Thứ sáu, Tháng tư 25, 2025

Tìm cách quản lý quỹ ngành du lịch

MINH DUY -

Theo kế hoạch, trong tháng này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Dự kiến, quỹ sẽ có quy mô 2.000-2.500 tỉ đồng sau năm năm thành lập. Vấn đề mà những người trong ngành du lịch quan tâm là quản lý như thế nào để quỹ ngàn tỉ đồng này phát huy hiệu quả.

Ý tưởng đã có chục năm

Theo một lãnh đạo ngành du lịch, ý tưởng thành lập quỹ không mới mà đã có từ 15 năm nay, lúc nào cơ quan quản lý cũng muốn có quỹ để có một nguồn kinh phí lớn nhằm thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch. Tuy nhiên, mãi đến tháng 5-2015, khi Chính phủ có cuộc họp chuyên về du lịch và trong bối cảnh mảng du lịch quốc tế sụt giảm liên tục, việc thành lập quỹ cùng với một số chính sách khác như miễn thị thực cho du khách mới được đồng ý về chủ trương.

Theo đó, quỹ này sẽ có 30% kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, 70% còn lại từ nguồn xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch. Tuy quỹ sẽ dùng cho nhiều hoạt động như hỗ trợ tạo sản phẩm du lịch, quy hoạch… nhưng những chương trình xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch sẽ là phần chủ đạo. Ngành du lịch kỳ vọng, nguồn kinh phí lớn sẽ tạo nên một bước đột phá lớn trong việc thực hiện các hoạt động, vì từ trước đến nay, năm nhiều nhất ngành cũng chỉ có khoảng 3 triệu đô la Mỹ (trên 60 tỉ đồng) và chẳng thể so sánh với kinh phí hàng chục triệu đô la Mỹ mà các nước lân cận chi cho xúc tiến, quảng bá du lịch.

Doanh nghiệp giao dịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế tại TPHCM 2014. Đây là sự kiện quảng bá hình ảnh du lịch, tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Doanh nghiệp giao dịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế tại TPHCM 2014. Đây là sự kiện quảng bá hình ảnh du lịch, tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Theo một chuyên gia trong ngành, đúng là không có tiền thì không thể làm gì nhưng chưa chắc khi có tiền thì ngành du lịch có thể thực hiện được những chương trình có hiệu quả. Những chương trình quảng bá du lịch đơn điệu ở nước ngoài qua các kỳ hội chợ, những “lợn cợn” trong việc tổ chức gian hàng Nhà Việt Nam tại Expo Milano 2015 (Ý) mà báo chí nêu thời gian qua là vài ví dụ cho việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu những chuyên gia và những người có trách nhiệm thực sự trong việc quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước. “Nếu có nhiều tiền hơn nhưng không thay đổi cách làm việc, cách điều hành thì cũng khó tạo được sự thay đổi như kỳ vọng thành lập quỹ”, chuyên gia này nói.

Nhà nước không nên quản lý

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ chiếm 30% nhưng để quỹ hoạt động có hiệu quả thì phải làm cho quỹ này thoát ra khỏi sự quản lý của các cơ quan nhà nước và trở thành quỹ độc lập. Nhà nước chi một phần tiền nhưng sẽ không kiểm soát hoạt động của quỹ, bố trí người điều hành, chỉ cần kiểm soát hiệu quả để căn cứ vào đó mà cấp ngân sách cho những năm sau.

Theo ông Bình, đây là cách mà một số nước đã vận dụng thành công. Những người, tổ chức điều hành quỹ sẽ được chọn lựa qua việc đấu thầu quản lý, phân chia trách nhiệm quản lý, phân chia đầu việc hàng năm… để khi không hoàn thành nhiệm vụ lúc kết thúc một năm tài chính thì những tổ chức đó sẽ không được thực hiện tiếp hoạt động cho năm tới và thậm chí phải có ràng buộc trách nhiệm. “Từ trước đến nay, chúng ta vẫn đặt chỉ tiêu cho mỗi năm nhưng nếu không hoàn thành thì lại đổ thừa cho hoàn cảnh khách quan và năm sau vẫn tiếp tục. Nay, buộc cá nhân hay tổ chức khi nhận kinh phí phải cam kết thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tương ứng, nếu không sẽ chịu trách nhiệm thì mới có thể giải quyết được tình trạng này”, ông Bình nói.

Trong một cuộc trao đổi trên truyền hình mới đây liên quan đến ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết tổng cục cũng đang muốn xây dựng mô hình quản lý quỹ theo hướng tương tự. Hội đồng quản lý quỹ sẽ bao gồm vai trò của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội du lịch… “Hội đồng quản lý quỹ phải là cơ quan độc lập, có sự tham gia của các đối tác công-tư, những chuyên gia”, ông nói.

Những người trong ngành hy vọng rằng với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và chủ trương ban đầu của Tổng cục Du lịch thì ý tưởng cho mô hình hoạt động của quỹ sẽ được thực hiện xuyên suốt từ khi bắt đầu hình thành cho đến khi được Chính phủ chấp thuận và triển khai vào thực tế. Có như thế thì mới mong tạo được một sự thay đổi trong việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch như mục tiêu ban đầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đường phố Hà Nội rợp bóng cờ hoa chào mừng đại...

0
(SGTT) – Những ngày này, Hà Nội khoác lên diện mạo mới khi khắp các tuyến phố được trang hoàng bằng cờ Tổ quốc,...

Taste Atlas ‘điểm danh’ 21 món ăn vùng đồng bằng sông...

0
(SGTT) - Trong bài viết mới đăng tải trên trang chủ, chuyên trang ẩm thực quốc tế - Taste Atlas - đã đưa ra...

Tour 30-4: không có tình trạng ‘cháy’ tour, điểm đến TPHCM...

0
(SGTT) - Sát kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, thị trường du lịch không ghi nhận tình trạng “cháy tour”. Riêng tại TPHCM, lượng...

Bức tranh ‘Cá vượt vũ môn’ trên cánh đồng lúa Tam...

0
(SGTT) – Năm nay, tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, người dân đã tạo dựng bức tranh lúa "Cá vượt vũ...

Tạm biệt môi thâm với một số thành phần dưỡng chất...

0
(SGTT) - Môi sẫm màu ở một số người có thể là do bẩm sinh, nhưng phần lớn còn lại là do có yếu...

Cần Thơ thành lập Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp

0
(SGTT) - Sáng 24-4, Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ đã tổ chức lễ ra mắt Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp...

Kết nối