Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Thăm xưởng làm sô cô la độc đáo ở Tiền Giang

(SGTTO) - Khi bước vào ngưỡng tuổi trung niên, một cặp vợ chồng ở Chợ Gạo, Tiền Giang đã không chịu an phận để làm công việc như mơ cho một tập đoàn đa quốc gia. Họ nghỉ việc để bắt đầu khởi nghiệp với khát vọng đưa những thỏi sô cô la được làm từ hạt ca cao Việt vươn tầm thế giới.

Vợ chồng anh Nguyễn Hải Yến và chị Nguyễn Ngọc Điệp.
Khởi nghiệp với sô cô la "made in Vietnam"

Nơi vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long có con sông Tiền thơ mộng chảy qua, là quê hương của đôi vợ chồng anh Nguyễn Hải Yến (sinh năm 1979) và chị Nguyễn Ngọc Điệp (sinh năm 1980). Cùng ngụ tại huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, hai người đã có quá trình khởi nghiệp lắm thăng trầm.

Một chuyến đi thực tập dài của anh Hải Yến ở nửa vòng trái đất cũng là khoảnh khắc đã  thay đổi cuộc đời anh. "Lúc đó tôi làm việc cho một tập đoàn xe hơi và được sang Đức thực tập dài hạn. Trong một lần dã ngoại cùng công ty tôi có cơ hội đi thăm những nhà xưởng làm sô cô la tại đây. Tôi thật sự bất ngờ bởi vì họ không trồng được cây ca cao nhưng đã làm ra những thanh sô cô la được khách hàng toàn thế giới ưa chuộng’’, anh kể.

Tại khu trưng bày bên trong nhà xưởng du khách có thể chọn lựa những sản phẩm với đủ chủng loại từ sô cô la để tặng bạn bè và người thân.

Sau khi về Việt Nam, anh Hải Yến luôn kể với người vợ của mình về những gì được mục sở thị tại Đức. Không một chút đắn đo, hai vợ chồng quyết định nghỉ việc và về quê bắt đầu hành trình khởi nghiệp.

Vùng Chợ Gạo thuộc tỉnh Tiền Giang cách TPHCM chỉ hơn 75km từ lâu đã nổi tiếng với diện tích trồng cây ca cao rộng lớn. Trong đó có khoảng 1.000 ha cây ca cao được canh tác bền vững theo chứng nhận UTZ (chương trình chứng nhận toàn cầu đảm bảo sản xuất một cách có trách nhiệm) với hương vị trái cây độc đáo. Đó cũng là lý do hai anh chị đã chọn vùng nguyên liệu nơi đây để mở nhà xưởng.

Sau những lần đi ngược về xuôi cũng như mày mò học hỏi để có thể làm chủ được công nghệ, kể cả việc nhập máy móc và trang thiết bị làm sô cô la đạt tiêu chuẩn từ nước ngoài, hai vợ chồng vui mừng chào đón quả ngọt đầu tiên mang tên thương hiệu sô cô la Alluvia tại ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo vào đầu năm 2016.

Trải nghiệm làm sô cô la "có 1 không 2’’

Ngoài việc tạo ra những thanh sô cô la thượng hạng, vợ chồng anh Hải Yến cũng tự xem như có sứ mệnh để giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vùng nguyên liệu ca cao ngon nhất thế giới đang ẩn mình trong tầng lớp phù sa nơi miền đồng bằng châu thổ.

Nhân viên đóng gói thành phẩm thủ công trước khi giới thiệu đến tay khách hàng.

Bằng chứng là ngoài sản xuất sản phẩm xuất đi các nước như Nhật, Mỹ, châu Âu và mở rộng thị trường, tại nhà xưởng ở Chợ Gạo, anh chị hàng ngày vẫn mở cửa chào đón du khách đến tham quan và tìm hiểu quy trình cũng như trải nghiệm làm một thanh sô cô la hảo hạng.

Một chương trình trải nghiệm tham quan nhà xưởng thường kéo dài từ 60 đến 90 phút. Du khách sẽ được hướng dẫn theo quy trình từ cách tìm hiểu sự sinh trưởng và giống loài của cây ca cao. Sau đó là quy trình tách trái ca cao để lấy hạt, cũng như phơi và ủ hạt theo đúng quy ước thời gian.

Tiếp tục là công đoạn mang vào nhà xưởng để tách vỏ lụa, thổi vỏ và cho vào máy nghiền nát hạt ca cao theo tỉ lệ mịn nhất định. Cuối cùng là cho từng giọt sô cô la đặc quánh vào khuôn và chờ cho đến khi đông lại thành phẩm.

Điểm dừng chân ấn tượng nhất cho du khách sẽ là lúc tự tay mình làm ra những thanh sô cô la tưởng chừng như chỉ có ở trời Tây. Đầu tiên người hướng dẫn sẽ mời du khách đến chiếc máy đang chứa từng dòng sô cô la sóng sánh. Du khách cầm chặt chiếc khuôn bằng hai tay, dùng chân thuận để ấn vào nút phía dưới chiếc máy. Sô cô la cũng từ đó nhẹ nhàng chảy vào để tạo hình trên chiếc khuôn theo tỉ lệ chuẩn.

"Sau khi du khách tự tay làm sô cô la, chúng tôi sẽ mời đến nhà vườn để thưởng thức một ly ca cao béo ngậy. Ngoài ra, sô cô la do khách tự tay đổ có thể thưởng thức tại chỗ hoặc mang về tùy thích. Nếu khách đến giờ trưa, chúng tôi cũng nhận đặt các món đơn giản để du khách không phải đói bụng trước khi ra về sau khi tham quan nhà xưởng’’, chị Ngọc Điệp chia sẻ.

Hiện nay, ngoài việc mở cửa đón khách du lịch và giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, anh Hải Yến và chị Ngọc Điệp cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về quy trình làm sô cô la đúng chuẩn quốc tế đến các đoàn sinh viên từ các trường đại học trong và ngoài nước, cũng như những ai quan tâm.

Người quan tâm tour trải nghiệm làm sô cô la có thể tham khảo thông tin trên fanpage facebook.com/AlluviaChocolateVietnam hoặc website: socolaalluvia.com.

Bài và ảnh: Quách Khái Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân...

0
(SGTT) - Ngày 20-11, Liên Hiệp Quốc thông báo hơn 50 chính phủ đã ký tuyên bố chung thúc đẩy du lịch bền vững...

Rừng đang ‘chảy máu’

0
(SGTT) - Những năm qua, rất nhiều cây gỗ quý, cây lâu năm ở Việt Nam đã bị đốn hạ để phục vụ nhu...

Quảng Nam có ‘làng du lịch tốt nhất thế giới’

0
(SGTT) - Làng rau Trà Quế tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa được vinh danh là một trong 55 làng du...

Bảo tồn đa dạng sinh học từ góc nhìn đề án...

0
(SGTT) - Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung....

Mùa nước tràn đồng đôi bờ kênh Vĩnh Tế

0
(SGTT) - Vào mùa nước nổi, những cánh đồng hai bên bờ kênh Vĩnh Tế ngập trong dòng nước đục màu phù sa, tạo...

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Kết nối