Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Tình yêu là một nghệ thuật

Tình yêu là một nghệ thuật… mà người sống trên đời đều phải học và xã hội càng hiện đại lại càng cần học nghiêm túc.
Xin giới thiệu bài viết của ông Lê Hữu Huy – Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore – dựa trên luận thuyết của nhà triết học và phân tâm học Erich Fromm, ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn mang tính thời sự, như một cách chia sẻ nhân Ngày Valentine 14-2-2022.

Tình yêu là trải nghiệm cá nhân độc đáo mà không ai có thể diễn đạt hết được. Nhưng đó cũng là một nghệ thuật phải được phát triển và thực hành với sự cam kết và khiêm tốn, đòi hỏi cả kiến ​​thức và nỗ lực của con người. Đó là lập luận của nhà triết học và phân tâm học người Đức Erich Fromm trong quyển sách “The Art of Loving" xuất bản lần đầu tiên năm 1956 trong đó ông đưa ra một lý thuyết về tình yêu, rằng tình yêu là câu trả lời cho sự tồn tại của loài người và nhu cầu sâu xa nhất của con người là vượt qua sự ngăn cách, để rời khỏi ngục tù cô độc của mình.

Vì sao con người cần tình yêu?

Theo Fromm, sự cô đơn tạo ra một trải nghiệm về “một nhà tù không thể chịu đựng nổi” có thể là nguồn gốc đáng kể của lo lắng, xấu hổ và bất hạnh. Do đó, một cá nhân thường liên tục vươn tới sự kết nối và giao tiếp với những người khác và cố gắng đạt được trải nghiệm của tình yêu.

Tuy nhiên, nhiều người đã hiểu sai khái niệm tình yêu và bị lạc lối trong những hình thức của tình yêu giả tạo (pseudo-love). Ví dụ, mong muốn thoát khỏi sự cô đơn có thể được thể hiện dưới hình thức phục tùng hoặc phụ thuộc thụ động, trong đó một người tìm kiếm bản tính của mình thông qua người khác. Ở đây, cá nhân từ bỏ trách nhiệm và ý thức về bản thân, và cố gắng tồn tại nhờ sự vĩ đại hoặc sức mạnh được nhận thức của người kia.

Phương thức liên kết không lành mạnh này có thể trải qua ở cấp độ cá nhân, xã hội, quốc gia, thậm chí là tôn giáo. Trong mọi trường hợp, người này tìm người kia để có được câu trả lời cho các vấn đề của cuộc sống, và do đó cố gắng thoát khỏi những thách thức và đòi hỏi của tự do và trách nhiệm. Người nào được coi là quyền lực hơn sẽ thống trị và kiểm soát mối quan hệ.

Tuy nhiên, người ở vị thế thượng phong cũng sẽ dựa vào người ở vị trí phục tùng để thỏa mãn mong muốn của riêng mình. Cách diễn đạt này thường được diễn đạt trong văn chương hay âm nhạc lãng mạn: tình yêu được coi là động lực của cả hai bên, dựa trên sự khẳng định rằng người này không thể sống thiếu người kia.

Tình yêu đích thực là gì?

Theo cách giải thích của Fromm, tình yêu đích thực được thúc đẩy bởi sự thôi thúc cho đi và chia sẻ chứ không phải bởi mong muốn đáp ứng nhu cầu của bản thân hoặc bù đắp cho những thiếu sót của một người. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu cá nhân cam kết với một “định hướng đóng góp” (productive orientation) đối với cuộc sống, vì một con người có tính cách như vậy sẽ quan tâm đến việc cho đi hơn là nhận lại. Ông viết: “Đối với người có tính cách đóng góp, cho đi là biểu hiện cao nhất của sinh lực (potency). Trong chính hành động cho đi, tôi cảm nghiệm được sức mạnh, sự giàu có, quyền lực của tôi. Trải nghiệm về sức sống và tiềm năng cao độ này khiến tôi tràn đầy niềm vui. Tôi trải nghiệm bản thân mình như đang dâng trào, phóng khoáng, sung sức, rồi vui sướng. Cho thì vui hơn nhận, không phải vì cho là bỏ bớt đi (deprivation), mà vì trong hành vi cho là biểu hiện cho lẽ sống của bản thân”.

