(SGTT) - Hơn chục năm về trước, cây đinh lăng ở nông thôn hay phố thị chủ yếu trồng làm cảnh, trồng làm hàng rào giậu và có người dùng lá non để ăn trộn trong rau sống. Nhưng vài năm nay, nó trở thành cây “nhân sâm của người nghèo”. Vậy là khắp nơi, nhà nhà đua nhau trồng và ngâm rượu đinh lăng. Ở nông thôn miền Trung bây giờ thú khoe rượu ngâm sâm Hàn Quốc đã qua, tới thời khoe rượu ngâm rễ, thân đinh lăng.
- Ở nhà mùa dịch: “đốt mỡ” bằng 5 bài tập với ghế
- Giải dù lượn, đua xe đạp sẽ được tổ chức tại Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu 2021
Tìm hiểu về cây đinh lăng
Cây đinh lăng có nguồn gốc từ quần đảo Thái bình dương nhưng hiện nay được trồng khắp nơi, chủ yếu để làm thuốc và làm cảnh vì cây có dáng đẹp. Đinh lăng còn được gọi với tên quen thuộc là cây gỏi cá vì lá cây có thể làm rau ghém ăn chung với các món cá. Tên khoa học là Polycias fructicosa, thuộc họ nhân sâm (Araliaceae). Cây có nhiều loại khác nhau ở hình dạng và kích thước của lá như lá tròn, lá xẻ thùy lông chim, lá kép 1-3 lần. Cây nhỏ, cao khoảng 1-2 mét. Thân nhẵn và ít phân nhánh, hoa nhỏ, màu trắng xám. Trong y học cổ truyền, đinh lăng được dùng cả thân, lá và rễ. Tuy nhiên, rễ đinh lăng mới là thành phần chính để làm thuốc bồi bổ cơ thể.
Người ta thu hoạch rễ từ những cây được hơn 3 tuổi, đem về rửa sạch, phơi trong mát cho khô và để giữ được phẩm chất, để dành dùng lâu rễ vẫn còn mùi thơm. Khi dùng rễ, có thể để nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5%, sau đó tẩm thêm 5% mật ong, sao vàng thơm. Đinh lăng có vị đắng, ngọt, tính mát, mùi thơm, không độc.
Những công dụng từ cây đinh lăng
Theo các kết quả nghiên cứu, trong rễ đinh lăng có chứa nhiều saponin có tác dụng tương tự như nhân sâm, giúp bổ ngũ tạng làm tăng cường sức dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống được hiện tượng mệt mỏi, làm cho cơ thể ăn ngon, ngủ yên, giúp mau lên cân ở người suy nhược.
Chính vì vậy, nhiều người yêu quý đinh lăng và xem nó là “nhân sâm cho người nghèo” vì rẻ hơn nhân sâm rất nhiều. Bên cạnh nhóm saponin, đinh lăng còn chứa nhiều vitamin B1, khoảng 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể. Nhờ đó, cây đinh lăng còn là vị thuốc giúp tăng trí nhớ cho người lao động bằng trí óc hoặc các sĩ tử trong mùa thi.
Ngoài công dụng trên, rễ đinh lăng thường được dùng để trị ho ra máu, tắc tia sữa, làm mát huyết, lợi tiểu, chữa mẫn ngứa. Nhiều người thường lấy rễ đinh lăng sao vàng, khử thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.
Lá đinh lăng cũng là vị thuốc tốt mặc dù không bằng rễ, dùng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy. Lá đinh lăng có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, ban sởi, chữa ho ra máu, kiết lị.
Theo kinh nghiệm dân gian, để phòng chống bệnh co giật cho trẻ em hoặc trẻ mới sinh, người ta lấy lá phơi khô rồi đem lót vào gối hoặc trải giường cho trẻ nằm. Ngoài ra, lá đinh lăng phối hợp với sữa ong chúa làm thuốc bổ là rất tốt. Những vận động viên đô vật thường uống nước sắc từ lá đinh lăng sẽ giúp sức lực dẻo dai và bền bỉ trong khi thi đấu.
Một số bài thuốc từ cây đinh lăng
Chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ; chữa đau nhức lưng, gối, hoặc tê nhức chân tay, phong thấp; phụ nữ tắc tia sữa; ho suyễn lâu năm; bồi bổ và thanh lọc cơ thể.
Dạng dùng và cách dùng các bài thuốc từ cây đinh lăng
Rượu thuốc để bồi bổ cơ thể; dạng thuốc bột và thuốc viên; Dạng thuốc hãm hoặc thuốc sắc...
Chú ý khi áp dụng các bài thuốc từ cây đinh lăng
Do thành phần saponin có nhiều trong rễ đinh lăng có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu. Vì vậy, chúng ta chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều đúng cách, càng không được lạm dụng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy.
Cây đinh lăng dễ trồng, phát triển tốt nhưng đôi khi nó cũng có thể bị nhiều người lợi dụng để “phù phép” thành nhân sâm rồi bán với giá cao hơn. Theo quy luật cung cầu trên thị trường, người tiêu dùng quan tâm nhiều thì đinh lăng bỗng trở thành khan hiếm và tăng giá.
Để tránh giả mạo, ta không mua rễ đinh lăng trôi nổi trên thị trường khi chưa biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Đừng mang về những chai rượu bắt mắt được dán nhãn “rượu bổ đinh lăng” nhưng thành phần bên trong không rõ là gì, rất nguy hiểm cho tính mạng. Vì sự an toàn cho sức khỏe, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc và không nên tự ý sử dụng các sản phẩm gắn mác rượu bổ đinh lăng.
DS. Lê Kim Phụng