành công văn khẩn số: 2876/UBND-VX gửi các cơ quan, ban ngành trên địa bàn thành phố về việc giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid -19.
Theo đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo điều chỉnh và bổ sung một số nội dung của Công văn số 2799 như sau: Điều chỉnh tên gọi cụm từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19” để phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
TPHCM: Nhiều quận giãn dân khỏi khu vực nguy cơ
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, từ ngày 28-8 đến hết ngày 15-9, quận 7, TPHCM cũng vận động người trên 65 tuổi, người bệnh béo phì không mắc Covid-19 đang sống tại các khu trọ chuyển vào ở tạm tại các nhà trọ, khách sạn để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.
Dẫn lời lãnh đạo quận 7, báo Tuổi trẻ thông tin thêm, dự kiến có khoảng 2.000 người dân thuộc diện này đang sống tại các khu nhà lụp xụp; nhà trên hoặc ven kênh rạch...
Theo đánh giá của bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn nhiễm trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM, các địa phương tùy vào điều kiện thực tế để có thể linh động hoặc đưa F0 đi cách ly hoặc thực hiện giãn dân ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, làm sao thuận tiện và mang lại hiệu quả phòng dịch cao nhất.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận 7 cũng đang kêu gọi các cá nhân, tổ chức kinh doanh lĩnh vực lưu trú, phòng trọ cùng chung tay hỗ trợ; đồng thời kêu gọi các hộ gia đình có người thuộc nhóm đối tượng nêu trên liên hệ UBND các phường đăng ký chuyển đến nơi ở tạm thời.
Trước đó, quận Bình Thạnh cũng thực hiện việc đã di tản dân ở những khu trọ lụp xụp tại vùng nguy cơ cao và âm tính với Covid-19 đến ở tạm tại nhà nghỉ, chung cư nhằm hạn chế lây nhiễm.
Nguyễn Nam tổng hợp