Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Tìm cách mở cửa ‘kho báu’ du lịch đại ngàn Quảng Nam

Du lịch vùng cao tỉnh Quảng Nam có rất nhiều điều hấp dẫn để mời gọi du khách khám phá, trải nghiệm. Nhưng nơi đây vẫn còn mãi loay hoay trong hành trình chinh phục người lữ khách…

Miền núi tỉnh Quảng Nam có nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc. Trong ảnh: Một hang động nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Quốc Tuấn

Lạc nhịp với xu hướng phục hồi

Đã hơn một tháng từ Tết Nguyên đán Quý Mão, làng du lịch cộng đồng Đhơ Rôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa có khách đoàn ghé thăm. Hàng ngày những phụ nữ trong làng vẫn cặm cụi dệt thổ cẩm và đợi khách trở lại. Bà Ploong Thị Mai – thành viên tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng du lịch cộng đồng Đhơ Rôồng – chia sẻ, trong năm 2022 chỉ có một đoàn khách lưu trú lại làng. Số lượng khách đến làng tham quan cũng thưa thớt hơn trước khi có dịch Covid-19 và xa hơn là lúc làng mới mở cửa đón khách.

Đó cũng là nỗi lòng chung của hầu hết đồng bào làm du lịch sáu huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Dù du lịch chưa phải là sinh kế chính nhưng nó ít nhiều giúp cải thiện đời sống cư dân các điểm du lịch vùng cao, không chỉ về thu nhập mà cả về tinh thần, lối sống…

Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, năm 2022 du lịch Quảng Nam phục hồi khá tốt khi có hơn 4,8 triệu lượt khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn chủ yếu tập trung ở đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và một số khu vực lân cận.

Từ năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã có Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trong đó định hướng mở rộng không gian phát triển du lịch về phía nam và phía tây, tức là nới rộng không gian du lịch vốn thu hẹp trong hai “chiếc áo” Hội An và Mỹ Sơn vốn nằm ở phía bắc của tỉnh. Vào năm 2019 Quảng Nam cũng từng có một đề án riêng hỗ trợ cho 21 điểm du lịch miền núi nhưng kết quả cuối cùng thu được cũng không như kỳ vọng.

Một phụ nữ Cơtu ở làng Đhờ Rôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đang dệt thổ cẩm. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, tài nguyên du lịch ở vùng núi Quảng Nam hết sức đa dạng nhưng việc khai thác sản phẩm du lịch lại hay đi vào lối mòn. Cần phải điều chỉnh, giảm thiểu sự trùng lắp đến mức thấp nhất. Du khách sẽ mất đi hứng thú nếu ghé điểm đến nào ở vùng cao cũng được trải nghiệm cùng một chuỗi hoạt động như xem dệt, múa tâng tung da dá, uống rượu cần…

Cần “mở khóa” từ nhiều phía

Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho hay, thực ra địa phương có nhiều tài nguyên du lịch vô cùng đặc sắc, đơn cử như cánh rừng hoa đỗ quyên là “báu vật” thiên nhiên ban tặng cho địa phương nhưng cung đường đến đó còn khá hiểm trở kể cả với người địa phương nên có rất ít du khách tiếp cận được. Huyện sẽ có nhiều đợt khảo sát tính toán tạo điểm dừng chân, quy hoạch tuyến giao thông đa năng vừa là đường dân sinh cho đồng bào vừa là phục vụ vận chuyển khách du lịch để tuỳ theo địa hình từng đoạn mà có phương tiện phù hợp.

Nhìn rộng ra, hạ tầng khung, nhất là hạ tầng về giao thông thiếu và yếu chính là lực cản hiển hiện nhất khiến du lịch vùng tây Quảng Nam chưa kết nối mạnh mẽ được với hệ thống di sản văn hóa và khu dự trữ sinh quyển thế giới ở phía đông của tỉnh cũng như trung tâm du lịch Đà Nẵng.

Làng du lịch cộng đồng Đhơ Rôồng (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã lâu không có du khách ghé thăm. Ảnh: Quốc Tuấn

Trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này cũng đặt kỳ vọng lớn vào việc thiết lập, nâng cấp các hành lang giao thông đông – tây và thực tế đã có những động thái gia tăng kết nối đông – tây, một phần để mở lối thúc đẩy du lịch. Theo ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, một cái khó nữa để thúc đẩy du lịch ở các khu vực còn hoang sơ trên địa bàn tỉnh là hầu như không có doanh nghiệp du lịch lớn dẫn dắt trong khi những chủ thể làm du lịch ở địa phương thì chưa dấn thân quyết liệt.

Trong khi đó, bà Nobuko Otsuki, Trưởng đại diện FIDR Việt Nam (Tổ chức Phát triển Quốc tế ra đời tại Nhật Bản và hỗ trợ miền núi Quảng Nam nhiều năm qua), nhận định, yếu điểm lớn của du lịch miền núi Quảng Nam để du lịch nơi đây thực sự có sức bật là cư dân bản địa chưa thẩm thấu hết được bản chất của làm du lịch cộng đồng. Chỉ khi họ được tham gia nhiều chuyến du lịch trải nghiệm các mô hình du lịch cộng đồng thành công khác với tư khách là khách hàng thì họ sẽ rút ra được khách cần gì khi đến với làng mình và những điều làng mình cần phải cải thiện.

Có thể nói, Quảng Nam là địa phương sở hữu tài nguyên du lịch miền núi lớn bậc nhất khu vực duyên hải miền Trung. Dù vậy, hành trình đánh thức nơi đại ngàn xứ Quảng vẫn còn lắm gian nan, cần thêm nhiều chiếc “chìa khóa” để mở ra được “kho báu” này.

 Quốc Tuấn

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tàu du lịch biển đưa hơn 5.800 du khách quốc tế...

0
(SGTT) - Trong ba ngày (từ ngày 25 đến 27-10), Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đón hơn 5.800 du khách quốc tế...

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên là Đại sứ Du lịch...

0
Cục Du Lịch Đài Loan tại Việt Nam thông báo sự kiện họp báo công bố Đại sứ Du lịch Đài Loan diễn ra...

Ngành du lịch Huế xúc tiến “Kinh đô xưa, trải nghiệm...

0
(SGTT) - Thông qua chuyến Famtrip từ ngày 18 đến 20-9 cũng như hội nghị về xúc tiến quảng bá và kết nối du...

Nhiều địa phương thu hàng trăm tỉ đồng từ du lịch...

0
(SGTT) - Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, nhiều địa phương trên cả nước đã thu hút hàng trăm ngàn du...

Đà Nẵng tìm cách nâng cấp các dịch vụ du lịch...

1
(SGTT) – Trước đây, dịch vụ du lịch vào ban đêm tại Đà Nẵng được đánh giá ở mức khiêm tốn, với hai điểm...

Grab hỗ trợ lắp đặt ghế đá và trụ trang trí...

0
(SGTT) - Sáng 28-8, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty TNHH Grab tổ chức chương trình hỗ trợ...

Kết nối