(SGTT) – Trong chuyến khám phá văn hóa vùng miền, chỉ khi đến phiên chợ địa phương, dạo chơi, ăn uống và mua sắm mới cảm nhận hết về đời sống dân cư địa phương. Và khi chạm gặp ở vùng Đông Bắc, mọi thứ ở đây khác xa trí tưởng tượng của tôi.
- Tây Bắc ngào ngạt hương sắc hoa ban
- Liên kết phát triển du lịch TPHCM với vùng Tây Bắc, Đông Bắc và miền Trung
Ở Bắc Kạn có một quán cơm với cái tên cụ thể: Cơm Phượt. Chữ phượt này hàm ý cho khách biết rằng khi bước chân vào quán có nghĩa là bạn muốn ăn món gì đó vùng Đông Bắc, chế biến hoàn toàn nguyên bản đều có. Đó là lý do tại sao khi các đoàn khách du lịch khi đặt món ăn, phải quy định giờ rõ ràng kẻo không có chỗ ngồi.
Theo đó, món rau mà mọi người đều nhắc đến ở đây là rau bò khai xào tỏi hoặc xào trứng. Rau bò khai là loại rau hoang dã, mọc dựa theo khe núi, giờ lại thành đặc sản.
Còn món thịt heo nuôi trong các bản làng khi chế biến luôn kèm với lá mắc mật. Mắc mật hay móc mật, còn gọi là hồng bì núi hay củ khỉ, dương tùng được cuốn bao quanh thịt để chiên hay nướng làm cho món thịt ngon hơn.
Khi dọn một bữa cơm gần như đầy đủ cái ngon ở đây. Gà luộc mềm là những con gà nuôi, các loại rau thông dụng còn có đậu non, măng hay đôi khi là dưa leo, rau sú. Nước luộc rau không bao giờ bỏ đi mà đem ra cho khách để khách thay làm canh. Món canh nấu tương đối đơn giản bằng lá nhớt với thịt băm chứ không cầu kỳ. Riêng cá mương nhỏ chiên dòn phải nói là cực ngon.
Một trong những món ăn sáng được ưa chuộng tại đây là bánh cuốn trứng. Các quán bán món ăn này cũng chỉ có thể nhận một lúc khoảng chục khách, còn bà chủ bán hàng thì nhẩn nha chế biến, không nôn nóng. Nhìn cách chế biến bánh cuốn trứng khá đơn giản. Bột đổ ra khuôn, bỏ lòng đỏ trứng vào, đậy vừa chín bên ngoài là dùng bánh cuốn tròn, thả vào chén nước dùng cùng với một cuộn chả. Khách ăn kèm thêm bánh không.
Lạ là nước dùng ở đây đa phần đều nhạt. Khách muốn nêm nếm thì bỏ bột canh, bột ngọt thêm vào tùy ý. Gia vị để ăn ở vùng Đông Bắc này khá đơn giản, thường thì một chén nước mắm, ai ăn cứ bỏ vào, một chén muối tiêu nặn chanh để chấm cho tất cả. Tuyệt đối không thấy nước mắm đâm hay các loại nước chấm chế biến kiểu miền Nam.
Món bánh kiến bán ở chợ một miếng nhỏ 5.000 đồng cũng là đặc sản, bột trộn kiến lên mà hấp. Sự thú vị khi mua các loại đặc sản vùng Đông Bắc chính là mua tận nơi, hàng hóa không bị buôn bán khắp nơi.
Ví dụ như trên đường đi tới Thái Nguyên thấy vô số các cửa hàng bánh chưng Bờ Đậu. Bạn có thể mua chiếc bánh chưng ăn tại chỗ hoặc mua về làm quà. Bánh chưng Bờ Đậu không đem bán nơi khác, nhân nhiều béo ngậy, nếp quyện vào bánh.
Các điểm dừng chân thường bán miến dong Ba Bể. Gọi là miến dong Ba Bể bởi miến này làm bằng củ dong trồng khu vực Ba Bể, màu thường xám hoặc đục chứ không trắng. Miến làm bằng củ dong nên nấu lên dai và không bị bở như các loại miến khác. Món thứ hai là măng ngâm dấm ớt. Vùng Đông Bắc đồi núi chập chùng, biết bao nhiêu cánh rừng, tre trúc mọc ngang dọc. Măng ở rừng nhỏ, được lấy đem về chế biến thành măng ngâm dấm ớt rất được du khách ưa chuộng.
Hồ Ba Bể rộng 500ha là nơi cả trăm loài cá sinh sống và phát triển. Vì thế đặc sản ngay tại hồ Ba Bể còn có cá khô. Cá có khi kẹp trong các thanh tre, mua về đưa lên lửa nướng, cá để rời cho khách lựa cũng đa dạng.
Rau rừng và rễ, củ rừng luôn được bày bán ở mọi nơi bạn ghé. Nhiều loại như ba kích vàng, ba kích tím ngâm rượu đến sâm núi. Rau rừng thì ngoài rau bò khai còn nhiều loại rau khác mà mọi người gọi là rau sạch, mua về làm quà. Có các loại quả rừng mùa nào thức nấy, có cả xoài miền núi và bí ngô.
Nói chung là trồng hoặc hái lượm được gì cũng đều đem ra bán kiếm đồng lời. Bạn cũng sẽ lạ khi thấy có cả một khu vực bày bán dưa chuột (dưa leo), coi như là đặc sản. Trái dưa chuột ở đây dài, nhỏ, ruột ít, ăn vào mát ruột cũng là sở thích của du khách.
Tất nhiên trên đây chỉ là một vài nét chấm phá của một người ghé qua Đông Bắc, cảm nhận vùng đất cao vời tận cùng trùng trùng núi, trùng trùng mây trong một chuyến lãng du.
Khuê Việt Trường