(SGTT) – Từ cuộc sống vất vả mưu sinh, một người phụ nữ ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đã bán thêm bánh tét để nuôi nấng đàn con thơ. Qua nhiều năm tháng, món bánh này nổi tiếng khắp cả nước với tên gọi trìu mến – bánh tét Trà Cuôn.
- Bản đồ ẩm thực: Thổi hồn thơ ca món nem hơn 60 năm tuổi
- Bản đồ ẩm thực: Khám phá món bánh quê của người Khmer
- Bản đồ ẩm thực: Mộc mạc, giản dị nem nướng Ninh Hòa
Qua tìm hiểu, Trà Cuôn dịch theo tiếng người Khmer là tro-kuôn (hay còn gọi là rau muống). Theo đó, làng nghề bánh tét Trà Cuôn thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang và đã được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận vào năm 2011.
Theo các báo trong nước đưa tin và người dân địa phương truyền miệng, bà Thạch Thị Lết (ngụ tại xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang) là người đầu tiên làm bánh tét Trà Cuôn. Cách đây mấy chục năm, do cuộc sống khó khăn, bà phải xoay sở đủ nghề để nuôi nấng đàn con thơ. Trong một lần, bà thấy nồi bánh tét nấu theo cách của ông bà xưa dù để vài ngày vẫn thơm, nếu lỡ bán không hết vẫn có thể dùng thay cơm. Từ suy nghĩ mộc mạc ấy, bà đã tạo nên món bánh tét nổi tiếng và là niềm tự hào của người dân Trà Vinh.
Ngày xưa, nguyên liệu làm bánh chỉ gồm nếp đậu xanh và mỡ heo thì nay để chiều lòng khách hàng, người nấu còn cho thêm ba rọi heo, lòng đỏ hột vịt muối. Đặc biệt, ngoài bánh tét truyền thống có màu trắng của nếp thì một số nơi còn có thêm bánh tét màu xanh từ lá bồ ngót, màu tím từ lá cẩm hay màu đỏ từ nước cốt gấc.
Theo đó, để bánh thơm ngon, người nấu cần phải tỉ mỉ trong từng cộng đoạn làm bánh. Cụ thể, khâu gói bánh, người nấu phải cột bánh ở mức vừa đủ. Nếu chặt quá thì lớp mỡ bên trong không chín và vị béo cũng không lan tỏa đều bánh. Trong khi cột lỏng quá thì nước dễ thấm vào, bánh vì thế cũng mau bị hư. Nếu chuẩn khâu này, bánh có thể để được 5-7 ngày trong điều kiện tự nhiên và hoàn toàn không có chất bảo quản.
Được biết, hiện làng nghề bánh tét Trà Cuôn có khoảng 7 cơ sở sản xuất với gần 20 hộ gia đình làm nghề. Vào những dịp Tết thì làng nghề trở nên bận rộn hơn nhiều để kịp cho việc sản xuất, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An – Phùng My