(SGTT) - “Tình anh bán chiếu” vẫn còn vang vọng như một khúc ca bất hủ, nhưng dường như chỉ là tiếng gọi đơn phương giữa vùng sông nước đang đổi thay. Chợ nổi Ngã Bảy dần vắng bóng, thuyền ghe thưa thớt, thương hồ rời bến, để lại dòng Ngã Bảy lặng lẽ trôi...
- Để ‘Tình anh bán chiếu’ nơi dòng sông Ngã Bảy được nhiều người biết đến
- Chợ nổi Ngã Năm nhìn từ trên cao
- Bảo tàng di sản ghe xuồng sông nước Cửu Long: chiếc phao cứu chợ nổi ‘đang chìm’?
Gần đây, chương trình nghệ thuật “Điểm hẹn bảy dòng sông – Tình anh bán chiếu” do UBND TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang tổ chức trong khuôn khổ “Tuần lễ du lịch và xúc tiến đầu tư TP Ngã Bảy lần thứ II năm 2025” đã làm nao lòng du khách với tác phẩm vọng cổ “Tình anh bán chiếu”.
Tác phẩm của soạn giả Viễn Châu được sáng tác hơn 65 năm trước nhưng vẫn bất hủ. Giọng ca “ông vua vọng cổ” Út Trà Ôn thuở nào như còn vang vọng và trong đêm khai mạc, NSND Trọng Phúc đã hóa thân thành “người bán chiếu” trong hoạt cảnh “Tình anh bán chiếu” đầy mùi mẫn, man mác nỗi buồn vì “người ta đã có đôi rồi”.
Hoạt cảnh chợ nổi Ngã Bảy được dàn dựng với nỗ lực tái hiện ký ức một thời, nhưng đáng tiếc vẫn chưa đủ “hồn” để làm sống lại vẻ nhộn nhịp, đặc trưng của chợ nổi Ngã Bảy năm xưa.

Tình anh bán chiếu bất hủ…
Nói đến danh ca Út Trà Ôn – Nguyễn Thành Út (sinh năm 1919 tại làng Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) là người ta nghĩ ngay đến bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” do soạn giả Viễn Châu sáng tác vào năm 1959.
Lúc sinh thời, soạn giả Viễn Châu từng kể rằng trong một chuyến đi Cần Thơ – Sóc Trăng, ông có dịp dừng chân tại Ngã Bảy, thấy một người bán chiếu mệt mỏi ngồi trước hiên một căn nhà đã đóng cửa. Nhìn nét mặt u buồn của người đó, ông liên tưởng đến hình ảnh “người bán chiếu Cà Mau” thất tình và từ cảm xúc ấy đã viết nên bài “Tình anh bán chiếu”.
Ngày đó, soạn giả Viễn Châu và danh ca Út Trà Ôn “song kiếm hợp bích”, góp phần làm rạng danh làng vọng cổ nước nhà. Khi “ông vua vọng cổ” Út Trà Ôn ca “Tình anh bán chiếu” bằng chất giọng trời phú, ông đã làm say đắm lòng người.
"Hò ơi! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm em không gặp… hò ơi… tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm".... Lời ca mộc mạc nhưng tình tứ, dỗi hờn "Khi hỏi lại xóm giềng tôi mới biết/Cô theo chồng đã được bốn trăng qua/Mình dám đâu sai hẹn với người ta/Mà họ đành đoạn bỏ nhà đi xứ khác…”
Để rồi, anh bán chiếu Cà Mau “cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không hồn”. Kết cuộc "Con sông Phụng Hiệp nó chảy ra bảy ngã/Mà sao lệ của tôi nó cũng lai láng muôn dòng".
Ngày ấy, khắp các làng quê miền sông nước Cửu Long, những ban đờn ca tài tử thường xuyên biểu diễn bài “Tình anh bán chiếu”, rồi dần lan truyền khắp mọi miền đất nước. Nay, tuy đã hơn 65 năm trôi qua, lịch sử trải qua bao thăng trầm, nhưng “Tình anh bán chiếu” vẫn sống mãi với thời gian. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, vẫn mùi mẫn với “Tình anh bán chiếu”.
Chợ nổi Ngã Bảy chỉ còn trong ký ức
“Tình anh bán chiếu” đã làm du khách thêm nhớ thương chợ nổi Ngã Bảy. Những bậc cao niên kể lại, ngày xưa Phụng Hiệp (Ngã Bảy) là vùng đất rộng lớn đầy lau sậy, thuộc khu vực lung trũng với nhiều con rạch tự nhiên đi vào lịch sử như Láng Sen, Sậy Níu, Xẻo Vông, Xẻo Môn, lung Bảy Thưa... Đất đai và nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn, hoang vu, vắng vẻ, đầy muỗi, vắt, rắn độc…
Năm 1890, người Pháp bắt đầu đào kênh và đến năm 1918 thì hoàn thành, tạo thành cụm kênh hội tụ các dòng chảy về làng Phụng Hiệp với bảy ngã. Đến năm 1915, Pháp thành lập quận Phụng Hiệp. Sau đó, tuyến quốc lộ 1 đi qua, tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ, đặc biệt là đường thủy từ các tỉnh miền Tây và Sài Gòn. Sau hơn 10 năm đào kênh xáng, khi giao thông thủy trở nên thông suốt, chợ Ngã Bảy tự phát hình thành vào năm 1915, với kiểu nhóm chợ trên sông đặc trưng.
Lúc sinh thời, học giả Vương Hồng Sển từng kể rằng năm 1919, ông đi tàu thủy Pélican từ Sóc Trăng, ghé nghỉ một đêm tại phòng ngủ chợ Ngã Bảy, rồi tiếp tục hành trình lên Cần Thơ, Mỹ Tho. Khi ấy, chợ nổi Ngã Bảy rất sung túc, là điểm trung chuyển lúa gạo, nông thủy sản, thực phẩm và hàng thủ công. Đây là chợ đầu mối trên phố – dưới sông lớn bậc nhất miền Tây, kết nối hầu hết vùng Lục tỉnh, quy mô sánh ngang với chợ Cần Thơ. Ngày đó, Ngã Bảy “trên bến dưới thuyền” tấp nập.
Chợ Ngã Bảy đã tồn tại hơn một thế kỷ, nhưng nhộn nhịp nhất là vào những năm đầu thập niên 1990. Mỗi ngày, hàng trăm ghe xuồng neo đậu họp chợ, tạo nên một trung tâm giao thương sôi động. “Ngã Bảy ngày xưa nứt người. Mình có thể đi từ bờ sông này sang bờ bên kia bằng cách chuyền từ ghe này sang ghe khác...” – một cư dân Ngã Bảy nhớ lại.
Ngày 15-5-1992, tàu Calypso – con tàu nghiên cứu môi trường các dòng sông trên thế giới – đã đến quay phim chợ nổi Ngã Bảy. Do chợ có quy mô lớn, tọa lạc theo bảy ngã kênh, ê-kíp quay phải sử dụng thủy phi cơ bay ở độ cao 100 mét cùng 4 ca-nô chuyên dụng để tác nghiệp trong gần một ngày. Sau đó, bộ phim được công chiếu trên hơn 100 kênh truyền hình quốc tế.
Một buổi chiều năm 1992, sau khi kết thúc buổi quay tại chợ nổi Ngã Bảy, đạo diễn Philip – người dẫn đoàn tàu Calypso – trước khi chia tay dòng sông, đã nói "Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, cần giữ gìn, phát huy".
Nhưng tiếc thay, đến đầu thập niên 2000, chợ nổi Ngã Bảy đã “chìm dần”, thuyền xa bến đậu, thương hồ “nhổ neo”, để Ngã Bảy lặng lờ trôi, chỉ còn là “những dòng sông nhớ”. Thương hồ nay đã bỏ dòng sông Ngã Bảy mà đi xứ khác, kiếm kế mưu sinh muôn phương. Chợ nổi Ngã Bảy không còn nữa, để lại trong lòng du khách bao nỗi luyến tiếc.
“Tình anh bán chiếu” vẫn bất hủ, nhưng dường như trở thành tiếng vọng đơn phương. Đâu còn nghe giọng danh ca Út Trà Ôn văng vẳng từ những chiếc cát-sét phát ra trên ghe thương hồ, giữa những đêm trăng thanh gió mát như thuở nào.
Phải chăng, Ngã Bảy cùng các địa phương từng có chợ nổi nhộn nhịp cần chung sức, chung lòng, chung tay lập nên Bảo tàng Di sản Ghe xuồng sông nước Cửu Long? Không chỉ như chiếc phao cứu vớt các chợ nổi đang “chìm”, bảo tàng ấy còn có vai trò gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa sông nước quý báu.
Bảo tàng Di sản Ghe xuồng sông nước Cửu Long có thể “rày đây mai đó”, neo đậu tại các chợ nổi một thời vang bóng. Khi ấy, du khách sẽ được bắt gặp lại bóng dáng chợ nổi Ngã Bảy ngày nào...