(SGTT) – Nhắc đến cắm trại, nhiều người nghĩ ngay đến lều bạt, những năm gần đây, người chơi dần chuyển sang xu hướng cắm trại bằng võng vì những tiện lợi đặc biệt và trải nghiệm thú vị từ các loại võng đem lại.
- Cắm trại trên vách đá, đi bộ 154km khám phá Hà Giang
- “Kẻ Du Mục” và hành trình vòng quanh thế giới: Vượt sinh tử ở đỉnh núi Everest
- Chuẩn bị gì cho chuyến đi cắm trại?
Ưu và nhược của “hammock camping”
Cắm trại bằng võng hay còn được gọi là hammock camping dần trở nên quen thuộc với giới yêu thích hoạt động dã ngoại. Nhiều người lựa chọn võng vì tính gọn nhẹ, nhanh chóng, tiện lợi sử dụng mọi lúc mọi nơi. Theo khảo sát của nhiều thành viên yêu thích cắm trại, so với lều, họ cho rằng võng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khi dựng trại và cho ta giấc ngủ gẫn gũi nhất với thiên nhiên. Còn anh Hồ Ka, một người đam mê du lịch cắm trại cho biết võng nhẹ hơn lều và loại nào càng nhẹ càng bền thì giá thành càng cao.
Người chơi dễ dàng dựng võng lên, chỉ cần hai điểm cố định vững chắc là có thể mắc võng ngay trong vài phút mà không bị lằng nhằng dây, cọc, dọn bãi cắm trại bằng phẳng như lều, linh hoạt sử dụng trong mọi địa hình. Anh Ka chia sẻ “Dù võng treo trên mặt đất không bằng phẳng nhưng vẫn đem lại không gian ngủ phù hợp thoải mái, tiết kiệm thời gian để tận hưởng cảnh vật mà không phải dọn dẹp bãi như lều. Thay vì tìm một vị trí thuận lợi để dựng lều, ta chỉ cần treo võng thẳng, điều này sẽ tránh nguy cơ ướt lưng lạnh lưng trong trời mưa, tự do ra vào võng của mình mà không lo bị ướt vì đã có tấm che mưa phía trên rất rộng”.
Tuy vậy, mỗi loại vật dụng đều có những ưu nhược điểm riêng, quan trọng là cách người sử dụng thích nghi và cảm thấy phù hợp với nhu cầu riêng của mình. Anh Hồ Ka cho biết hạn chế của cắm trại bằng võng chính là sức chịu đựng. Võng với kích thước đơn hoặc đôi chỉ thích hợp cho một đến hai người cùng một lúc. Ngoài ra nếu khu vực không có nhiều cây cối, việc tìm một vị trí thích hợp và chắc chắn để mắc võng cũng là bài toán khó với mọi người.
“Tôi cũng nhấn mạnh dùng võng sẽ dễ gặp những vấn đề về giấc ngủ như người chưa quen ngủ võng phải vật lộn để làm quen cách ngủ trên không, không gian hạn chế, ít nhiều gây sự không thoải mái và cũng không riêng tư bằng lều”, anh tiết lộ.
Theo anh Hồ Ka, khi ngủ trên võng, người trải nghiệm sẽ dễ bị lạnh vì không khí lạnh bao quanh cơ thể. Điều này yêu cầu chúng ta phải có một số kỹ năng chống lạnh, đồ giữ nhiệt và cách “setup” võng sao cho riêng tư, kín đáo nhất.
Điều cần biết khi chọn võng đi cắm trại
Những lưu ý dưới đây chính là kinh nghiệm mang tính chất tham khảo cho chúng ta lựa chọn nên mang theo lều hay võng để cắm trại ngoài trời. Trước khi bắt đầu chuyến đi, người tham gia phải xác định số lượng người cắm trại để chuẩn bị võng và tấm che mưa cho phù hợp với diện tích sử dụng. Lưu ý với trẻ em và người lớn tuổi phải xác định rõ sở thích cũng như sự thích nghi của họ khi ngủ trên võng.
Tiếp theo, người cắm trại nên lựa chọn võng chất liệu nhẹ, bền và chắc chắn, đúng kích thước theo chiều cao cân nặng của mỗi cá nhân. “Chiều dài của võng được xác định bằng chiều cao của mình và cộng thêm khoảng 50cm mỗi đầu. Võng quá ngắn sẽ gò bó làm đầu gối không mở rộng ra khi nằm thẳng. Chiều rộng của võng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự thoải mái như chiều dài”, anh Hồ Ka nhấn mạnh.
Anh cũng lưu ý thêm, trong khi chuẩn bị nên mua một tấm che mưa nắng tương xứng với kích thước của võng để đảm bảo độ che phủ không bị hắt mưa. Đồng thời, người trải nghiệm cũng nên mua mùng chống côn trùng nhằm hạn chế sự nguy hại cho cơ thể lúc ngủ. Về dây võng, anh Ka cho hay có thể mua kèm theo võng hoặc mua rời riêng tùy ý thích. “Thường là loại dây dẹp, có các mắt khoen để tăng giảm theo kích thước phù hợp. Hai cái móc tôi không dùng móc theo võng mà dùng móc chuyên dụng leo núi, để tận dụng khi cần làm móc an toàn cho mình lúc đi leo núi nhằm giảm bớt trọng lượng hành lý”, anh nói.
Với người mới bắt đầu sử dụng võng, anh Ka chia sẻ những mẹo cắm trại đảm bảo yếu tố thoải mái lên hàng đầu. Đầu tiên, người cắm nên giữ dây treo lỏng ở mức độ phù hợp, nhiều người hay gặp sai lầm phổ biến chính là chỉnh dây quá chặt làm cong lưng và có thể khiến người dùng cảm thấy bí do hai mép võng khép lại.
“Hãy thả lỏng dây treo tạo cho võng một góc 30 độ so với phương ngang, võng sau khi treo cách mặt đất khoảng một mét hoặc một mét hai là phù hợp. Tôi cũng chỉ chọn những cây cứng cáp, có thân gỗ và to để treo võng, đảm bảo độ chắc chắn. Ngoài ra tôi cũng luôn kiểm tra mặt đất để tránh những tảng đá sắc nhọn hoặc vực sâu ngay dưới lưng mình”, anh bộc bạch.
Tiếp đến, vào những ngày thời tiết mây mưa, người cắm nên dùng một sợi dây bẫy nước để khi mưa nước thấm xuống dây treo quanh hai đầu của võng thay vì chảy trực tiếp vào võng làm ướt người. Với tư thế nằm, anh Ka khuyên người trải nghiệm nên nằm trên một đường chéo thay vì nằm thẳng hàng trên chiếc võng dễ gặp tình trạng cong lưng hay ép sang hai bên.
“Những ai quan tâm đến vấn đề giữ nhiệt nên dùng túi ngủ phù hợp với nhiệt độ tại thời điểm cắm trại để giữ nhiệt cho cơ thể. Ngoài ra, ta có thể mang thêm quần áo giữ nhiệt khi ngủ, hoặc bổ sung thêm tấm lót nếu vẫn còn lạnh sau khi nằm gọn trong võng”, anh nhấn mạnh.
Cắm trại bằng võng hay lều hoặc một hình thức nào khác đều là sự lựa chọn phù hợp riêng với từng cá nhân. Tùy theo những ưu nhược vật dụng đó mang lại, người trải nghiệm sẽ chọn phương án dễ sử dụng nhất để mỗi chuyến đi đều có thêm niềm vui và tăng thêm sự thích thú.
An Phú