Ngọc Hùng
Hiện trên thị trường xuất hiện một số loại rau quả có màu sắc khác với những những sản phẩm bình thường. Khi tiếp xúc với sản phẩm này, người tiêu dùng đã lo lắng vì không biết rau quả đa màu sắc có phải là sản phẩm biến đổi gen hay không.
Từ khoai tây tím…
Chị Thanh Vân, nhà ở quận Thủ Đức, TPHCM, đi siêu thị mua thực phẩm và nhận thấy ở gian hàng rau quả có bán khoai tây màu tím. Cùng thời gian này, báo chí rộ lên những tranh cãi xung quanh tính an toàn của cây trồng biến đổi gen. Vì thế, sau khi nhìn thấy những sản phẩm rau củ quả có màu tím, chị hơi băn khoăn về nguồn gốc của chúng và đã gửi thắc mắc của mình đến Sài Gòn Tiếp Thị.
Theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, khoai tây tím được nhập khẩu từ châu Mỹ trong khi tại hệ thống các siêu thị chủ yếu là bán khoai tây Đà Lạt, loại màu vàng nâu. Tra cứu tài liệu của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), hiện thế giới có khoảng 5.000 giống khoai tây khác nhau, và có khoảng 100 giống khoai tây được trồng phổ biến ở các nước. Khoai tây có nhiều màu sắc khắc nhau như nâu đỏ nhạt, màu đỏ, màu trắng, màu vàng, màu tím, màu xanh...
Còn theo thông tin đăng tải trên trang của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), đơn vị này vừa chấp nhận một số giống táo và khoai tây biến đổi gen có thể đến tay người tiêu dùng. Đó là khoai tây biến đổi gen Innate. Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện chưa có công ty hay tổ chức nào đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để trồng khảo nghiệm giống khoai tây Innate ở Việt Nam. Như vậy, khoai tây màu tím về lý thuyết, là một giống khoai tây bình thường được nhập khẩu và bán trên thị trường, vì nếu là khoai tây biến đổi gen thì theo quy định, nó phải được nhà nhập khẩu công bố thông tin.
Đến cà chua tím
Hiện trên thị trường không chỉ có khoai tây tím mà còn có cả cà chua tím. Theo một cửa hàng bán hạt giống trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, cửa hàng được nhiều người dân biết đến là nơi bán những hạt giống lạ, nhập khẩu, được trồng để làm kiểng hoặc thức ăn. Một túi nhỏ gồm 20 hạt cà chua tím có giá 32.000 đồng.
Tuy nhiên, khi được hỏi, bộ phận bán hàng chỉ nói là hàng nhập từ nước ngoài nhưng lại không biết đó là giống cà chua biến đổi gen hay lai tạo bình thường.
Theo tờ Telegraph, các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu John Innes (Anh) đã thử nghiệm giống cà chua mới bằng cách lấy hai gen từ loài hoa mõm chó cấy vào cây cà chua. Nhờ đó, cây cà chua sản xuất nhiều anthocyanin (hợp chất màu hữu cơ tự nhiên, có tác dụng chống ô xy hóa) và có màu tím thay vì màu đỏ như thông thường. Giống này bắt đầu bán ra thị trường Mỹ, Anh vào đầu năm 2014. Như vậy, giống hạt cà chua tím đang được rao bán trên thị trường nhiều khả năng là một giống cà chua biến đổi gen. Hiện Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã công nhận cà chua tím biến đổi gen là an toàn và cho bán ra thị trường.
Ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết thế giới đã tạo ra giống cà chua biến đổi gen màu tím. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, công ty nào muốn trồng cà chua tím ở Việt Nam thì phải đăng ký. Theo ông Hàm, do Việt Nam đang quản lý chặt vấn đề này nên khó có công ty nào “vượt rào” để đưa giống cà chua tím vào bán trên thị trường. “Theo quy định quốc tế, khi một thực phẩm biến đổi gen của nước này đưa sang nước khác, bên xuất khẩu phải thông báo với nước sở tại và nhận được sự đồng ý mới được đưa vào. Hiện theo tôi biết, giống khoai tây hay cà chua biến đổi gen vẫn chưa được nhập vào Việt Nam”, ông Hàm nói.
Nói về cà chua tím, một chuyên gia về công nghệ sinh học ở trường Đại học Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết, một số nước đã cho trồng một số cây biến đổi gen đại trà như bắp, đậu nành, khoai tây hay cà chua. “Hiện một số nước cho trồng cà chua biến đổi gen đại trà, tức là người dân ở những nước này có thể mua bán giống như một giống cây trồng bình thường. Và có thể, những giống này được đưa về Việt Nam theo con đường xách tay. Điều này vi phạm quy định, vì trước khi trồng thì những giống biến đổi gen này phải được cơ quan quản lý đánh giá về an toàn sinh học”, ông nói.
Theo Nghị định 69/2010/NĐ-CP ban hành ngày 21-6-2010 quy định về an toàn sinh học đối với sinh học biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hóa có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải được dán nhãn để người tiêu dùng nhận diện. Còn trước khi được cấp giấy chứng nhận làm thực phẩm, và trồng đại trà, cây trồng biến đổi gen phải được cho trồng ở năm nước phát triển, được chứng minh là sản phẩm của nó an toàn với người và không ảnh hưởng đến vấn đề an toàn sinh học.