Đối với Fromm, tình yêu chín chắn (mature love) là một hành động cho đi thừa nhận sự tự do và tự chủ của bản thân và người khác, và theo nghĩa này, nó hoàn toàn khác với hiện tượng thụ động, không tự nguyện được gợi ý bởi cụm từ “phải lòng” (falling in love).

Ông cho rằng có một sự nhầm lẫn giữa trải nghiệm ban đầu khi “yêu” và trạng thái vĩnh viễn của tình yêu, hay như chúng ta có thể nói tốt hơn, “vững vàng” trong tình yêu. Cường độ và sự phấn khích đi kèm với những khoảnh khắc mê đắm thường liên quan đến mức độ cô đơn và cô lập đã từng trải qua. Như vậy, dù sớm hay muộn, nó cũng thường kéo theo sự chán nản và thất vọng.

Nhận định này của ông cũng tương đồng với nhiều triết gia khác khi nói về sự mù quáng của tình yêu lãng mạn. Như vậy, tình yêu chín chắn là sự cam kết tích cực và quan tâm đến hạnh phúc của người mà chúng ta yêu thích. Trải nghiệm như vậy cho thấy tình yêu không phải là nơi để nghỉ ngơi, mà là một thử thách liên tục, cùng nhau vận động và phát triển.

Để có thể phát triển và rèn luyện đạt đến mức độ chín chắn trong tình yêu, Fromm cho rằng con người cần thực hành bốn yếu tố, gồm sự quan tâm, trách nhiệm, sự tôn trọng và sự hiểu biết.

Đối tượng và hình thái của tình yêu

Có nhiều biểu hiện của tình yêu như tình yêu cha mẹ dành cho con cái, tình anh em hay tình dục… được thúc đẩy bởi những mong muốn, nhu cầu và hy vọng khác nhau. Nhưng Fromm khẳng định rằng trải nghiệm tình yêu chín chắn trong mọi trường hợp đều có nền tảng và định hướng giống nhau theo đó người này sẽ không dùng người kia làm đối tượng phục vụ mục đích của riêng mình.

Ví dụ, các cuộc tiếp xúc tình dục có thể được thúc đẩy chủ yếu bởi mong muốn có được sự phấn khích về thể chất, niềm vui và sự giải tỏa, hoặc bởi sự thôi thúc về sự thống trị hoặc phục tùng. Trong cả hai trường hợp, sự thân mật trải qua là tạm thời và có giới hạn, mối quan hệ không được đặc trưng bởi bốn yếu tố cốt lõi như trên mà bằng cách sử dụng đối phương như một phương tiện để đạt đến cứu cánh.

Tình thương của cha mẹ được cho là thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc và tận tâm vô điều kiện nhưng theo một số nhà tâm lý, các bậc làm cha làm mẹ đôi khi bị thúc đẩy bởi những yếu tố không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của đứa trẻ. Chẳng hạn, có một số nền văn hóa, trẻ em cảm thấy rằng mình không được yêu vì bản thân, mà chỉ vì điều kiện xứng đáng với cha mẹ, như vâng lời, ngoan ngoãn, thành đạt, nổi tiếng.

Phân tích về vai trò của cha mẹ trong tình yêu, Fromm đưa ra hai hình ảnh ẩn dụ là “sữa”’ và “mật ong”. Ông viết: “Sữa là biểu tượng khía cạnh đầu tiên của tình yêu, đó là sự quan tâm và khẳng định. Mật ong tượng trưng cho sự ngọt ngào của cuộc sống, tình yêu dành cho nó và niềm hạnh phúc khi được sống”.

4 yếu tố nền tảng của tình yêu

– Quan tâm: Sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu về thể chất, tình cảm và tâm lý của người mình yêu.

– Trách nhiệm: Cam kết dành thời gian, nỗ lực và công sức cho người mình yêu.

