(SGTT) - Trong năm 2024, ngành giao thông thành phố phấn đấu sẽ khởi công 16 công trình, dự án… Đây cũng sẽ là năm hạ tầng phát triển nhanh, thúc đẩy diện mạo đô thị TPHCM trở nên khác biệt và hiện đại hơn trong vài năm nữa.
- TPHCM chi 1.000 tỉ đồng chuẩn bị mặt bằng thi công hạ tầng kỹ thuật cho tuyến metro số 2
- Bất cập hạ tầng giao thông khu Nam TPHCM
Thông tin này được người đứng đầu ngành giao thông vận tải TPHCM chia sẻ tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024, do UBND TPHCM tổ chức vào ngày 6-1.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, trong năm nay, thành phố sẽ tập trung cho công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch các dự án trọng điểm. Việc này nhằm tránh kéo dài thời gian của công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… dẫn đến làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Về nhóm dự án đường sắt đô thị, theo ông Lâm, hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang tập trung về đích để đưa vào khai thác trong năm nay. Dự kiến tuyến metro số 2, thành phố sẽ khởi công vào năm 2025.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung cho hệ thống đường cao tốc, vành đai 2, vành đai 3 và chuẩn bị hồ sơ khởi công vành đai 4 trong năm nay. TPHCM cũng sẽ khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan đến các dự án cao tốc tuyến TPHCM – Mộc Bài và TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Về đường quốc lộ, theo ông Trần Quang, hiện quốc lộ 50 đang triển khai, 3 tuyến quốc lộ khác là quốc lộ 1, quốc lộ 13 và quốc lộ 22 đã được đưa vào danh mục các dự án triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Các dự án khác nối trung tâm TPHCM ra vành đai như cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ… cũng đã được cân đối vốn, thông qua chủ trương đầu tư…
Về giao thông thủy, theo ông Lâm, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng đang được TPHCM và Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch cảng biển Việt Nam và cảng biển nhóm 4, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư.
Ngoài khởi công 16 công trình, trong năm nay, ngành giao thông TPHCM phấn đấu hoàn thành 38 hạng mục chính hoặc dự án hoàn thành. Thành phố sẽ tập trung các dự án trọng điểm, tháo gỡ các dự án PPP sau kết luận thanh tra, kiểm toán.
Trong năm 2024, ngành giao thông đưa vào một số dự án thanh tra chất lượng công trình, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động xây dựng và điều hành dự án.
Về vốn đầu tư, ông Lâm cho rằng, cần huy động từ khai thác quỹ đất gắn với mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) theo Nghị quyết 98 và phát hành trái phiếu. Về nhân lực cần nhanh chóng chuẩn bị nhân lực, đặc biệt là nhân sự cho metro, phải đào tạo bồi dưỡng và thu hút ngay trong năm 2024.
Người đứng đầu ngành giao thông thành phố nhận định, năm 2024 sẽ là năm hạ tầng phát triển nhanh và trong vài năm nữa bức tranh đô thị thành phố sẽ khác biệt và hiện đại hơn rất nhiều.
Điểm lại năm 2023, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, nguồn vốn cho hạ tấng của ngành giao thông chiếm 60% nguồn vốn toàn thành phố. Tính riêng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố hơn 40.000 tỉ đồng. Nếu cộng thêm vốn của các ban quản lý dự án quận, huyện là lên đến khoảng 45.000 tỉ đồng, bằng nửa ngành giao thông cả nước.
Lê Hoàng