(SGTT) - Nghề đan võng tại Cù Lao Chàm (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) vừa được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được cho là cơ hội để người dân xứ đảo phát triển sinh kế thông qua con đường du lịch (trải nghiệm và mua sản phẩm).
- Khai hội làng nghề mộc hơn 500 tuổi ở Quảng Nam
- Ghé thăm làng nghề dệt lanh truyền thống ở Lùng Tám, Hà Giang
“Đặc sản” nơi xứ đảo
Nếu có dịp rong chơi ở Cù Lao Chàm, du khách ắt hẳn cảm thấy tò mò khi thi thoảng bắt gặp những cụ bà cặm cụi ngồi đan võng ở thềm hiên nhà. Nguyên liệu tạo nên chiếc võng khá đặc biệt khi được đan từ chính cây ngô đồng mọc trên đảo này.
Bà Võ Thị Kề – một trong số ít những cụ bà còn thông thạo nghề đan võng ở xã Tân Hiệp (đơn vị hành chính quản lý Cù Lao Chàm), cho biết, để tạo ra một chiếc võng ngô đồng phải mất hàng tháng trời tùy thuộc vào tay nghề người đan. Có nhiều công đoạn thực hiện, bao gồm chọn những cây mọc thẳng, không lấy phần nhánh, đập cây lấy vỏ, sau đó ngâm dưới khe suối ít nhất nửa tháng, tách vỏ lấy lụa, sau đó giặt sạch phơi khô; tước sợi lụa lớn thành những sợi lụa nhỏ và cuối cùng vừa xe sợi vừa đan võng.
Theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, vỏ cây ngô đồng từ lâu đã được cư dân địa phương sử dụng làm nên những chiếc võng, chỉ riêng có ở Cù Lao Chàm. Võng có màu vàng ngả trắng, độ bền trên 10 năm, có thể giặt được và không bị ẩm mốc.
Nghề đan võng ngô đồng đã tồn tại ở Cù Lao Chàm trong nhiều thế kỷ qua. Không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần, chiếc võng ngô đồng còn gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất này. Những chiếc võng đã trở thành sản phẩm đặc trưng, là một thành tố trong đời sống văn hóa của cư dân trên đảo.
Gắn với du lịch để bảo tồn nghề
Ngày trước, võng ngô đồng được làm để sử dụng hoặc bán cho người thân ở Cù Lao Chàm, Hội An… đặt hàng. Hơn 10 năm trở lại đây, khi du lịch Cù Lao Chàm phát triển mạnh, võng ngô đồng còn được bán cho du khách hoặc từ đơn đặt hàng của khách ở một số thành phố lớn trên cả nước.
Vì quy trình, thời gian làm ra võng ngô đồng công phu, kéo dài và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên số lượng võng bán ra hằng năm khá hạn chế, năm nhiều nhất chỉ khoảng vài chục chiếc. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ mai một nghề khi không có mấy người trẻ đủ sự khéo léo và nhẫn nại để tiếp thu nghề.
Năm 2023, Hợp tác xã du lịch làng nghề Cù Lao Chàm ra đời với mong muốn lưu giữ được những tinh hoa nghề của cư dân xứ đảo, nhất là nghề đan võng ngô đồng, thông qua việc tạo môi trường cho người trẻ học tập, làm việc, bảo tồn nghề truyền thống.
Bà Cao Thị Phương – đại diện hợp tác xã du lịch làng nghề Cù Lao Chàm – cho hay, qua khoảng một năm vận hành, các sản phẩm, tour tuyến của đơn vị bước đầu đã được du khách đón nhận hào hứng, trong đó có việc trải nghiệm quy trình đan võng ngô đồng.
Theo những người làm trong ngành du lịch, cộng sinh cùng ngành công nghiệp không khói là một lối mở cho nghề đan võng. Từ năm 2022, Hội An đã tổ chức lễ hội “mùa hoa ngô đồng đỏ” vào mùa thu và đang duy trì nó trở thành sự kiện thường niên để du khách ra thăm đảo, “check-in” với cây ngô đồng nở hoa và trải nghiệm sự sáng tạo của cư dân nơi đây với các sản phẩm thủ công làm từ cây ngô đồng.
Việc nghề đan võng ngô đồng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể là cơ hội để nghề này phát triển bền vững theo hướng trên.
Khi nghề đan võng ngô đồng trở thành di sản, giá trị của nó sẽ được trân trọng hơn, dư địa sinh tồn của nó sẽ được rộng mở. Ngày càng nhiều du khách sẽ ghé Cù Lao Chàm, trải nghiệm nghề cùng sự độc đáo xung quanh loài cây ngô đồng. Từ đó, họ sẽ cùng chính quyền địa phương bảo tồn và phát triển nghề này thông qua trả phí dịch vụ cho việc trải nghiệm cũng như mua sản phẩm. Chưa kể, sản phẩm có thể được xuất khẩu với giá cao vì nó kể câu chuyện, không chỉ gói gọn trong chuyện nghề, chuyện về loài cây mà phảng phất hơi thở cuộc sống của cư dân xứ đảo.