(SGTT) - Những ngày cận hè rảnh rỗi, tôi theo chân người cậu là lão ngư đánh cá trên hồ Thạch Bàn (Duy Xuyên, Quảng Nam), vừa giải khuây vừa thưởng thức các món ăn từ cá. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là cá diếc nơi đây.
- Cách làm chim cút um đổi vị mùa hè
- Bánh mì Việt Nam lọt top 23 loại bánh kẹp ngon nhất thế giới
- Cà phê Việt Nam nằm trong danh sách thức uống ngon nhất thế giới
Cá diếc là loài cá nước ngọt có đôi mắt khoanh viền đỏ, thân dẹt hạt xoài, vảy trắng, mập mạp hay sống ở sông suối, ao hồ. Tại xứ Quảng, cá thường bắt gặp nhiều ở Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên. Dù kén người ăn bởi cá diếc có nhiều xương, nhưng thật sự những món ăn được chế biến từ loài cá này lại rất lôi cuốn.
Hồ Thạch Bàn, nơi sinh trưởng tốt cho cá
Hồ Thạch Bàn nằm về phía Tây Bắc cửa ngõ Khu di sản Mỹ Sơn với diện tích mặt nước rộng chừng 400ha, nằm trên địa phận hai xã là Duy Phú và Duy Thu, thuộc huyện Duy Xuyên, lấy nước từ các dòng suối chảy từ khu rừng tự nhiên Mỹ Sơn. Hồ có phong cảnh đẹp, nên thơ, với những ngọn đồi bát úp cùng quan cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng làm say lòng bao khách “lãng du”.
Lý giải vì sao cá diếc hồ Thạch Bàn ăn ngon có tiếng, các lão ngư hành nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Thạch Bàn cho hay, sở dĩ cá diếc nơi đây ngon bởi vì hồ Thạch Bàn khá rộng, là nơi hội tụ các con khe, suối từ thượng nguồn các khu rừng vùng Mỹ Sơn đổ về, đến đầu mùa mưa lũ về suối, khe mang theo bao sinh vật như giun, dế, sùng đất… đổ về cùng nhiều loài thủy sinh phong phú đã cung cấp thức ăn tươi và dồi dào cho các loài cá trong hồ, nhất là cá diếc.
Từ một truyền thuyết
Trong lúc hai cậu cháu lênh đênh trên mặt hồ, cậu tôi trầm ngâm cho hay, có một truyền thuyết từ xa xưa để lại là năm đó có trận mưa “trắng trời, tối đất” dai dẳng ập về vùng núi rừng Thạch Bàn. Bỗng dưng nữa đêm “mưa tạnh, mây tan”, khung cảnh ngập tràn ánh trăng trên mặt nước hồ bàng bạc.
Lúc này có người thấy trên mặt hồ là đàn vũ nữ ăn mặc nửa kín nửa hở (ma Hời) đang say cuồng vũ điệu Champa trên mặt nước hồ lấp lánh ánh trăng. Các vũ nữ cũng ức nước, ức ánh trăng sáng vằng vặc nên từ các tháp cổ của người Champa xưa (đền tháp Mỹ Sơn) đồng loạt thoát ra khỏi các tòa tháp bay là đà xuống các con khe con suối chung quanh khu vực tháp rồi thoát ra lòng hồ và múa nhịp nhàng dưới ánh trăng trên mặt hồ.
Đúng lý ra, khi trăng gần lặn các “vũ nữ” phải bay về tháp nhưng lần đó do say múa nên quên giờ giấc và trời đã sáng. Sợ có người dòm ngó các vũ nữ bèn hóa thân thành đàn cá diếc lặn xuống mặt hồ.
Đến mát lòng canh cá diếc nấu rau răm
Bà mợ tôi có nhiều cách chế biến món cá diếc Thạch Bàn bởi loài cá này ít mùi tanh nên thường được bà nấu canh với các loại rau, quả nhưng nhiều người khen ngon nhất vẫn là nấu chúng với rau răm.
Mợ tôi bảo cá diếc thịt ngọt, thơm, chắc lại “hiền” nên trong nhà hễ ai đau ốm thì bắt cá diếc về nấu cháo bằng cách luộc chín, gỡ lấy thịt, bỏ xương rồi trộn gia vị khử dầu cho thấm đổ vào nồi cháo trắng nhuyễn khuấy đều, rắc nhúm hành lá, tiêu bột rồi múc ra chén cho người bệnh ăn nóng, trán rướm mồ hôi thì mau hết bệnh và khỏe người ra.
Bà mợ tôi còn nấu món cá diếc om tiêu với chút nước dừa, đường phèn kho liu riu trên ngọn lửa nhỏ, sau khi nhấc xuống khỏi bếp mở vung là mùi thơm nức mũi bay tỏa khắp nơi. Bà mợ có kinh nghiệm kho cá diếc cho xương cá mềm ra, những con cá nhỏ người lớn có thể ăn ngay mà chẳng phải đắn đo “xương xóc” trong con cá thấm đẫm màu gia vị rất ngon. Cho nên giờ đây, cá diếc Thạch Bàn có vị đậm đà, bùi béo với hương vị khó tả.
Cậu tôi kể rằng, trước đây có một chàng trai quê ở Hội An có người yêu là con của một lão ngư có nghề đánh cá trên hồ Thạch Bàn. Anh chàng rất mê ăn cá diếc nên bao nhiêu cá diếc của người cha đánh bắt về, cô nàng đều chế biến các món ăn để đãi chàng. Không biết vì mê cô nàng xinh đẹp hay mê món cá diếc nàng nấu thơm ngon với hương vị đặc trưng mà sau này hai người thành vợ chồng. Bởi vậy, hiện nay vẫn còn lưu truyền câu ca:
"Thạch Bàn diếc ngọt, canh thơm
Anh về làm rể xôi, cơm đủ đầy
Lại thêm cá diếc nấu canh
Anh ăn mê mẩn quên ngày, quên đêm"
Tiên Sa