Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Tôm cá xuất khẩu giảm, kéo rớt giá nguyên liệu

Trung Chánh

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ba tháng đầu năm nay giảm mạnh, tuy nhiên một số chuyên gia trong ngành cho rằng điều đó không quá lo ngại. Trong khi đó, người nông dân đang đứng trước nguy cơ lỗ vốn khi giá bán ra không còn như năm trước.

Giảm nhưng không bất thường

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản dự kiến cả quí 1-2015 đạt khoảng 1,27 tỉ đô la Mỹ, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái (xuất khẩu đạt 1,651 tỉ đô la Mỹ). Nếu căn cứ vào sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu như trên, có ý kiến lo ngại rằng ngành thủy sản đang bắt đầu gặp khó khăn, tuy nhiên theo các chuyên gia trong lĩnh vực, nhìn vào giá trị xuất khẩu ở cùng thời điểm này trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay thì chưa hẳn kim ngạch trong ba tháng đầu năm nay là quá sụt giảm. Cụ thể, con số 1,27 tỉ đô la Mỹ vẫn không chênh lệch nhiều so với trước.

Theo một chuyên gia trong ngành, nếu so sánh giữa kim ngạch xuất khẩu ở quí 1 năm ngoái với các năm khác trong cùng thời gian như đã nêu ở trên, thì rõ ràng quí 1 năm ngoái đã có sự đột biến khi lần lượt cao hơn các năm khác hàng trăm triệu đô la Mỹ. Lý giải điều này, vị chuyên gia trên cho biết, ở năm 2014, tình hình đã có sự khác biệt khi các nhà nhập khẩu mạnh tay gom hàng ngay từ đầu năm do những lo ngại dịch bệnh bùng phát, thiếu hụt nguồn cung, nhất là đối với mặt hàng tôm. “Còn trong năm 2015, thủy sản Việt Nam bị cạnh tranh mạnh với hàng của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và xem như kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã quay về với quỹ đạo thông thường, không còn đột biến như năm 2014”, ông này nói.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quí 1-2015 sụt giảm và giá thu mua tôm, cá nguyên liệu cũng đang thấp.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quí 1-2015 sụt giảm và giá thu mua tôm, cá nguyên liệu cũng đang thấp.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng một phần nguyên nhân đến từ giá nhập khẩu ở một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU sụt giảm khiến doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chuyển sang trữ hàng, thay vì bán ra. Song song đó, việc bị ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ và những tác động từ biến động tỷ giá ngoại tệ cũng gây nên sụt giảm xuất khẩu.

 Nhà nông đang “gồng mình”

Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, giá cá, tôm nguyên liệu ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian gần đây tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Ông Nguyễn Thanh Bình, một hộ nông dân nuôi cá tra ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho biết, hiện giá cá tra nguyên liệu loại đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu được thương lái mua tại ao chỉ còn 22.200 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg so với mức giá hồi tuần rồi. Nếu so với mức giá hồi đầu năm, mỗi ký cá tra nguyên liệu bán ra nông dân mất khoảng 1.000-2.000 đồng.

Trong khi đó, số phận con tôm hiện cũng không khá gì khi giá liên tục giảm. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng), hiện tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá chỉ còn 80.000-85.000 đồng/kg. Loại 80 con/kg đang có giá bán 95.000-100.000 đồng/kg, giảm 15.000-20.000 đồng/kg so với mức giá hồi giữa tháng 3-2015.

Cũng như tôm thẻ chân trắng, tôm sú hiện cũng giảm giá 10.000-15.000 đồng/kg so với mức giá cách đây hơn nửa tháng. Theo ông Nhiệm, các công ty chế biến xuất khẩu mua vào với giá chỉ còn 195.000-200.000 đồng/kg đối với loại 30 con/kg và 250.000-260.000 đồng/kg đối với loại 20 con/kg. “Với giá này, lợi nhuận từ tôm hiện cũng sụt giảm khoảng 15.000-20.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 3 rồi”, ông Nhiệm nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa nay ăn gì: Xa quê nhớ tép đồng cuốn bánh...

0
(SGTTO) - Bánh tráng cuốn thịt vốn đã là món ngon quen thuộc của mọi nhà ở mọi miền, thế nhưng bên cạnh thịt...

Kết nối