Diễn ra trong ba ngày tháng 3 tại Nam Định, Festival Phở 2024 sẽ là dịp tôn vinh nghề phở, hướng tới di sản văn hóa phi vật thể. Hơn thế nữa, ban tổ chức dự kiến nấu 20.000 tô phở để phục vụ lượt khách ghé tham quan.
- Khám phá phở gia truyền tại Ngày của Phở
- Tìm về món phở nạm bò "Hàng Trống" từng được cây bút người Mỹ gợi ý
Theo đó, Festival Phở 2024 với chủ đề "Con đường Phở Việt" sẽ diễn ra trong ba ngày (từ 15 - 17-3), tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Điểm nhấn của sự kiện năm nay là chương trình "Con đường Phở Việt" quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu ẩm thực tham gia trình diễn. Qua đó, thúc đẩy quảng bá hình ảnh, tạo cầu nối, không gian, giúp tôn vinh, gắn kết giữa các doanh nghiệp và các làng nghề truyền thống.
Không gian gian hàng được bố trí theo từng khu vực riêng, có sự liên kết về ý tưởng, nội dung, nhằm tạo điểm nhấn, với ba khu vực chính, gồm gian hàng phở ba miền; gian hàng nguyên liệu, gia vị phở và gian hàng tiêu chuẩn. Các gian hàng mở cửa từ 9:00 - 22:00 hằng ngày để phục vụ du khách tham quan.
Để thực khách có thể trải nghiệm món phở đặc trưng ở một số tỉnh, thành như Nam Định, Hà Nội, TPHCM, phở chua Lạng Sơn, phở ngô Hà Giang, Lâm Đồng, Gia Lai… ban tổ chức sẽ bán vé mua phở ưu đãi chỉ với mức giá 15.000 đồng/tô. Mọi người tùy chọn gian hàng bán phở mình yêu thích để dùng bữa.
Ngoài việc trực tiếp giới thiệu hương vị phở Việt Nam, Festival Phở 2024 còn tổ chức nhiều hoạt động khác như sưu tầm hình ảnh “Tôn vinh Phở Việt”, roadshow Festival Phở 2024; quảng diễn với chủ đề "Con đường phở Việt"; hoạt động xác lập kỷ lục nồi phở khổng lồ nấu tới 2.000 tô phở với định chuẩn về nguyên liệu và chất lượng; buổi tọa đàm về sự phát triển của nghề phở từ quá khứ tới tương lai; không gian trưng bày văn hóa phở, cuộc thi viết về Phở Việt Nam…
Ông Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, cho biết cơ quan đang cùng đơn vị liên quan, phối hợp với một số tỉnh, thành xây dựng hồ sơ trình công nhận nghề phở là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đưa nghề phở của Việt Nam trở thành di sản văn hóa thế giới.
Mới đây, nghề thủ công truyền thống làm bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã chính thức trở thành Di sản Phi vật thể Quốc gia, với quyết định công nhận của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Nghề làm bánh tráng Túy Loan có từ lâu đời và gắn liền với tiến trình mở cõi về phương Nam của dân tộc. Trải qua tiến trình phát triển, thương hiệu bánh tráng Túy Loan nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng của nguyên liệu làm bánh và kỹ thuật tráng bánh.
Theo Vietnamnet, Vov, tintuc, toquoc