(SGTT) - Không thể trì hoãn, doanh nghiệp cần phải hành động thực hiện ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) ngay, bắt đầu bằng những bước đi nhỏ. Doanh nghiệp có thể học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm từ thực hành ESG trên thế giới trong đó cần có tầm nhìn dài hạn, chú trọng đầu tư cho tương lai…
- Để ESG không còn xa tầm với của doanh nghiệp
- Thực hành ESG giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn
Đây là những thông điệp đáng chú ý mà các chuyên gia, diễn giả và doanh nghiệp thực hiện ESG đã chia sẻ tại Diễn đàn ESG 2024 tại TPHCM với chủ đề “Từ ý tưởng đến hành động” vào ngày 13-6.
Sự kiện do The Saigon Times, ấn phẩm điện tử tiếng Anh thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group), phối hợp với Tiểu ban Phát triển Xanh của EuroCham (GGSC), Tiểu ban ESG và Liên minh chuyển đổi kinh doanh bền vững tổ chức.
Cần thực hành ESG ngay từ bây giờ
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Hữu Chương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, cho rằng chúng ta đang ở trong một thời đại mà phát triển kinh tế phải đi kèm trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, cạn kiệt nguồn tài nguyên, bất bình đẳng xã hội, và nhiều yếu tố khác đặt ra những thách thức chưa từng có cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Để giải quyết những nguy cơ kể trên và hướng đến phát triển bền vững, chúng ta cần có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Một trong những giải pháp đã được đề cập đến mang tên: thực hành ESG”, ông Chương nói.
Bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị hiệu quả không còn là tùy chọn mà là những trụ cột bắt buộc mà các doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội phải dựa vào đó để xây dựng tương lai.
Tại sự kiện, bà Dženeta Mulabegović, chuyên gia phát triển bền vững của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, lưu ý các hoạt động kinh doanh có tác động nhiều tới môi trường và cần phát triển bền vững. Liên Hiệp Quốc cũng đã liên tục đưa ra những chính sách về phát triển bền vững cho thấy sự cấp thiết, và hiện nay tính cấp thiết ngày càng cao hơn hết.
Đại diện UNDP tại Việt Nam cùng các diễn giả cho rằng tình hình đang rất cấp thiết, không thể chậm trễ trong việc thực hiện ESG hơn nữa, doanh nghiệp cần phải hành động thực hiện ESG ngay từ bây giờ.
Mặt khác, theo các diễn giả, theo đuổi hành trình này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh biến đổi không ngừng của thị trường mà còn góp phần kiến tạo một xã hội thịnh vượng, một hành tinh xanh và bền vững hơn.
Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu, làm cách nào để tích hợp các mục tiêu ESG vào hoạt động kinh doanh, và đo lường hiệu quả việc thực hành ESG ra sao vẫn là mối băn khoăn của không ít doanh nghiệp, nhất là ở Việt Nam số lượng doanh nghiệp thực hiện tiêu chí này rất thấp.
Đại diện Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam, đơn vị đã và đang tích cực triển khai các hoạt động ESG tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp trong nước gặp thách thức khi triển khai thực hiện ESG.
Theo ông Trương Anh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường và Cộng đồng NS BlueScope Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam không có kinh nghiệm sẽ phải làm những gì về thực hiện ESG nên mất nhiều thời gian và phải làm đi làm lại rất nhiều lần.
Điều thuận lợi khi NS BlueScope Việt Nam đã vận dụng được kiến thức, kinh nghiệm từ tập đoàn mẹ, giảm bớt các công đoạn thực hiện. Nhờ đó, NS BlueScope Việt Nam trở thành doanh nghiệp đầu tiên của ngành thép Việt được chứng nhận ResponsibleSteel và là nhà máy thứ ba của Tập đoàn nhận được chứng nhận này.
“Sản xuất có trách nhiệm được chúng tôi tích hợp trong hoạt động của công ty như một yếu tố tất yếu trong hành trình dài hơi tiến tới phát triển bền vững với sự nỗ lực của tất cả nhân viên”, ông Hải chia sẻ, và lưu ý để thực hiện ESG điều quan trọng là sự cam kết và quyết tâm của người lãnh đạo cùng sự hợp tác thực hiện của toàn thể nhân viên của doanh nghiệp.
