(SGTT) - Có lẽ hiếm có làng nghề làm nón lá truyền thống nào ở nước ta làm ra loại nón lá mỹ nghệ độc đáo như làng Phú Gia: đó là chiếc nón ngựa luôn được ghép tên làng kèm theo và nó đã ra đời từ hàng trăm năm nay gắn với nón lá của quân binh Tây Sơn.
Chằm lá phía bên ngoài khung sườn để thêu ren lên mặt lá những hoa văn, họa tiết.

Nghề làm ra loại nón lá đẳng cấp này có lẽ cũng là di sản của đất đế đô: làng Phú Gia cách kinh thành Hoàng Đế của Tây Sơn vương Thái Đức Nguyễn Nhạc non mươi cây số về hướng đông bắc. Và làng nón mỹ nghệ lâu đời này là sự tiếp nối vào chuỗi  các làng nghề truyền thống quan trọng khác tồn tại hàng trăm năm quanh thành Hoàng Đế ở Bình Định.

Núp mình dưới những lũy tre cùng các loại cây vườn tươi tốt của một vùng  đồng bằng nằm cách huyện lỵ Phù Cát, Bình Định chừng 4 cây số ở phía đông bắc, làng  Phú Gia trông thật thanh bình, yên ả bên những lối đi phẳng phiu, rượi mát. “Làng mình không giàu có gì mấy mà lại được gọi Phú Gia. Nhưng quý cái là nằm ở cái xã có cái tên hiền lành, đẹp đẽ là Cát Tường. Du khách đến đây ai cũng khen cái tên làng tên xã của mình hay”, nhiều người ở làng này nói.

Chằm nón.

Nón ngựa Phú Gia được chằm bện công phu, tỉ mỉ với khung sườn bằng giang – một loại trúc rừng thân dài như dây có lóng rất dài mọc ở núi rừng vùng cao, có thể chẻ thành sợi nan rất nhỏ. Cả bộ khung sườn cùng lớp lá chằm bên ngoài đều được thêu, ren bằng các loại chỉ màu để tạo nên các hoa văn, họa tiết nhiều màu sắc, tuy dày (hơn nón lá thường) nhưng rất thanh nhã, bền chắc.

“Làm nón ngựa ngó nhẹ nhàng nhưng mà phải chăm chăm con mắt ngó để mà đan bện từng cái sợi nan nhỏ hơn cái tăm, thêu ren từng đường kim mủi chỉ sao cho không bị lỗi. Cực nhọc là vậy đó” – lão nghệ nhân Huỳnh Thị Sáu nói. Nhưng cũng chính cái đẹp từ sản phẩm có được bởi sự lao nhọc  ấy lại đem đến sự hứng khởi để người nghệ nhân có thể miệt mài ngày lại ngày không mỏi mệt, lơ là với công việc. Và chính họ - những người thừa tự - đã cứ luôn nhắc nhở về công đức sáng tạo của cha ông: “Không hiểu sao người xưa đã nghĩ ra việc làm nên chiếc nón được đan bện mấy lớp bằng những sợi nan, những chiếc vành chỉ lớn hơn sợi chỉ, rồi thêu ren các họa tiết bằng chỉ màu, chằm lên những lớp lá mỏng mịn để tạo nên cái nón đẹp thế này!”.

Lão nghệ nhân Huỳnh Thị Sáu đang hoàn thiện một khung sườn với những sợi nan giang cực nhỏ được bà và chồng đan bện.

Nón quý hẳn là dành cho người giàu sang, quyền quý. Nón ngựa Phú Gia được làm ra thời trước là để bán cho giới quan lại, người giàu có, quý phái, và đắc dụng là cho những người cưỡi ngựa nên được biệt tên là nón ngựa. Thời nay, với cuộc sống ngày càng khá giả, nón ngựa Phú Gia được tiêu thụ rộng rãi trong mọi giới. Với sự giao thương, hội nhập mở ra, sự phát triển về du lich, từ vài thập niên lại đây nón ngựa Phú Gia được bán ra nhiều nơi chứ không chỉ cho những du khách trực tiếp đến tham quan làng nghề này bởi đây là vật lưu niệm, là quà tặng quý, đẹp.

“Nón ngựa của Phú Gia mình đã đến được nhiều nước trên thế giới rồi đó!”, nhiều nghệ nhân ở làng nghề này nói. Họ kể lại rằng những du khách nước ngoài đến thăm làng cứ mân mê từng khung sườn, từng chiếc nón, chăm chú nhìn không mỏi những người thợ già thợ trẻ miệt mài với công việc cho ra chiếc nón như một kỳ công. Khi được phải mất đến 4-5 ngày công, kể cả làm thâm đêm mới xong một chiếc nón, họ tỏ bày sự cảm kích và khen sự bền bỉ của người nghệ nhân.

“Không biết nón ngựa có trước thời Tây Sơn hay đến thời Tây Sơn mới có nhưng tui nghe ông cha mình nói lại thì làng Phú Gia mình làm ra nó từ lâu lắm rồi. Đời ông cao, bà cao tui đã làm nón ngựa rồi”, lão nghệ nhân Đặng Văn Tám nói.

Theo câu ca Anh đi dao bản giắt lưng/Nón chiêng anh đội băng chừng Đồng Nai được truyền lại ở đất Bình Định, những người có tuổi tác ở Phú Gia cho rằng có lẽ nón ngựa có gốc gác từ nón chiêng mà quân binh Tây Sơn dùng, vốn cũng được người Bình Định làm ra.

“Để giữ nghề nón ngựa Phú Gia, năm 2012, ngành khuyến công tỉnh Bình Định đã mở lớp dạy cho nam nữ trong làng muốn học nghề này. May là còn được 4 nghệ nhân của làng đứng dạy, trong đó có tui. Học một khóa 3 tháng, mỗi tuần học 4 buổi, có đến 35 người học. Thấy trên quan tâm giữ nghề cho làng mình như vậy thật đáng mừng”, lão nghệ nhân Đặng Văn Tám kể lại.

Lão nghệ nhân Đặng Văn Tám thêu ren cho mặt bên trong khung sườn của nón.

Nhìn những chiếc nón ngựa được làm hoàn chỉnh phô ra cái đẹp phối cộng từ những vành - nan mỏng mảnh, từ những hoa văn, họa tiết tươi tắn đủ sắc màu với  đường kim sợi chỉ chi li, từ những mảnh lá trắng mịn tinh khôi,  thật lý thú. Nhưng, sẽ lý thú hơn nếu được tận mắt nhìn người nghệ nhân ngồi dồn tâm ý vào đôi tay khoan nhặt lặng lẽ, miệt mài làm nên chiếc nón như một tác phẩm đầy sinh động mà máy móc cơ xảo không thể làm được.

“Nhìn mỗi chiếc nón mình làm ra mình thấy nó như có cái hồn mình trong đó mà!”, một lão nghệ nhân ở đây bày tỏ. Lời mộc mạc này như nói rằng cơm áo và lòng yêu nghề đã chung lại nuôi nấng họ. Đó cũng như là lời mời gọi khách du đến đây xem họ làm lụng ra sao để giữ được một nghề mỹ nghệ của tiền nhân, giữ được cho nhà mình, cho làng nghề mình đời áo cơm thanh bạch.

Huỳnh Văn Mỹ

         

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây