Thứ bảy, Tháng hai 8, 2025

Toa Tàu, bước ra từ truyện tranh

Linh Nguyễn -

Hai năm trước, từ một ý tưởng nhỏ của họa sĩ Đỗ Hữu Chí, tiến sĩ thiết kế tài liệu giảng dạy Thu Thủy, tác giả-dịch giả Phương Thủy, Toa Tàu được hình thành như một “ngôi trường” nhỏ mơ ước, là “nơi người lớn được là trẻ con và trẻ con được là chính mình”.

vh_9 Các học viên giới thiệu tác phẩm và kể lại câu chuyện của mình thông qua tranh cho cả lớp nghe.

Ắt hẳn trong tiềm thức của nhiều người và những trẻ em hiện đang ngồi trên ghế nhà trường với những khuôn mẫu sách vở và những quy tắc cứng nhắc ít nhiều từng mơ ước về một ngôi trường mà nơi đó, họ có thể tự do vừa học vừa chơi những gì mình muốn, được thỏa thích thể hiện cá tính, sự sáng tạo.

Ý tưởng xây dựng Toa Tàu được các thành viên sáng lập lấy cảm hứng từ ngôi trường Tomoe Gakuen trong bộ truyện tranh Nhật Bản có tên Totto-chan: cô bé bên cửa sổ (Kuroyanagi Tetsuko). Đây là một tổ hợp học tập mở cho cả trẻ em và người lớn, hướng đến việc đánh thức, khơi gợi và thúc đẩy sáng tạo trong mỗi con người thông qua các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, khiêu vũ, gấp giấy Origami...

Nép mình trong một khuôn viên gần chân cầu Sài Gòn, số 632 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Toa Tàu có diện tích bằng với một toa tàu thông thường, được thiết kế sơn phết lại theo phong cách nghệ thuật vui mắt, bên ngoài có hai chú mèo xinh xắn luôn lười biếng nằm ngủ ngay cửa, bên trong thì luôn rộn rã tiếng cười của học viên lẫn các giảng viên. Tại Toa Tàu, các học viên được tự do thể hiện bản sắc riêng cũng như hiện thực hóa trí tưởng tượng của bản thân. Ngoài một vài buổi nói chuyện chuyên đề miễn phí thì học phí các lớp dao động từ 250.000 đồng đến 2,5 triệu đồng.

Nơi người lớn được là trẻ con

Nhiều người lớn tuổi trước khi đến với các lớp hội họa của Toa Tàu đều băn khoăn với những câu hỏi cứ xoay vần trong đầu: Tôi thích vẽ nhưng tôi không có năng khiếu; tôi bây giờ lớn tuổi rồi liệu có thể theo kịp bạn học nếu đi học vẽ không? Tôi sợ, tôi ngại... Chính những nỗi sợ như thế là một rào cản khiến cho nhiều người cứ lần lữa rồi bỏ quên đi sở thích và đam mê của mình, để rồi đôi khi ray rứt khi nhìn những người khác thỏa thích trải nghiệm cái mà mình nghĩ trong đầu “ta cũng có thể làm được”.

Thế nhưng đối với lớp vẽ thư giãn của Toa Tàu thì lại khác. Nhiều học viên từ già đến trẻ được hướng dẫn cách vượt qua những rào cản tâm lý để có thể hòa mình vào hội họa, học cách cân bằng cảm xúc, được khơi lại nguồn cảm hứng sáng tạo, biểu đạt những cảm xúc qua tranh, được thả lỏng và chơi đùa cùng màu sắc, hình khối, đường nét, gặp gỡ những người cùng sở thích và thấu hiểu nội tâm của bản thân, được là chính mình.

Cách lớp học bắt đầu cũng thật đặc biệt khi toàn bộ học viên được họa sĩ Bút Chì hướng dẫn những trò chơi nhỏ vui nhộn để các học viên làm quen với nhau, dần dần gỡ bỏ sự ngại ngùng. Kế đến học viên lần lượt được thỏa thích vẽ nguệch ngoạc tự do bằng màu sáp, màu chì, màu nước để có cảm giác với cọ, với màu. Độc đáo ở chỗ trong khi những lớp học vẽ khác thường đi ngay vào cách dạy bố cục và kỹ thuật thì lớp vẽ thư giãn khuyến khích tự do trong cách vẽ của mỗi người.

Kim An (sinh viên năm 2) nói: “Tôi thích những bài học nhỏ vui nhộn ở lớp học của Toa Tàu, ở nơi đây mọi người cảm thấy vui vẻ và được là chính mình, học rất thích và cứ muốn giờ học kéo dài mãi”. Còn chị Minh Loan (34 tuổi) chia sẻ: “Mình đã có gia đình, chồng con và đang là nhân viên tại một công ty, mình tìm đến lớp học này để được vẽ và để giảm stress trong cuộc sống thường ngày”.

Và trẻ em được là chính mình

Những lớp hội họa ở Toa Tàu còn là nơi mà trẻ em học vẽ không phải bị áp lực để đi thi, để được điểm cao, để làm vui lòng cha mẹ mà là một môi trường tự do, là nơi để các bé thỏa thích chơi đùa đúng với độ tuổi hồn nhiên của mình, tự do phát huy cá tính và năng khiếu bẩm sinh qua các lớp học dành riêng cho độ tuổi 5-12.

“Toa Tàu hướng đến phương pháp giáo dục tự nhiên, thư giãn, nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi, những cảm xúc trong lành cho cả người lớn và trẻ em thông qua những hình thức nghệ thuật được cô đọng trong các lớp học nghệ thuật”, họa sĩ Bút Chì chia sẻ. Vị hiệu trưởng “ngôi trường” mang tên Toa Tàu cho rằng nên bắt đầu tiếp cận nghệ thuật hay bất cứ điều gì mình thích theo những cách phù hợp nhất, đừng ngại thử, đừng ngại thay đổi, đừng để trí tưởng tượng và tâm hồn bị giới hạn trong cuộc sống thường ngày, cứ thả lỏng và cứ là chính mình. Do vậy, ở Toa Tàu, nếu thích vẽ nên bắt đầu nguệch ngoạc như một đứa trẻ rồi dần dần đi từng bước, hãy gọi tên cảm xúc để nó theo dòng chảy ra ngoài.

“Toa Tàu cũng vậy, cũng hình thành từ một ý tưởng nhỏ của những người thích khám phá và sáng tạo nghệ thuật, chúng tôi không đào tạo người tài giỏi mà chỉ giúp mọi người biết cách tạo ra niềm vui và hạnh phúc cho riêng bản thân mình thông qua những điều đơn giản nhất như trong lúc vẽ một bức tranh, chụp lại một khoảnh khắc đời thường bằng máy ảnh, viết một đoạn văn, hay gấp hình một con vật nào đó”, họa sĩ Bút Chì nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trung Quốc sáng tạo thuật ngữ mới cho xe điện

0
(SGTT) - Các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc đã từ bỏ thuật ngữ "EV" truyền thống và chuyển sang "EIV" (xe điện...

Lạ miệng món bánh canh khô ở quận 10

0
(SGTT) - Tại TPHCM, thực khách dễ dàng tìm thưởng thức bánh canh kiểu món nước truyền thống, nhưng để chế biến thành bánh...

Về làng Sình xem hội vật đầu xuân

0
(SGTT) - Mỗi năm, vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch, lễ hội vật truyền thống làng Sình diễn ra tại đình làng Lại...

Ghé thăm đền Trần – di tích quốc gia đặc biệt...

0
(SGTT) - Đền Trần là quần thể di tích gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần, tọa lạc tại huyện Hưng...

Cầu Đại Ngãi 1 chậm tiến độ do vướng mắc kỹ...

0
(SGTT) - Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), công trình cầu Đại Ngãi 1 chậm tiến độ, phải lùi lịch hoàn thành 2...

Sắp diễn ra lễ hội Tết Nguyên tiêu 2025 tại TPHCM

0
(SGTT) - TPHCM sẽ tổ chức lễ hội Tết Nguyên tiêu từ ngày 10 đến 12-2, nhằm ngày 13 đến 15 tháng Giêng năm...

Kết nối