NAM HƯNG -
Tại Việt Nam, nhiều dòng xe của Toyota trên thị trường được lắp ráp trong nước. Tuy vậy, với dòng xe bán tải Hilux thì được nhập về từ nhà máy của họ tại Thái Lan. Sự xuất hiện của dòng xe này làm cho người tiêu dùng có thêm chọn lựa khi thị trường đã có những dòng xe của Ford, Mazda hay Mitsubishi.
[box type="download"] Hilux G 3.0L AT được trang bị hai túi khí phía trước; một túi khí đầu gối cho người lái và các túi khí rèm. Xe có hệ thống ABS, EBD, hỗ trợ phanh khẩn cấp EBA, cân bằng điện tử tích hợp khả năng điều khiển ổn định, kiểm soát lực kéo chủ động, khởi hành ngang dốc HAC và hệ thống cảnh báo phanh gấp EBS. Xe có giá bán niêm yết trên trang web của hãng là 877 triệu đồng/chiếc. Dự tính để chiếc xe này hoàn thành các thủ tục và “lăn bánh” là gần 900 triệu đồng nếu đăng ký ở TPHCM.[/box]
Hồi tháng 10 vừa qua, Toyota mang về Việt Nam những phiên bản của dòng bán tải Hilux. Đây là phiên bản 2016 và là thế hệ thứ tám của dòng xe này. Về ngoại hình, thế hệ mới nhất này có “diện mạo” khác rất nhiều so với thế hệ trước đó. Ở phần đầu xe, cụm đèn trước liền mạch với lưới tản nhiệt mạ crôm trải rộng sang hai bên. Ở phiên bản G 3.0 AT, ngoài hệ thống đèn LED ban ngày, đèn bên trong cũng dùng công nghệ đèn LED cùng cụm đèn pha Halogen với hệ thống điều chỉnh góc chiếu và bật/tắt tự động.
Ở phía sau, cụm đèn hậu lớn có đường viền bao quanh màu đen, tay nắm các cửa và cả khoang chở hàng được mạ crôm tạo ra độ sắc nét cho chiếc xe. Tay nắm cửa trước còn được tích hợp nút ấn mở khóa điện khá thuận tiện khi người lái với chìa khóa điện thông minh đứng cạnh xe. Theo thông số kỹ thuật của hãng, chiếc xe này có khoảng sáng gầm là 286 mm và quả thật, khi qua những địa hình gồ ghề, không quá khó để chiếc xe này vượt qua. Tuy vậy, dù “gầm cao” nhưng khả năng lội nước của chiếc xe này là 700 mm, theo công bố của Toyota. Nếu so với một vài mẫu xe của hãng khác, mức này thấp hơn một chút.
Bên trong xe, nội thất khiến người dùng khó lòng phân biệt với các dòng xe du lịch thông thường hiện nay. Theo đó, xe có thiết kế bảng điều khiển trên táp lô hay các cần, nút trong khoang lái rất “mượt”. Vô lăng của xe có thiết kế kiểu dáng ba chấu được bọc da, có khả năng điều chỉnh bốn hướng và tích hợp các nút điều chỉnh hệ thống âm thanh, điện thoại rảnh tay, màn hình hiển thị đa thông tin. Trên bảng điều khiển, một màn hình 4,2 inch là trang bị tiêu chuẩn theo xe.
Chiếc Hilux không có cảm biến lùi và có thể xem đây là một nhược điểm khi trên thực tế, ô tô du lịch nói chung và các dòng xe bán tải của một số hãng có tính năng này. Đây được xem là một trong những tính năng hỗ trợ người lái trong thời buổi xe cộ ngày càng gắn liền với công nghệ-điện tử, thay vì phải dựa vào kinh nghiệm cá nhân.
Phiên bản tự động 3.0L của Hilux sử dụng động cơ dầu bốn xy lanh với hộp số tự động, cho công suất tối đa là 161 mã lực. Trên đường cao tốc, khối động cơ và hộp số này giúp xe tăng tốc trơn tru. Kèm với đó, tầm quan sát cao trên một chiếc xe bán tải nên khi vận hành trên đường trường, người lái khá dễ xử lý. Xe có hộp số sáu số tự động với nhiều chế độ lái khác nhau. Cụ thể, nếu ở đường cao tốc hoặc đường trường thông thường, người lái có thể sử dụng chế độ D bình thường. Nếu muốn thêm sự “phấn khích”, người lái có thể chuyển cần số sang chế độ S (thể thao) với nhiều cấp. Tất cả thông tin về số và cấp số thay đổi đều hiển thị trên màn hình trong cụm đồng hồ trước vô lăng của xe.