(SGTT) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội trên toàn cầu cùng sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, không ít người sẵn sàng rút hầu bao để mua thuốc điều trị Covid-19 với giá cao ngất ngưởng dù chưa đến mức cần dùng. Theo các chuyên gia y tế, đây không phải là “thần dược” cho tất cả bệnh nhân mắc Covid-19.
- Thuốc trị Covid-19 cháy hàng
- Loạn thuốc điều trị Covid-19 trên mạng, cẩn thận tiền mất tật mang
- Thủ tướng yêu cầu cấp ngay thuốc kháng virus điều trị Covid-19 cho địa phương
Trong thời gian vừa qua, thông tin TPHCM sắp hết thuốc kháng virus molnupiravir khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Ngoài ra, bệnh nhân mắc Covid-19 đăng ký túi thuốc C nhưng không được các trạm y tế xã, phường cấp thuốc. Điều này dẫn đến tình trạng người dân săn lùng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 trên mạng xã hội với giá rất đắt dù chưa có nhu cầu sử dụng.
Các chuyên gia y tế cảnh báo việc mua thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 trôi nổi trên mạng xã hội không chỉ khiến người bệnh mất số tiền lớn mà còn đối diện với những hiểm họa khó lường đối cho sức khỏe của bản thân. Vì điều trị Covid-19 là một quá trình rất phức tạp, việc áp dụng phác đồ điều trị cần có sự chỉ định của nhân viên y tế. Tình trạng săn lùng, tích trữ thuốc điều trị có thể khiến bệnh nhân thực sự có nhu cầu sử dụng lại không có thuốc.
Dự phòng thuốc kháng virus để yên tâm hơn
Với tâm lý mắc Covid-19 phải có thuốc đặc trị, chị N.T.L., sống tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, từng là F0 cách ly tại nhà đã chủ động tìm mua thuốc điều trị Covid-19 dù chưa được chỉ định dùng thuốc.
Cụ thể, chị L., đã mua thuốc molnupiravir được nhập khẩu từ Ấn Độ, có tên thương mại là molaz, đóng gói 40 viên/hộp với mức giá 8,6 triệu đồng. Tuy nhiên, chị M. đã không cần sử dụng loại thuốc này vì các triệu chứng bệnh chỉ là sốt, ho, mất vị giác và sau đó tự khỏi trong vòng 5 ngày.
Trước đó, chị L., được nhân viên y tế của phường cấp gói thuốc A (thuốc hạ sốt, vitamin) nhưng “chê” gói thuốc điều trị F0 không triệu chứng, đồng thời lo sợ bệnh trở nặng nên sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua thuốc molnupiravir.
Theo chị L., “tôi đạt đủ tiêu chuẩn được sử dụng gói thuốc C và sẵn sàng ký giấy cam kết nhưng nhân viên y tế của phường không cấp vì lý do hết gói thuốc này, chỉ phát gói thuốc A”. Khi nhận kết quả dương tính virus SARS-CoV-2, chị L., lo ngại cho tình trạng bệnh có thể diễn tiến xấu nên thuốc có đắt gấp mấy lần cũng tìm mua.
Không chỉ các F0 cách ly tại nhà, nhiều người dân vì tâm lý e ngại tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với biến chủng mới, dù chưa mắc bệnh nhưng một số người vẫn ráo riết săn lùng thuốc molnupiravir, favipiravir…, cũng như các loại thuốc kháng đông (rivaroxaban) và thuốc kháng viêm (dexamethasone, prednisolone, methylprednisolone) để thủ phòng thân khi cần.
Dù biết rằng thuốc phải có chỉ định mới được dùng nhưng muốn an tâm hơn, “mình cứ mua về phòng khi bệnh trở nặng. Trường hợp không may trở thành F0 thì có thể tự xử lý, chứ chờ đến khi phát bệnh mới mua, đôi lúc lại không có thuốc”, anh Q., sống tại quận Bình Tân chia sẻ.
Thuốc trị Covid-19 không phải "thần dược" cho F0
Từ kết quả thử nghiệm của thuốc kháng virus molnupiravir có thể làm giảm khoảng 50% khả năng phải nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng là tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, đây không phải là “thần dược” cứu cánh cho tất cả trường hợp mắc Covid-19.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, với những thông tin hiệu quả về thuốc molnupiravir trong thời gian vừa qua nên bệnh nhân mắc Covid-19 nào cũng đòi gói thuốc C dù chưa đủ điều kiện hoặc chỉ định để sử dụng.
Đây là thuốc kháng virus đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, không phải F0 nào cũng có thể sử dụng thuốc.
Để được sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân phải đáp ứng một số điều kiện như là F0 triệu chứng nhẹ, người từ 18 - 65 tuổi, không mắc bệnh nền, không bị bệnh lý về gan, thận; nhóm phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc phụ nữ dự kiến có con trong 6 tháng không được sử dụng túi thuốc C.
Nhiều người lo lắng khi một số cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng hết thuốc điều trị Covid-19, khiến họ phải tìm mua loại thuốc này với giá rất đắt. Theo bà Mai, sau khi rà soát, các trạm y tế xã, phường trên địa bàn TPHCM vẫn còn gói thuốc C và đang điều chuyển số lượng thuốc từ những đơn vị không sử dụng đến những cơ sở có nhu cầu cao hơn.
Ngoài ra, theo quyết định mới nhất, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm cho TPHCM hơn 25.000 liều thuốc kháng virus molnupiravir phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Như vậy, đến nay TPHCM đã được Bộ Y tế phân bổ khoảng 100.000 liều thuốc kháng virus molnupiravir.
Bộ Y tế đề nghị TPHCM điều tra việc mua bán thuốc điều trị Covid-19
Liên quan đến việc mua thuốc kháng virus molnupiravir tại TPHCM, theo trang tin của Bộ Y tế, ngày 7-12, Cục Quản lý Dược đã có văn bản đề nghị Sở Y tế TPHCM phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép.
Hiện nay có thông tin thuốc điều trị Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM đang được các đối tượng rao bán cho người dân. Bộ Y tế cho rằng việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
Bộ Y tế đề nghị thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc điều trị molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh thất thoát, thẩm lậu thuốc ra ngoài thị trường. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo thuộc Bộ Y tế, tính đến ngày 7-12 đã có 42 tỉnh, thành phố điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11.Mới đây, Bộ Y tế cũng công bố các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc kháng virus molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ triển khai tại 22 tỉnh, thành phố.
Kết quả cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng và rút ngắn thời gian điều trị. Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TPHCM và các địa phương có dịch.
Minh Thảo