(SGTT) - Nhằm tăng cường hiệu quả chăm sóc và quản lý người F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn, Sở Y tế TPHCM yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Thủ Đức, quận, huyện tập trung triển khai và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý người F0 cách ly tại nhà.
- TPHCM kiểm soát người ra đường bằng mã QR code
- Đi chợ online, giải pháp mua sắm hàng đầu trong mùa dịch bùng phát
- Ngày 3-9: Thêm 14.922 ca mắc Covid-19; TPHCM hỗ trợ 100% học phí học kỳ I cho học sinh
Theo đó, Sở Y tế TPHCM yêu cầu trạm y tế phường, xã, thị trấn, trạm y tế lưu động phải quản lý cho được danh sách F0 trên địa bàn bằng cách kết hợp các giải pháp mà Sở Y tế đã đề ra.
Cụ thể, khi có kết quả xét nghiệm test nhanh Covid-19 hoặc RT-PCR, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và trung tâm y tế phải khẩn trương gửi ngay danh sách F0 mới phát hiện về các trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động để triển khai ngay công tác chăm sóc F0.
Tổ chức đến nhà để lấy mẫu xét nghiệm nhanh khi nhận được thông tin của người dân báo có kết quả tự làm xét nghiệm dương tính qua điện thoại hoặc qua phần mềm “hệ thống khai báo y tế điện tử” hoặc nhận được thông tin từ tổ Covid-19 cộng đồng, tổ dân phố...
Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, khi phát hiện trường hợp F0 mới, nhân viên y tế phải ghi lại đầy đủ thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của người F0 và người thân trong gia đình; phát ngay túi thuốc gói điều trị Covid-19.
Đồng thời, phải phổ biến và hướng dẫn cho người F0 biết, chấp nhận tham gia và ký vào “phiếu chấp thuận tham gia chương trình Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19”, phát gói thuốc C; tầm soát đủ điều kiện để cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.
Hướng dẫn người F0 tự theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày bằng cách tự ghi vào sổ tay hay khai báo y tế điện tử; cung cấp các số điện thoại để người F0 biết và gọi khi cần trợ giúp.
Báo Thanh niên thông tin thêm, các đơn vị mỗi ngày cần gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe F0 hoặc chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe F0 qua khai báo y tế.
Nếu có nhu cầu, chủ động đến nhà F0 để thăm khám trực tiếp, ưu tiên các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai… để thuyết phục cách ly ở cơ sở cách ly tập trung tại các phường, xã, thị trấn và quận, huyện.
Trong trường hợp F0 có triệu chứng nặng, các đơn vị phải đảm bảo cung cấp số điện thoại và tiếp nhận cuộc gọi của F0 hoặc người thân 24/7. Khi nhận được cuộc gọi cấp cứu của F0, bác sĩ trực tiếp mang bình ô xy, dụng cụ đo SpO2, túi thuốc cấp cứu... đến ngay nhà của F0 để khám và đo Sp02. Nếu Sp02 dưới 95% phải cho thở ô xy ngay, đồng thời liên hệ tổ phản ứng nhanh để chuyển F0 đến bệnh viện.
Cần tổ chức phối hợp giữa các đội để thuận lợi triển khai các hoạt động chăm sóc F0, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, hướng dẫn cho người dân tiêm vắc-xin ngay sau làm xét nghiệm (nếu đủ điều kiện). Trong trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính, lập danh sách và cấp ngay túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà cho F0.
Hà Nội đề xuất cho nhân viên giao hàng được hoạt động trong khung giờ 9:00 - 20:00
Theo báo điện tử Tin tức, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vận chuyến của người dân, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính bằng xe mô tô, xe 2 bánh của nhân viên giao hàng được hoạt động trong khu giờ từ 9:00 đến 20:00 hàng ngày.
Theo đó, đối với nhân viên giao hàng phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 còn thời hạn theo quy định của ngành y tế (72 giờ).
Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu xây dựng hướng dẫn tự tổ chức xét nghiệm để các đơn vị triển khai, thực hiện.
Từ ngày 5-9, Đà Nẵng cho mở lại chợ và quán ăn ở “vùng xanh”
Theo báo Tuổi trẻ, từ 8:00 ngày 5-9, Đà Nẵng sẽ thực hiện các biện pháp chống dịch theo quyết định 2905. Cụ thể, đối với “vùng đỏ” vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp theo quy định tại quyết định số 3986.
Đối với “vùng vàng”, bao gồm cả vùng/điểm xanh ở các khu dân cư tại các phường, xã vùng vàng sẽ tiếp tục yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà. Trong điều kiện được phép ra khỏi nhà phải có giấy đi đường mã QR kèm theo giấy tờ tùy thân, thực hiện nghiêm quy định 5K, đeo tấm che mặt trong suốt khi tham gia hoạt động giao tiếp trực tiếp.
Quá trình di chuyển thực hiện theo nguyên tắc “1 cung đường - 2 điểm đi/đến và ngược lại”.
Người dân được phép đến mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố nhưng không được mua hàng trực tiếp từ các công ty thương mại đầu mối, siêu thị mà phải thông qua các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động giao nhận, cung ứng hàng hóa cho người dân.
Đối với các hoạt động của cửa hàng, doanh nghiệp cấp gas, điện, nước, xăng dầu; bưu chính; viễn thông; phát hành báo chí; cảng hàng không; nhà ga đường sắt; trạm quản lý đường bộ… chỉ được bố trí tối đa 30% số người làm việc.
Đối với “vùng xanh” là những phường, xã khi đã qua 14 ngày liên tục không có ca bệnh nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, người dân được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày/lần; mỗi hộ gia đình chỉ được một người đi chợ và phải có giấy đi chợ mã QR hợp lệ theo quy định
Người dân được tập thể dục đi bộ ngoài trời và tham gia các hình thức thể dục khác tại nơi công cộng trong phạm vi “vùng xanh”, khoảng thời gian từ 5:00 đến 7:00 sáng.
Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng; đảm bảo có giăng dây, vạch kẻ để phân luồng, giãn cách giữa những người mua hàng; giao hàng tận nơi cho khách hàng nhưng không được phục vụ khách tại chỗ.
Nguyễn Nam tổng hợp