Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thất nghiệp toàn cầu dự báo tăng trong năm 2024

(SGTT) - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu có thể tăng thêm hai triệu người vào năm 2024, bên cạnh các vấn đề khác như năng suất suy giảm và bất bình đẳng xã hội gia tăng.
Người lao động thất nghiệp chờ đợi cơ hội việc làm ở Lilongwe, thủ đô của Malawi. Ảnh: ILO

Báo cáo Các xu hướng về triển vọng việc làm và xã hội thế giới của ILO công bố hôm 10-1 ước tính tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu giảm từ 5,3% trong năm 2022 xuống 5,1% vào năm 2023. Tuy nhiên, ILO dự đoán sẽ có thêm khoảng hai triệu cá nhân tìm việc làm trong năm nay, đẩy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng lên 5,2%.

“Chúng tôi dự báo hiệu suất của các thị trường lao động sẽ giảm nhẹ, một phần vì tăng trưởng đang giảm tốc trên toàn thế giới”, Richard Samans, giám đốc bộ phận nghiên cứu của ILO, cho biết.

Báo cáo của ILO nhấn mạnh, mức sống của người dân trên toàn cầu có thể không cải thiện do lạm phát dai dẳng và thu nhập giảm ở hầu hết các nước G20.

“Mức sống suy giảm và năng suất yếu kết hợp với lạm phát dai dẳng dẫn đến bất bình đẳng lớn hơn và làm suy yếu các nỗ lực xây dựng công bằng xã hội. Nếu không có công bằng xã hội lớn hơn, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự phục hồi bền vững”, Tổng giám đốc ILO Gilbert Houngbo nói.

Ông Houngbo cũng nhấn mạnh, bất bình đẳng xã hội gia tăng không chỉ khía cạnh tạm thời của quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 mà còn là “mang tính cấu trúc”.

Tuy nhiên, ILO cho biết tỷ lệ người tích cực tìm kiếm việc làm trong năm ngoái giảm xuống dưới mức trước đại dịch. ILO quan sát thấy có sự khác biệt đáng chú ý giữa các nước thu nhập cao và thu nhập thấp. Năm ngoái, các nước thu nhập cao có tỷ lệ người tích cực tìm kiếm việc làm làm là 8,2%, thấp hơn nhiều so với mức 20,5% ở các nước thu nhập thấp. Tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ ở mức mức 4,5% ở nước thu nhập cao, trong khi con số này là 5,7% ở các nước thu nhập thấp. Tỷ lệ việc làm phi chính thức trên toàn cầu dự kiến không thay đổi so với năm 2023, chiếm khoảng 58% lực lượng lao động toàn cầu trong năm 2024.

Số người lao động có mức thu nhập nghèo cùng cực, dưới 1,97 euro/ngày, tăng khoảng một triệu vào năm 2023. Số người có mức thu nhập nghèo vừa phải, dưới 3,34 euro/ngày,  tăng thêm 8,4 triệu trong cùng năm.

Báo cáo của ILO cảnh báo, bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng, đồng thời lưu ý sự xói mòn của thu nhập khả dụng thực tế là điềm báo xấu cho nhu cầu và sự phục hồi kinh tế bền vững hơn.

Bất bình đẳng giới tính và tuổi tác trong thế giới việc làm vẫn là vấn đề dai dẳng dù đã có sự cải thiện. Sau đại dịch, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động tăng lên, tuy nhiên, vẫn tồn tại bất bình đẳng giới tính trong công việc, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi.

Theo ILO, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên vẫn nghiêm trọng. Số lượng phụ nữ trẻ trong nhóm NEET (không có việc làm, không được giáo dục hoặc đào tạo) vẫn ở mức cao, gây trở ngại cho cơ hội việc làm trong tương lai của họ.

Báo cáo của ILO chỉ ra rằng, những người tham gia lại thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 làm việc ít giờ hơn trước và số ngày nghỉ ốm của họ tăng đáng kể.

Báo cáo cho biết, sau khoảng thời gian cải thiện ngắn sau đại dịch, năng suất lao động quay trở lại mức thấp trong thập niên qua. Một trong những lý do cho tình trạng này là sự phân bổ đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực kém hiệu quả như dịch vụ và xây dựng.

Theo ILO, bên cạnh đó, sự thiếu hụt các kỹ năng và sự kiểm soát của các công ty độc quyền kỹ thuật số lớn là lực cản khác đối với việc áp dụng công nghệ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và những ngành có nhiều công ty kém năng suất.

ILO nhận định, trong thời kỳ năng suất tăng trưởng chậm, thu nhập và tiền lương thực tế thường dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc giá cả đột ngột.

“Những thách thức về lực lượng lao động gây ra mối đe dọa cho cả sinh kế cá nhân và doanh nghiệp. Điều cần thiết là chúng ta phải giải quyết chúng một cách hiệu quả và nhanh chóng”, ông Houngbo nói.

Chánh Tài

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khả năng tiếng Anh chi phối chỗ đứng người lao động

0
(SGTT) - Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các công ty lớn của Việt Nam đang chú trọng hơn khả năng giao...

Nhà tuyển dụng tiếp cận nhân sự Gen Z qua nền...

0
(SGTT) – Với khoảng 150 triệu người dùng, mạng xã hội Threads nhanh chóng trở thành nơi nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm...

Doanh nghiệp TPHCM khó tuyển lao động vị trí chuyên gia...

0
(SGTT) - Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, đã có hơn 3.300 lượt doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động...

Nhiều người ngại sinh con: ‘báo động đỏ’ cho nguồn cung...

0
(SGTT) - Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm trong bối cảnh dân số ngày một già đi khiến các nhà lãnh đạo lo ngại...

Tình trạng ‘nhảy việc’ không còn lặp lại trên thị trường...

0
(SGTT) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM và Bình Dương đã tăng cường tuyển dụng lao động số...

Hàn Quốc tạm gỡ lệnh cấm tiếp nhận người lao động...

0
(SGTT) - Theo Trung tâm lao động ngoài nước, trong kỳ thi tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc đợt 1 năm 2024, Hàn...

Kết nối