(SGTT) - Bộ Y tế - Công an - Thông tin và Truyền thông cùng thống nhất dùng chung một ứng dụng trong khai báo, nhập dữ liệu tiêm chủng Covid-19.
- Người dân TPHCM đổ ra đường tối cuối tuần, lơ là phòng dịch
- Doanh nghiệp và chuyên gia: Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe bùng nổ sau đại dịch
Sức Khỏe và đời sống vừa cập nhật tại hội nghị trực tuyến với các địa phương quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư diễn ra chiều ngày 16-10, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất sử dụng cơ sở quốc gia về dữ liệu dân cư là cơ sở dữ liệu gốc để đối soát, xác minh thông tin chính xác của người dân.
Cả 3 bộ cùng thống nhất, đối với tất cả các trường hợp tiêm vắc-xin mới thì cần xác minh thông tin về thân nhân, danh tính của người tiêm ngay từ đầu để đảm bảo thông tin được chính xác. Đồng thời, các cơ sở thực hiện tiêm chủng vắc-xin trong thời gian từ ngày 20-10 trở đi phải sử dụng nền tảng tiêm chủng.
Ban Chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo chỉ có 1 ứng dụng (app) phục vụ chống dịch là PC-Covid. Tuy nhiên, song song với ứng dụng này có những ứng dụng khác mang tính lâu dài, có hay không có dịch bệnh vẫn triển khai, đó là nền tảng ứng dụng Sổ Sức khoẻ điện tử do Bộ Y tế chủ trì thay cho sổ y bạ giấy và ứng dụng lâu dài là VNEID của Bộ Công an để xác thực thông tin, danh tính của người dân, đồng thời phục yêu cầu quản lý nhà nước khác của Bộ Công an.
Theo dự kiến từ ngày 20-10, cả 3 nền tảng này sẽ liên thông phục vụ công tác phòng chống dịch cũng như cuộc sống của người dân.
Hơn 111.000 lao động và 4.500 đơn vị tại TPHCM được chi hỗ trợ từ Bảo hiểm xã hội
Kinh tế Sài Gòn Online đưa tin, từ ngày 1-10 đến 15-10, Bảo hiểm xã hội TPHCM đã giải quyết chi hỗ trợ cho 4.512 đơn vị và 111.127 người lao động, trong đó có 96.225 lao động đang tham gia và 14.902 lao động bảo lưu quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng số tiền chi hỗ trợ là 235 tỉ đồng, trong đó chi cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 204,2 tỉ đồng, chi cho người lao động đang bảo lưu quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 30,8 tỉ đồng.
Cùng với việc giải quyết chi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng đã thực hiện giảm đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ 1% xuống 0%. Tính đến ngày 15-10, cơ quan này đã giải quyết cho 81.866 đơn vị và 1.760.306 lao động với số tiền xấp xỉ 1.900 tỉ đồng.
Theo Nghị quyết 116/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động sẽ được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022.
Còn người lao động sẽ được hưởng 6 mức hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng/người tùy thời gian mà họ đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động và người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ qua các hình thức trực tuyến như ứng dụng VssID hoặc Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tuyến buýt sông số 1 tại TPHCM hoạt động trở lại
Ông Nguyễn Kim Toản - tổng giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - cho biết tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đã hoạt động lại sau gần 4 tháng tạm ngưng chống dịch vào 8:30 sáng ngày 16-10 phục vụ hành khách đi lại, thông tin được cập nhật từ Tuổi trẻ Online.
Hiện nay, toàn bộ thuyền viên phục vụ trên tuyến buýt này đều chích đủ hai mũi vắc xin, đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Hành khách đi lại theo hướng dẫn tổ chức về hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy trên địa bàn TPHCM của Sở Giao thông vận tải TPHCM, như sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID, mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động).
Người không có mã QR cần xuất trình một trong các giấy tờ như giấy chứng nhận người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng, đã tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 (ít nhất một mũi đối với loại vắc xin tiêm hai mũi và 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng yêu cầu hoạt động vận tải hành khách đường thủy phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn về phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Phùng My tổng hợp