(SGTT) - "Phụ nữ sau sinh luôn là đối tượng hàng đầu được ưu tiên chăm sóc cả về sức khỏe lẫn tâm lý. Đặc biệt, khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng như hiện nay, họ lại càng là đối tượng cần phải được chú ý hơn bao giờ hết", bác sĩ Chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, khoa Tâm Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ.
- Thắc mắc mùa dịch: Ứng phó với người rối loạn lo âu trong mùa dịch
- Thắc mắc mùa dịch: Tâm lý căng thẳng, stress khi giãn cách xã hội do đâu?
Đây là một phần câu trả lời của bác sĩ Khuyên đến một bạn đọc trong chương trình Thắc mắc mùa dịch. Bạn đọc này cho biết "Hiện tại tôi đã có em bé được 6 tháng, hằng ngày thấy hơn nghìn ca mắc mới được phát hiện, tôi hình thành tâm trạng lo lắng, căng thẳng. Tôi muốn đi ra ngoài cho thư giãn nhưng lại không được phép. Cả ngày quanh quẩn ở nhà, tôi không biết làm sao để giảm bớt stress, nếu tình trạng này cứ kéo dài, tôi sợ sẽ ảnh hưởng đến em bé. Bác sĩ có cách nào giúp tôi thoát khỏi tình trạng này được không?"
Giải đáp thắc mắc ấy của bạn đọc, bác sĩ Khuyên chia sẻ, phụ nữ sau sinh là đối tượng rất nhạy cảm, họ thường dễ mắc các bệnh về tâm lý. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rối loạn nội tiết sau sinh, khiến họ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng...
Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện tại, chứng kiến hàng nghìn ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, nếu chỉ là một người bình thường đang trong tình trạng tâm lý không ổn định, cũng rất dễ dẫn đến các triệu chứng tâm lý, huống hồ chi là đối tượng nhạy cảm như sản phụ, tâm trạng căng thẳng đó còn nặng nề hơn gấp nhiều lần, nghiêm trọng hơn là trầm cảm.
"Trầm cảm được chia thành nhiều cấp độ, từ nhẹ, trung bình, lên đến trầm cảm nặng. Trầm cảm nặng được chia làm hai cấp độ, đó là không có triệu chứng loạn thần và có triệu chứng loạn thần. Nếu đã mắc trầm cảm lên đến triệu chứng loạn thần, sản phụ sẽ sinh ra ảo thanh, ảo giác. Đã có rất nhiều trường hợp giết con hoặc tự tử sau sinh".
Vì vậy, để khắc phục tình trạng này tại nhà, người nhà phải thường xuyên theo dõi sản phụ, chia sẻ công việc chăm em bé với họ, thường xuyên động viên tình thần để họ luôn vui vẻ, thoải mái. Sau đó, người nhà nên tránh cho sản phụ theo dõi những tin tức, phim ảnh mang tính tiêu cực, bạo lực để tâm lý sản phụ không bị ảnh hưởng.
Trong chương trình Thắc mắc mùa dịch lần này, bác sĩ Khuyên cũng đưa ra các giải pháp để giải tỏa tâm lý chán chường trong mùa dịch do không thỏa mãn nhu cầu ăn uống. Đối với bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rối loạn đồng hồ sinh học, những thói quen dần bị thay đổi, đặc biệt là những sở thích về ăn uống, dẫn đến cảm giác khó chịu, cáu gắt.
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, mọi người cần hiểu đây là tình trạng chung của xã hội, việc giãn cách như vậy là có ích cho tất cả mọi người kể cả bạn và gia đình của bạn, do đó, chúng ta nên thông cảm và từ từ học cách thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.
Sau đó, nếu có thể, chúng ta nên "biến niềm đam mê ăn uống thành hành động", có nghĩa là bạn nên chế biến các món ăn đó tại nhà. Bạn có thể lên mạng, học các công thức nấu ăn đơn giản, dễ làm, điều này không chỉ thỏa mãn được mong muốn ăn uống của bạn, mà còn giúp bạn "giết thời gian rảnh" một cách hiệu quả, từ đó, bạn sẽ cảm thấy mỗi ngày của mình trôi qua thật thú vị.
Phùng My
Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.