Tương tự, ông Erick Contreras, Đồng Chủ tịch GGSC của EuroCham, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực hành ESG trên thế giới, trong đó có tập trung vào tầm nhìn dài hạn, tránh sa đà vào lợi ích trước mắt và chú trọng đầu tư cho tương lai, nhất là khi người tiêu dùng sẽ ngày càng đề cao các công ty tuân thủ ESG và sẵn sàng thực hành ESG.
Còn ông Nguyễn Công Minh Bảo, Phó Chủ tịch GGSC của EuroCham và Đồng sáng lập & COO của ESGs & Climate Consulting, cho rằng ESG Series Masterclass do Tiểu ban ESG và Liên minh chuyển đổi kinh doanh bền vững đảm nhiệm nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững và kêu gọi các công ty hành động hướng tới chuyển đổi xanh. Với cách tiếp cận toàn diện, hoạt động này cho phép cả tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bắt đầu hành trình ESG của mình.
Làm sao vượt qua thách thức?
Thách thức và khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hiện đang chiếm hơn 90% doanh nghiệp trong nước hiện nay, bắt tay triển khai thực hiện ESG được cho là thiếu nguồn lực về nguồn vốn và con người. Trong khi đó, không ít ý kiến và doanh nghiệp còn tự hỏi vì sao phải đầu tư thực hiện ESG và hiệu quả mang lại ra sao?
Bà Dženeta Mulabegović cho rằng ESG có nhiều lý do để doanh nghiệp cần quan tâm, và là một chất xúc tác giúp doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững, nâng cao nhận thức công ty, giá trị thực tế cho xã hội, hành tinh…
ESG cũng liên quan tài trợ xanh, các doanh nghiệp tích cực thực hiện ESG sẽ thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn xanh cho phát triển bền vững toàn cầu. Ở Việt Nam, nhiều thách thức chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh…, cần nguồn vốn lớn.
Tương tự, bà Betty Pallard, Phó Chủ tịch, Tiểu Ban Phát triển Xanh (GGSC) của EuroCham, Chủ tịch Công ty Linkpower, cho rằng trên thế giới các nguồn tài trợ xanh và phát triển bền vững ngày càng tăng cao. Tại Việt Nam dù còn hạn chế ở Việt Nam, nhưng các khoản tài trợ xanh và tài trợ bền vững cũng ngày càng gia tăng, nhất là liên quan chuyển đổi năng lượng, nguồn nước,…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Minh Bảo, thì cho rằng thách thức thực hiện ESG không chỉ với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà kể cả các tập đoàn, công ty lớn.
Dù đồng tình các công ty nhỏ và vừa ít nguồn lực, không có chuyên môn và đội ngũ vùng quốc tế thực hiện, nhưng phải tuân thủ thực hiện vì doanh nghiệp nhỏ là một chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn… Theo ông, doanh nghiệp cần có tầm nhìn quản lý và vượt qua các khó khăn. Trong đó, tư duy và năng lực của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng.
Về nguồn vốn, theo ông Bảo có nhiều quỹ và tổ chức, thông qua chương trình khuyến khích của chính phủ dành cho tài trợ xanh và phát triển bền vững mà doanh nghiệp có nhiều cách để tiếp cận.
Ông Bảo cho rằng doanh nghiệp nhỏ cần có bước đi nhanh hơn trong việc triển khai thực hiện so với doanh nghiệp lớn. Ông dẫn lại thông tin NS Bluescope Việt Nam đã có sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ và mất đến 2 năm đạt chứng nhận, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhiều thời gian như vậy. Do đó, ông khuyên doanh nghiệp cần có những bước đi phù hợp với quy mô của mình.
“Bất kể hành động gì, dù có tác động nhỏ nhưng nếu tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm được điều đó thì cũng là một bước tiến đáng kể để phát triển bền vững”, ông Bảo nói và khuyên các doanh nghiệp nên bắt đầu bằng những hành động nhỏ. Ông dẫn đơn cử như việc nhân viên di chuyển bằng phương tiện gì đến công ty thì cũng là một cách thực hiện ESG.
