Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Tiềm năng từ mua bán tín chỉ carbon: ai chi tiền ai thu lợi?

Tiềm năng về thị trường tín chỉ carbon được đánh giá là rất lớn, nhưng ai sẽ chịu ảnh hưởng và hưởng lợi trong cuộc chơi này?
Nông dân liệu sẽ hưởng lợi nhờ trồng lúa và bán tín chỉ carbon? Ảnh: Trung Chánh

Nhu cầu lớn đến từ sự bắt buộc

Sau cam kết Net-zero, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon trở thành câu chuyện gần như “bắt buộc”. Sức ép đầu tiên sẽ thể hiện đến nhóm doanh nghiệp phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong nền kinh tế.

Chính phủ đầu năm 2022 cũng đã quy định lĩnh vực hoạt động và 1.912 cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, được xác định dựa trên các tiêu chí như mức độ tiêu thụ năng lượng. Danh sách không chỉ có tên các nhà máy sản xuất ở địa phương, các lĩnh vực như điện, gang thép, may mặc, điện tử… mà còn là các tòa nhà, trung tâm thương mại, khách sạn.

Bước tiếp theo sau công tác kiểm kê phát thải có lẽ sẽ tiến đến việc kiểm soát lượng phát thải bằng cách xây dựng hệ thống giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon. Trên thế giới, mô hình này hoạt động bằng cách doanh nghiệp được phân bổ hạn ngạch, tức quy định mức phát thải tối đa. Bên phát thải vượt hạn ngạch có thể trung hòa bằng cách mua lại hạn ngạch của bên phát thải thấp hơn hạn ngạch, hoặc mua tín chỉ carbon.

Kiểm kê khí nhà kính cũng là một quy định đối với các công ty niêm yết. Ngày 8-8 vừa qua, Ủy ban chứng khoán công bố Sổ tay phát thải khí nhà kính. Các doanh nghiệp hiện nay không chỉ có nhu cầu giảm phát thải để đưa vào trong báo cáo phát triển bền vững, mà còn đáp ứng xu hướng về sản phẩm xanh (khách hàng, thị trường chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường), tín dụng xanh (tiếp cận đến các nguồn tài chính dài hạn với giá thấp hơn). Ở góc độ huy động vốn, các nhà đầu tư cũng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm của mình đến môi trường và phát triển bền vững.

Nếu như Việt Nam chỉ mới manh nha về các yêu cầu bắt buộc trong việc bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững, nhu cầu này thực tế đã có từ lâu ở các thị trường phát triển.

Theo quan sát của một lãnh đạo công ty tư vấn đa quốc gia, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện tại Việt Nam phát triển trong thời gian qua một phần đến từ các tập đoàn đa quốc gia. Các công ty này nhìn đến Việt Nam như là thị trường thuận lợi để xây dựng tín chỉ carbon vì yếu tố chi phí rẻ hơn, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững từ thị trường mẹ. Mặt khác, ở góc độ quốc gia, chính phủ các nước có cam kết Net-zero cũng phải tìm kiếm nguồn cung cấp tín chỉ carbon để đảm bảo cho lộ trình trung hòa carbon của mình.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BDIV, tại Việt Nam, tài chính xanh là một phương thức quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh và khuôn khổ chính sách cho tài chính xanh đã được hình thành từ khá sớm.

“Thị trường vốn xanh tại Việt Nam đang được hình thành với sự manh nha của thị trường vốn nợ bền vững, thực hiện những sáng kiến trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quản trị, môi trường và xã hội đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cổ phiếu và hình thành thị trường tín chỉ carbon”, báo cáo Thị trường tài chính việt nam 2022 và triển vọng 2023 của viện này đánh giá.

Nguồn: Bản tin chính sách 33-2023, Trung tâm Con người và Thiên Nhiên.

Sức ép và cơ hội trong dài hạn

Các doanh nghiệp phát thải lớn sẽ là nhóm đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh khi áp dụng các chính sách quản lý khí phát thải nhà kính. Tác động cụ thể còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực và doanh nghiệp, nhưng điểm chung mà các nhà làm chính sách mong muốn là trong dài hạn, doanh nghiệp phải thay đổi để phát thải thấp hơn. Khi thị trường giao dịch vận hành, mức phát thải thấp hơn mang đến lợi thế là có thể bán hạn ngạch còn dư, hoặc có thể sản xuất thêm nhiều sản phẩm hơn.

Mặt khác, theo TS. Phạm Khánh Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Giám đốc Trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam (EfD-Vietnam), Đại học UEH, có một quy định đáng chú ý là các doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon bắt buộc có thể bù đắp phát thải bằng cách mua tín chỉ carbon từ thị trường tự nguyện (tối đa ở mức 10%). Quy định này nghĩa là doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn cung tín chỉ carbon ở các dự án bên ngoài, thay vì chỉ giao dịch với nhau.

