(SGTT) - Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đề xuất mục tiêu có vắc-xin để phòng Covid-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2021, bảo đảm có đủ vắc-xin từ năm 2022 trở đi.
- Nhiều địa phương tạm dừng các chuyến bay tới TPHCM
- Huế cho phép một số hoạt động trở lại có kiểm soát
- Trưa 5-6: Việt Nam thêm 94 ca mắc, Tiền Giang có ca mắc mới trong đợt dịch này
Mục tiêu sản xuất vắc-xin tại Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo
Theo dự thảo, Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng rút gọn, rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép nhưng bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất xây dựng các đề án thử nghiệm lâm sàng theo các giai đoạn, đề xuất việc thử nghiệm ở nước ngoài, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp phê duyệt để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, cấp kinh phí thử nghiệm lâm sàng.
Khi kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công, các đơn vị xây dựng đề án sản xuất vắc-xin, đề xuất nguồn vốn đầu tư sản xuất cho phù hợp. Trường hợp cần hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để sản xuất, các đơn vị xây dựng dự án báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về khoa học và công nghệ.
Trường hợp vắc-xin trong nước được cơ quan có thẩm quyền đặt hàng theo quy định: Bộ Tài chính ban hành giá tối đa trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Bộ Y tế ban hành mức giá cụ thể vắc xin sử dụng ngân sách trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá vắc xin sử dụng ngân sách địa phương. Các đối tượng không sử dụng ngân sách do đơn vị tự quyết định giá bán theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý.
Theo dự thảo, kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ các nguồn: ngân sách nhà nước (chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước); vốn của các tổ chức, doanh nghiệp; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các nhiệm vụ thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.
Nghiên cứu lâm sàng, vắc-xin Covid-19 của Việt Nam có tính kháng SARS-CoV-2
Hiện nay, cả nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau là Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus Baculo; Viện Vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi (tương tự công nghệ do IVAC đang sử dụng để sản xuất vắc xin cúm mùa).
Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) đang tiến hành phát triển 2 ứng viên vắc-xin Covid-19 gồm: vắc-xin sub-unit dựa trên S-protein và vắc-xin VLP (Virus like particles) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp.
Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus Sởi (POLYVAC đang là nhà sản xuất vắc-xin sởi) và đang trao đổi với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về phương án, kế hoạch hợp tác phát triển vắc-xin phòng Covid-19 theo công nghệ sản xuất vắc-xin Sputnik V của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của VABIOTECH, IVAC, Nanogen cho thấy các ứng viên vắc-xin có tính an toàn trên động vật và có tính sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2.
Hơn 120 triệu liều vắc-xin Covid-19 sẽ về Việt Nam trong năm 2021
Sáng 3-6, Bộ Y tế thông tin chi tiết về hơn 120 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 sẽ có tại Việt Nam trong năm 2021.
Theo đó, ngoài vắc-xin AstraZeneca, trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vắc-xin của Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều) và 20 triệu liều vắc-xin Sputnik V của Nga.
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó ngoài nguồn của Chương trình COVAX Facility, AstraZeneca, Việt Nam đã đàm phán để có thêm các nguồn vắc-xin khác.
Trước đó, tháng 5-2021, Moderna đã ủy quyền cho một công ty phân phối 5 triệu liều cho Việt Nam. TPHCM đề nghị được mua vắc-xin này. Bộ Y tế cũng cho biết từ tháng 3-2021, Bộ đã đàm phán trực tiếp với hãng này, tuy nhiên hãng cho biết không có vắc-xin cung cấp trong năm 2021.
Ngoài ra, với vắc-xin của Pfizer/BioNTech, Bộ Y tế cho biết đã làm việc với hãng về việc mua 31 triệu liều ngay từ tháng 10-2020, khi vắc-xin đang thử nghiệm lâm sàng. Ngày 20-5, Bộ đã ký hợp đồng vắc-xin. Số vắc-xin này sẽ được cung ứng trong quý 3, 4 của năm 2021 theo tiến độ là quí 3 15,5 triệu liều; quí 4 là 15,5 triệu liều.
Trước đó, Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vắc-xin Covid-19 qua nguồn COVAX, trong đó lô thứ nhất với 811.200 liều đã về Việt Nam vào ngày 1-4, lô thứ 2 có hơn 1.682 triệu liều đã về ngày 16-5.
Bộ Y tế cũng đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc-xin phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Đồng thời có 30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca. Trong đó, lô đầu tiên có 117.600 liều về Việt Nam vào ngày 24-2, lô thứ 2 về vào ngày 25-5 với 288.100 liều.
Bên cạnh nguồn vắc-xin của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các nguồn vắc-xin khác như COVAX; Astra Zeneca; Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson… Song song đó, Bộ Y tế cũng thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị trong nước nghiên cứu và chuẩn bị sản xuất vắc-xin để đảm bảo vắc-xin trong tương lai, đảm bảo an ninh y tế.
Hiệp Trần tổng hợp