Trên thực tế, câu hỏi đặt ra là vì sao lại đầu tư vào ESG và mọi người thường nói về việc đánh đổi chi phí và lợi ích. Nhưng theo ông Trương Anh Hải của NS BlueScope Việt Nam, chúng ta cần phải vượt qua tư duy đó.
Đồng tình các doanh nghiệp gặp thách thức về nguồn lực để thực hiện, nhưng theo ông Hải quan trọng là người lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận và sự cam kết hành động. Điều quan trọng là tư duy và cam kết của người lãnh đạo doanh nghiệp, bởi khi muốn làm thì sẽ có cách. Dù vậy theo ông Hải, ESG là hành trình, không phải đích đến. Mỗi bước tiến trên chặng đường này đều là một khoản đầu tư cho tương lai, một sự cam kết với sự phát triển bền vững.
Bởi vì ESG không chỉ đơn thuần là tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn. Hơn thế, đây còn là nỗ lực chung nhằm tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội, cho môi trường và cho chính doanh nghiệp.
Người đại diện UNDP cũng chỉ ra rằng với các doanh nghiệp, ESG không phải xu hướng qua rồi thôi mà là sự thay đổi, mang đến lộ trình thành công. Các doanh nghiệp thích ứng ESG sẽ thích ứng tốt hơn sự thay đổi của môi trường, xã hội.
Dù doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ chiếm đa số và còn hạn chế về nguồn lực, nhưng đại diện UNDP cho rằng đây cũng có thể là lợi thế. Bởi các doanh nghiệp nhỏ có sự linh hoạt và có thể thích ứng tốt hơn so với tập đoàn lớn. “Các doanh nghiệp cần đi nhanh hơn nữa, cam kết không gây ra nguy hại môi trường”, bà Dženeta Mulabegović kêu gọi và khuyến khích các nhà hoạch định chính sách xây dựng khung chính sách rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và thực hiện ESG sao cho đúng.
Các diễn giả cũng cho rằng cần tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp và các bên liên quan cùng hành động, đơn cử như tổ chức các khóa học, khóa huấn luyện hay các hội thảo chuyên sâu về thực hành ESG cho doanh nghiệp.
Diễn đàn ESG 2024 đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực giảm thiểu tác động môi trường với mục tiêu hướng đến trung hòa carbon (net-zero) trong quá trình tổ chức sự kiện. Ban tổ chức đã đánh giá và triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu lượng carbon phát thải, đồng thời gửi báo cáo phát thải chi tiết đến người tham dự, phù hợp cam kết minh bạch của Diễn đàn ESG.
Tại sự kiện, The Saigon Times và các đơn vị đồng hành đã được trao chứng nhận Net-Zero Carbon vì những nỗ lực trong việc bù đắp lượng phát thải carbon. Nhấn mạnh về yếu tố môi trường, hoạt động này góp phần thúc đẩy việc tổ chức các sự kiện trung hòa tại Việt Nam trong tương lai. Diễn đàn ESG 2024 dành riêng cho các doanh nghiệp thực sự quan tâm đến ESG và sẵn sàng bắt đầu hành trình ESG. Thông qua việc thúc đẩy trao đổi kiến thức và ứng dụng thực tiễn, diễn đàn kỳ vọng thúc đẩy các doanh nghiệp biến ý tưởng ESG thành hành động cụ thể, góp phần xây dựng một tương lai bền vững hơn. Khoảng 150 doanh nghiệp và chuyên gia tham dự sự kiện để thảo luận những thách thức và giải pháp thiết thực trong ứng dụng các tiêu chuẩn môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung chính:Green Morning Vietnam! Workshop: Giới thiệu về toàn cảnh ESG, từ các xu hướng toàn cầu đến hành động tại Việt Nam.ESG Series Masterclass: Các hội thảo chuyên sâu do Tiểu ban ESG và Liên minh chuyển đổi kinh doanh bền vững đảm nhiệm, bao gồm ứng dụng thực hành ESG trong lĩnh vực xây dựng, chuyển đổi tài chính và minh bạch ESG, cùng với báo cáo và xếp hạng ESG tại Việt Nam.Thảo luận với diễn giả: Nội dung đề cập đến thực tiễn áp dụng ESG ở Việt Nam, khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt và các chiến lược để thực hành ESG hiệu quả.