Đáng chú ý hơn, một điểm đặc biệt thứ hai là tín chỉ carbon cũng được nhắc đến trong Nghị quyết 98 của Quốc hội ban hành năm 2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo đó, giải pháp là tập trung vào thị trường tự nguyện bằng cách sử dụng mái nhà cơ quan công sở để đầu tư hệ thống điện mặt trời, chuyển thành tín chỉ carbon và bán ra thị trường, vừa tạo ra nguồn thu vừa đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. “Đáng tiếc là cơ chế đặc thù này lại có phạm vi quá hẹp, chỉ áp dụng cho cơ chế tài chính và trong phạm vi các cơ quan nhà nước”, TS. Nam bình luận.

TPHCM là nơi rất thú vị để có thể thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Thử tương tượng các hộ dân được bán tín chỉ carbon tạo ra từ việc sử dụng điện mặt trời thì sẽ như thế nào?

Việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon đòi hỏi cơ chế thử nghiệm mang tính táo bạo và rõ ràng hơn. Theo TS. Nam, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia trên thế giới vẫn còn rất mới, trong đó có nhiều quốc gia đang phát triển cũng vừa “thử và sai”. Thực tế Trung Quốc thử nghiệm mô hình thị trường tín chỉ carbon ở nhiều cấp độ quy mô khác nhau, từng thành phố, từng khu vực và rộng hơn là cả quốc gia.

Những quy định đầu tiên trong khung pháp lý quản lý thị trường tín chỉ carbon có nhắc đến các đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước bao gồm những tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Đây là cơ sở để mở rộng không gian cho thị trường carbon tương lai.

Theo Viện nghiên cứu và đào tạo BDIV nhận định từ thuyết minh Đề án phát triển thị trường Carbon của Bộ tài nguyên môi trường, cho thấy hiện bộ này lựa chọn phát triển thị trường carbon Việt nam theo hình thức thị trường giao ngay (spot) các tín chỉ carbon nội địa và có liên thông quốc tế. Thị trường tín chỉ carbon được thực hiện cùng với việc thành lập Sàn giao dịch tín chỉ carbon.

“Mặc dù Việt Nam đã có tiềm năng cung cấp tín chỉ carbon, nhu cầu đối với sản phẩm này chỉ được khơi thông khi Việt Nam hoàn thành cơ chế trao đổi, bù trừ hạn ngạch thông qua tín chỉ carbon và yêu cầu các giao dịch mua bán, trao đổi bù trừ phải thực hiện thông qua Sàn giao dịch carbon trong nước”, báo cáo nhận định và gợi ý tương lai cũng có thể mở rộng giao dịch hạn ngạch phát thải.

Số lượng người chơi tham gia thị trường nhiều hơn sẽ dẫn đến nguồn cung sôi động, từ đó giúp doanh nghiệp và nền kinh tế tiến nhanh đến mục tiêu trung hòa carbon. Dĩ nhiên sẽ còn rất nhiều câu chuyện cần giải quyết, nhưng một điểm chung mà các chuyên gia gợi ý là nằm ở khu vực tư nhân và mang yếu tố thị trường. “Việt Nam nên tập trung vào thị trường tự nguyện trước, còn thị trường bắt buộc thì nên đi theo tiêu chuẩn chung của quốc tế và cuộc chơi toàn cầu”, ông Võ Chí Công, Giám đốc ESG của tập đoàn VinaCapital khuyến nghị.

Dũng Nguyễn

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngành giao thông đặt mục tiêu giảm 45,62 triệu tấn CO2...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định số 1191/QĐ-BGTVT về kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà...

Techcombank ra mắt thẻ giúp người dùng theo dõi lượng khí...

0
(SGTT) - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa ra mắt thẻ thanh toán Visa Eco, chiếc thẻ giúp người dùng theo...

Giá cao vẫn là rào cản lớn với sản phẩm xanh

0
(SGTT) - Bên cạnh giá cao thì độ phủ hạn chế được xem là rào cản lớn đối với người tiêu dùng hiện nay...

Chỉ 7% cửa hàng xăng dầu cung cấp nhiên liệu chuẩn...

0
(SGTT) - Bên cạnh việc chuyển đổi xe điện hóa, sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn có hàm lượng thấp các chất gây ô...

Luật Điện lực sửa đổi hướng tới mục tiêu giảm phát...

0
(SGTT) - Để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng và thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, dự...

Làm nông nghiệp phát thải thấp, nông dân chờ tiếp cận...

0
(SGTT) - Trong thời gian tới, 8.000 hộ nông dân trồng mía cho Lasuco sẽ có thêm một nguồn thu nhờ bán tín chỉ...

Kết nối