Thứ năm, Tháng tư 3, 2025

Thương lái mua “lúa non” lỗ nặng

TRUNG CHÁNH -

Giá lúa gạo nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện giảm khá mạnh so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Điều này đã khiến không ít thương lái trước đó mua “lúa non” của nông dân ở một số địa phương trong vùng bị lỗ nặng.

Giá lên rồi xuống

20160218_145938(0)Thương lái mua “lúa non” lỗ nặng vì giá lúa gạo giảm. Trong ảnh là nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016.

Nông dân tại huyện Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang cho biết lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện có giá 4.200-4.250 đồng/kg, giảm 200-300 đồng so với mức giá giữa tháng 1 rồi và giảm đến 850-950 đồng so với mức giá hồi tháng 10 năm ngoái.

Bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc (TPHCM), cho biết so với trước tết, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 cũng đã giảm 200-300 đồng và hiện được các doanh nghiệp xuất khẩu mua vào chỉ 6.400-6.500 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa gạo thị trường nội địa sụt giảm, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) – doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết vào thời điểm tháng 10-2015, Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo cho Philippines và Indonesia, lúc đó giá gạo trong nước tăng mạnh. Nhưng, điều này có bất lợi là nếu doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu sau thời điểm đó sẽ bị lỗ vì giá trong nước cao trong khi giá xuất khẩu lúc bấy giờ thấp hơn. “Doanh nghiệp không ai dám ký bán tiếp và điều này gây bất lợi cho nông dân khi thu hoạch lúa ở vụ tiếp theo”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, sang năm 2016 này, dù sản lượng lúa dự báo giảm mạnh do hạn hán và xâm nhập mặn nhưng do một số doanh nghiệp ngành gạo sau một thời gian kinh doanh thua lỗ đã bị ngân hàng “siết” lại, không có điều kiện mua trữ chờ giá, nên đặt doanh nghiệp vào tình huống bị thương nhân nước ngoài ép giá. Chẳng hạn, Philippines, Indonesia dù thiếu gạo nhưng vẫn tuyên bố không nhập khẩu thêm; một số doanh nghiệp cũng không dám ký bán tiếp với mức giá xuất khẩu như hiện nay vì dự báo nguồn cung trong nước sẽ thiếu hụt, giá thế giới có thể tăng vào thời gian tới.

Mặt khác, theo đánh giá của ông Tuấn, lượng hợp đồng xuất khẩu còn lại từ sau tết đến nay là chưa đến một triệu tấn (bao gồm cả hợp đồng thương mại), trong đó, lượng hợp đồng tập trung cho Philippines và Indonesia ước tính còn khoảng 300.000 tấn. “Rõ ràng, với số hợp đồng ít như vậy, mà doanh nghiệp mua vô phải chịu lãi suất của ngân hàng, thì bắt buộc họ phải đè giá xuống, nhất là khi giá đợt rồi lên cao thì nay phải rớt lại”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ với thương lái

Với diễn biến giá lúa gạo nội địa giảm mạnh như đã nêu ở trên đã khiến không ít thương lái mua “lúa non” đón đầu cơ hội trước đó với giá cao bị thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Cường, một thương lái mua “lúa non” của nông dân tại huyện Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, cho biết vào thời điểm giữa tháng 1-2016, ông đã đặt tiền cọc mua lúa của nông dân với giá khoảng 4.500-4.550 đồng/kg đối với giống IR 50404. “Nhưng hiện tại, khi lúa đến thời điểm thu hoạch thì giá trên thị trường giảm mạnh, cho nên chúng tôi bị lỗ rất nhiều”, ông Cường cho biết.

Theo tính toán sơ bộ của ông Cường, với khoảng 250 tấn lúa đã được ông đặt tiền cọc trước đó (đặt cọc 2 triệu đồng/ha) và đang gom mua vào, thì với mức giá như hiện nay, ông bị lỗ khoảng 50-75 triệu đồng. “Biết rằng mua vào sẽ lỗ, nhưng nếu chấp nhận bỏ tiền đã đặt cọc và không lấy lúa của nông dân, thì mức lỗ sẽ còn nặng hơn, cho nên vẫn phải lấy”, ông giải thích.

Không chỉ ông Cường, với tín hiệu thị trường xuất khẩu cách đây khoảng một tháng là khá tốt, giá lúa gạo nội địa cũng dao động ở mức cao, cho nên có không ít thương lái khác cũng “mạnh tay” đặt tiền cọc mua “lúa non” của nông dân và cũng rơi vào cảnh lỗ nặng.

[box type="download"] Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, giá chào xuất khẩu gạo tiếp tục xu hướng sụt giảm. Cụ thể, gạo 5% tấm hiện được chào bán với giá 345-355 đô la Mỹ/tấn, giảm 5 đô la Mỹ/tấn so với mức giá cách đây ít hôm; gạo thơm Jasmines cũng giảm 5 đô la Mỹ/tấn và hiện được chào bán với giá 410-420 đô la Mỹ/tấn.

Riêng đối với gạo 25% tấm hiện có giá ổn định ở mức 335-345 đô la Mỹ/tấn.[/box]

Tuy nhiên, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số nông dân ở Tiền Giang có bán “lúa non” cho thương lái cho biết để san sẻ với cảnh lỗ lã nặng của thương lái, họ đã giảm giá bán cho thương lái khoảng 50-100 đồng/kg. “Thấy họ (thương lái) lỗ như vậy nên mình cũng giảm chút ít để chia sẻ với họ”, ông Nguyễn Văn Hoàng, một nông dân ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Từ 15-4, lương giám đốc DN nhà nước không quá 10...

0
(SGTT) - Theo nghị định của Chính phủ, từ ngày 15-4, lương giám đốc doanh nghiệp nhà nước không được vượt quá 10 lần...

Mùa hoa gạo trên cao nguyên đá Hà Giang

0
(SGTT) - Cách thành phố Hà Giang khoảng 70km, xã Du Già, huyện Yên Minh đang vào mùa hoa gạo nở rực rỡ, nhuộm...

Người tham gia BHYT được đổi nơi khám trong 15 ngày...

0
(SGTT) - Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 1-7, người tham gia bảo hiểm...

Những thông tin thú vị về thịt bò ‘xứ sở lá...

0
(SGTT) - Được mệnh danh là xứ sở lá phong, quốc gia Canada gần đây được nhiều thực khách Việt biết tới hơn bởi...

Những điều thú vị về thực dưỡng nếu hiểu đúng

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, trào lưu thực dưỡng nở rộ qua những bài viết, kiến thức chia sẻ trên các trang mạng...

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận 14,5 triệu tài khoản bị...

0
(SGTT) - Năm 2024, vấn đề lộ lọt dữ liệu tăng mạnh ở Việt Nam với 14,5 triệu tài khoản bị rò rỉ, chiếm...

Kết nối