Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Thủ Đức phối hợp với Grab đi chợ hộ cho dân, Sở Công Thương đề xuất 25.000 shipper hoạt động liên quận

Từ 17:00 hôm nay, ngày 28-8, chính quyền thành phố Thủ Đức phối hợp cùng Grab để đi chợ và mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Cũng trong hôm nay, Sở Công Thương TPHCM cũng đề xuất cho 25.000 shipper hoạt động liên quận huyện.

Thành phố Thủ Đức phối hợp với Grab đi chợ hộ cho dân

Thông tin từ Ban Dân vận Thành ủy Thủ Đức cho biết thành phố sẽ phối hợp với Grab để mua hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong những ngày TPHCM siết chặt giãn cách xã hội. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 17:00 ngày 28-8.

Theo đó, người dân cần cài đặt ứng dụng Grab, đặt hàng các gói theo nhu cầu tại các siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú và đại diện UBND các phường tại thành phố Thủ Đức sẽ giao hàng đến tận nhà.

Tài xế Grab sẽ phối hợp cũng chính quyền thành phố Thủ Đức để “đi chợ hộ” cho người dân. Ảnh: Hoàng Chang

Ngoài ra, các gia đình khó khăn sẽ vẫn được nhận thức ăn và nhu yếu phẩm hỗ trợ từ 70 điểm an sinh xã hội khẩn cấp tại 34 phường của thành phố Thủ Đức, Ban Dân vận Thành ủy Thủ Đức cho hay.

Trước đó, Grab đã đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng công nghệ giúp lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân tại vùng cam, vùng đỏ trên địa bàn TPHCM.

Với đề xuất này, người dân sẽ tự tải ứng dụng Grab xuống điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng trên ứng dụng (nếu chưa có). Vào danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua. Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa trong khu vực sinh sống của mình.

Sau đó, người dân kiểm tra lại các thông tin (địa chỉ, chi tiết đặt hàng hóa), lựa chọn phương thức thanh toán và nhấn nút đặt hàng. Tại bước này, người dùng được khuyến khích lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng để giảm thiểu các tiếp xúc vật lý. Trường hợp người dùng chưa có thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, ví điện tử, có thể lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt cho người đi chợ thay khi nhận hàng.

Về phía đơn vị cung ứng hàng hóa, để bán hàng phải tạo lập một gian hàng trực tuyến trên Grab. Gian hàng sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn cập nhật theo từng thời điểm. Hàng hóa sẽ được sắp xếp theo dạng đơn lẻ hoặc theo combo (ví dụ combo thực phẩm bao gồm rau củ, thịt/cá, gạo/mì, nguyên liệu cần thiết để nấu ăn hàng ngày; combo thiết yếu bao gồm xà bông, chất tẩy rửa, đồ vệ sinh cá nhân).

Thông báo của thành phố Thủ Đức về việc phối hợp với Grab. Ảnh: Chánh Trung

Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng Grab, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ chuẩn bị hàng hóa theo chủng loại và số lượng được đặt và giao khi người đi chợ thay tới nhận. Nếu người dùng thanh toán bằng tiền mặt, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ nhận tiền mặt từ người đi chợ thay. Nếu người dân thanh toán theo phương thức không dùng tiền mặt, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ nhận tiền hàng hóa qua tài khoản ngân hàng.

Đối với lực lượng đi chợ hộ, mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã tạo lập một tài khoản người đi chợ thay, bao gồm tên, số điện thoại đầu mối liên hệ, email, tài khoản ngân hàng.

Khi người dân đặt hàng trên Grab, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng hoá và giao cho người đặt theo đúng địa chỉ hiển thị. Mỗi cán bộ đi chợ thay có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến.

Trong văn bản gửi UBND TPHCM, Grab cho hay giải pháp đi chợ hộ trên ứng dụng của hãng thay cho phương án thủ công (lực lượng đi chợ thay phát và nhận đơn mua hàng bằng giấy của từng hộ gia đình, đảm nhiệm việc mua hàng, đối soát hàng hóa và thu, chi tiền mặt và giao hàng cho người dân), sẽ có các tác động tích cực.

Đề xuất cho 25.000 shipper hoạt động liên quận huyện

Ngày 28-8, Sở Công Thương TPHCM có công văn gửi UBND TPHCM đề xuất giải pháp để shipper tham gia vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó Sở Công Thương TPHCM cho biết nếu tính theo 14 quận, huyện (ngoại trừ vùng đỏ là 12.513 shipper) thì dự báo có thể huy động được khoảng 25.000 shipper hoạt động.

Trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận 20- 25 đơn hàng/ngày. Nếu huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu mua sắm của khoảng 500.000- 625.000 hộ gia đình.

Hiện nay, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các website, sàn giao dịch thương mại điện tử có nguồn hàng và cũng là đối tác của các doanh nghiệp shipper nên việc phối hợp sẽ thuận lợi. Đội ngũ shipper vốn thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn khi được hoạt động trên toàn thành phố, Sở Công Thương TPHCM cho hay.

Vì vậy, Sở Công Thương đề xuất UBND TPHCM cho phép shipper được hoạt động liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức và giải pháp kiểm tra shipper là tra cứu trực tuyến thông tin shipper và giấy xét nghiệm nhanh Covid-l 9.

Theo đó, chỉ cho phép shipper đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19 từ ngày 13-8-2021 trở về trước được tham gia hoạt động trong thời gian TPHCM tăng cường giãn cách xã hội. Doanh nghiệp cung cấp ứng dụng shipper chịu trách nhiệm lập danh sách shipper đủ điều kiện gửi về Sở Công Thương để đưa vào cơ sở dữ liệu “tra cứu shipper”, phục vụ cơ quan chức năng tra cứu trực tuyến khi cần thiết.

Sở Công Thương sẽ gửi kèm danh sách 17.449 shipper đã tiêm mũi một trên địa bàn 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức tính đến 0:00 ngày 28-8 gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD/CMND, tên doanh nghiệp phụ trách của từng shipper và đã chia theo từng quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

25.000 shipper được hoạt động liên quận, huyện tại TPHCM có thể hỗ trợ nhu cầu của khoảng 500.000- 625.000 hộ gia đình. Ảnh: Lê Vũ.

Sở Công Thương cũng đính kèm hướng dẫn tra cứu trực tuyến từ website của Sở. Trường hợp tra cứu không có thông tin shipper thì shipper đó không được phép hoạt động.

Bên cạnh đó, Sở đề xuất UBND TPHCM xem xét giao Sở Y tế hướng dẫn, cung cấp danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện cấp giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 để doanh nghiệp shipper chủ động liên hệ, tổ chức xét nghiệm định kỳ ba ngày/lần cho shipper với chi phí do doanh nghiệp chỉ trả.

Trong điều kiện hiện nay, giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 cần được xem là một dấu hiệu nhận diện đối với shipper được phép hoạt động bên cạnh các điều kiện đã được quy định. Bên cạnh đó cần tiếp tục rà soát, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho shipper

Nếu được chấp thuận chủ trương, Sở Công Thương sẽ triển khai, đề nghị doanh nghiệp shipper có văn bản cam kết chấp hành đầy đủ quy định liên quan, làm căn cứ để lực lượng shipper được tham gia phân phối hàng hóa phục vụ nhân dân một cách an toàn.

Do tác động của dịch Covid-19, hệ thống phân phối hàng hóa không còn phân bổ tương xứng với phân bố dân cư nên cần có sự lưu chuyên hàng hóa để phục vụ nhân dân tốt hơn. Phương thức “mua hàng trực tuyến, giao hàng không chạm” cần được phát huy để hạn chế tiếp xúc, Sở Công Thương TPHCM cho hay.

Chánh Trung

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 80% tại các siêu...

0
(SGTT) - Theo Bộ Công Thương, sau 15 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng...

TPHCM hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất...

0
(SGTT) - Nhằm cụ thể hóa các nội dung về Luật Đất đai 2024, UBND TPHCM vừa ban hành quy định mức hỗ trợ...

Grab hỗ trợ lắp đặt ghế đá và trụ trang trí...

0
(SGTT) - Sáng 28-8, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty TNHH Grab tổ chức chương trình hỗ trợ...

Mùng 2: Hàng loạt siêu thị, cửa hàng mở cửa

0
(SGTT) - Trong tết Giáp Thìn này, nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại TPHCM và Hà Nội đã mở cửa đón...

Sức mua yếu ‘kích hoạt’ cuộc đua giá xuống đáy của...

0
(SGTT) - Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì cuộc đua bán hàng hóa giá cạnh tranh, giá thấp, tại...

Căng thẳng cạnh tranh trên Food App, doanh nghiệp chuyển mình...

0
(SGTT) - Dịch vụ cung cấp đồ ăn thức uống trên các ứng dụng đặt hàng trực tuyến (Food App) đang trở nên phổ...

Kết nối