Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định mở lại sáu đường bay quốc tế từ ngày 15-9 tới đây có thể chưa giúp được ngành du lịch có nguồn khách lớn vì tần suất bay, số chỗ còn rất hạn chế.
Con đường để đón du khách quốc tế quay lại nhằm giúp du lịch phục hồi còn xa nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ thì mới có thể khởi động ngay khi "đường" thông thực sự. Trong đó, thay đổi quy trình vận hành là yêu cầu bắt buộc để có thể đón khách sau dịch bệnh.
Mở cửa càng muộn, du lịch càng kiệt quệ
Sau năm tháng rưỡi đóng cửa các đường bay thương mại, Việt Nam dự định sẽ mở lại đường bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào và Campuchia từ ngày 15-9 tới với tần suất bay có giới hạn.
Có vẻ như, ngành du lịch sẽ không có cơ hội nhận được một lượng khách đáng kể từ đây vì theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, hành khách là các nhà ngoại giao, nhà hoạt động công vụ, người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, người Việt đi lao động ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài đang thực hiện các dự án tại Việt Nam.
Tuy nhiên, động thái này mang lại hy vọng cho giới kinh doanh du lịch. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nên tính đến việc khởi động lại du lịch an toàn cùng với việc kết nối lại các đường bay thương mại quốc tế để giảm bớt một phần khó khăn cho ngành du lịch.
Du lịch đang cực kỳ "đói" khách, như trong tháng Tám vừa qua, cả hệ thống gần 2.700 doanh nghiệp lữ hành quốc tế cùng khoảng 30.000 cơ sở lưu trú trên cả nước mà chỉ đón có 16.000 lượt khách quốc tế thì khả năng duy trì hoạt động là vô cùng mong manh. Thời gian đóng cửa càng kéo dài, du lịch càng khủng hoảng trầm trọng hơn.
Trong thông cáo báo chí phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8-2020, Chính phủ cũng cho rằng, tác động của đợt bùng phát lần hai của dịch đã vượt quá khả năng chịu đựng của một số ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như vận tải hàng không, du lịch, lưu trú, lữ hành, ăn uống... Vì thế, phải vừa đề phòng, khống chế hiệu quả dịch bệnh, vừa phải duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội ở mức độ cần thiết
Tuy nhiên, khởi động lại du lịch cần đi đôi với các hành động tạo sự thuận lợi và đảm bảo an toàn cho du khách cùng cộng đồng. Trong đó, "át chủ bài" quyết định việc mở cửa là phải có những bộ thử đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác virus SARS-CoV-2; kế đó là quy trình phòng dịch chặt chẽ cùng việc giúp du khách cảm thấy vẫn có thể thoải mái khi đi du lịch dù phải đáp ứng một số yêu cầu mới để phòng dịch.
Theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Tập đoàn HG, tuy việc mở cửa đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc rất kỹ giữa lợi ích kinh tế và rủi ro về y tế nhưng nếu có quy trình phòng ngừa chặt chẽ cùng các thiết bị phát hiện nhanh, chính xác virus SARS-CoV-2 thì có thể tính đến chuyện đón khách quốc tế trở lại.
Ông Đức cùng một số doanh nhân khai thác thị trường Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hiện một vài thị trường như Thổ Nhĩ Kỹ đang nhận được nguồn khách lớn từ Nga sau khi cho phép đón khách du lịch trở lại, dĩ nhiên là đi cùng với các biện pháp về an toàn phòng dịch.
Thay đổi quy trình vận hành
Việc mở cửa bầu trời, mở cửa biên giới tuy là động lực tích cực để du lịch vận hành trở lại nhưng chưa chắc là ngành công nghiệp không khói này đã có thể đón khách ngay.
Vào tháng Bảy vừa qua, Google châu Á - Thái Bình Dương công bố một bản khảo sát cho biết, chỉ có 28% số du khách quốc tế được khảo sát cho rằng việc mở cửa biên giới đủ khiến họ tự tin đi du lịch trở lại sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, có đến 65% cho biết cảm giác an toàn cá nhân mới là mối quan tâm nhất để có thêm phần tự tin khi đi du lịch trở lại.
Nhiều doanh nhân như ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cũng có ý kiến tương tự, không dễ để đón du khách quốc tế trở lại. Cùng với yêu cầu về đường bay, chỉ có thể đón khách khi cả điểm đi và điểm đến phải hết dịch, an toàn để du khách có thể đi chương trình du lịch bình thường, không bị giới hạn và không bị cách ly khi đi du lịch cũng như khi trở về nhà.
Thêm vào đó, phương tiện vận chuyển phải an toàn; giá tour cạnh tranh; khách có bảo hiểm dịch bệnh và điểm đến phải có phương án xử lý tình huống dịch bệnh bùng phát.
Theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excurions, Covid-19 đã làm thay đổi cách thức vận hành du lịch trên thế giới. Trong đó, với mảng du lịch tàu biển, nhiều hãng tàu đã dùng hệ thống thông gió trên các tàu du lịch thay vì đóng kín, dùng hệ thống điều hòa nhiệt độ cục bộ thay hệ thống làm lạnh trung tâm.
Yêu cầu hạn chế tiếp xúc để ngăn dịch lây lan được thực hiện nghiêm ngặt. Chẳng hạn, tại các nhà hàng, tuy vẫn dùng hình thức ăn tự chọn nhưng khách không tự gắp đồ ăn mà phải có nhân viên gắp cho, ngay cả việc thanh toán cũng phải thay đổi, hình thức thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt được yêu cầu hạn chế đến mức tối thiểu...
Cùng với những yêu cầu trên, chỗ ngồi trong nhà hàng cũng được đối tác yêu cầu phải giãn ra, phục vụ ít người hơn, ưu tiên cho các không gian mở. Xe cũng phải chở ít lại và khử trùng cẩn thận...
"Những yêu cầu về phòng dịch không chỉ thay đổi quy trình phục vụ mà còn là quy trình vận hành, trang thiết bị kỹ thuật. Du lịch sẽ có sự thay đổi rất lớn sau đại dịch. Doanh nghiệp cần bắt kịp những thay đổi đó thì mới quay lại được", ông nói.
Việc khởi động lại du lịch cần đi đôi với các hành động tạo sự thuận lợi và đảm bảo an toàn cho du khách cùng cộng đồng. Trong đó, "át chủ bài" quyết định việc mở cửa là phải có những bộ thử đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác virus SARS-CoV-2.
Kế đó là quy trình phòng dịch chặt chẽ cùng việc giúp du khách cảm thấy vẫn có thể thoải mái khi đi du lịch dù phải đáp ứng một số yêu cầu mới để phòng dịch.
Đào Loan
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online