 

– Tôn trọng: Khiêm tốn và cởi mở, hạn chế bất kỳ nỗ lực nào nhằm nhào nặn người mình yêu thành một hình ảnh hoặc lý tưởng nào đó.

 

– Hiểu biết: Cam kết tìm hiểu người mình yêu như một thực thể riêng biệt, chứ không chỉ là sự phản ánh bản ngã cho riêng mình.

Khả năng trao tình yêu mật ngọt phụ thuộc vào cảm giác hạnh phúc và sự gắn bó vui vẻ của một người. “Cả hai thái độ này đều có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ nhân cách của đứa trẻ; thật vậy, người ta có thể phân biệt giữa trẻ em – và người lớn – những người chỉ có “sữa” và những người có “sữa và mật ong”.

Như vậy, ngoài bốn yếu tố nền tảng, tình yêu cũng nên có những ham muốn “mật ong”, tức là cảm giác người yêu có được niềm vui trong người được yêu, được hưởng thụ sự tồn tại của người mình yêu.

Thực hành nghệ thuật yêu

Nếu nhận thức rằng tình yêu là một nghệ thuật, con người phải tiến hành giống như cách bắt đầu học bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào khác. Hành trình này có thể được chia thành hai phần gồm lý thuyết và thực hành và những người nghiêm túc đều phải bắt đầu bằng việc rèn luyện kỷ luật, sự tập trung và kiên nhẫn trong suốt quá trình phát triển của cuộc đời mình.

Với nghệ thuật yêu, Fromm cho rằng thách thức và trở ngại lớn nhất là vượt qua tính ái kỷ (narcissism) theo đó một người chỉ quan tâm đến thế giới riêng, giá trị và nhu cầu của riêng mình, thường coi người khác như một mối đe dọa và nguy hiểm, hoặc là một cơ hội để lợi dụng và thao túng.

Mặc dù được đưa ra cách đây hơn nửa thế kỷ, luận thuyết của Fromm về nghệ thuật yêu thương vẫn còn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc với khẳng định rằng tình yêu là điều cần thiết cho sự phát triển và tồn tại của con người.

Đòi hỏi và trách nhiệm về tình yêu của Fromm có quá lý tưởng và phi thực tế và liệu chúng ta có thể thực hành thành thạo nghệ thuật này theo khuyến cáo của Fromm hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào từng cá nhân với những trải nghiệm bản thân trong từng chặng đường trên hành trình sống và yêu. Nhưng chắc hẳn rằng những ai đã yêu, đang yêu và sẽ tiếp tục yêu trở nên chín chắn và trưởng thành hơn sau khi đọc xong quyển sách rất thú vị này.

Lê Hữu Huy

Theo KTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cận ngày Valentine: Chợ hoa tươi vắng lặng, hoa sáp thơm...

0
(SGTT) - Chiều ngày 13-2 (nhằm mùng 4 Tết Âm lịch), dù cận ngày lễ tình nhân (Valentine 14-2) nhưng không khí mua bán...

Quyền sinh ra để được yêu

0
(SGTT) - Sau khi đã trải qua những tổn thương do ly hôn và dành nhiều thời gian để tìm kiếm tình yêu, chị...

Sàn thương mại điện tử tranh thủ hút khách sát ngày...

0
Chỉ còn vài giờ nữa là tới ngày lễ tình nhân 14-2. Dịp này, các nhà sản xuất, phân phối, các sàn thương mại...

Ấn tượng chương trình hoà nhạc cổ điển ngày lễ tình...

0
(SGTT) - Đêm 14-2, nhân ngày lễ tình nhân Valentine, tại An Nhiên Garden, thành phố Huế đã diễn ra chương trình hoà nhạc...

Quà tặng 14-2: Sô cô la được ưa chuộng, hoa tươi...

0
(SGTT) – Lễ tình nhân (14-2) là dịp để các cặp đôi dành cho nhau những món quà ý nghĩa, thể hiện tình cảm...

Nữ giới nghĩ sao về việc tặng hoa cho người yêu...

0
(SGTT) - Valentine là dịp để các cặp đôi dành tặng cho đối phương của mình những món quà hay lời chúc ý nghĩa....

Kết nối