(SGTT) - Có nguy cơ nhiễm Covid-19 qua hệ thống thống gió chung cư hay không? Chung cư có ca dương tính rải rác, virus có thể bay từ các tầng và lây lan không? Những câu hỏi trên đã được Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải đáp.
- Thắc mắc mùa dịch: Kết hợp đông y trong điều trị Covid-19 có hiệu quả không?
- Thắc mắc mùa dịch: Gia tăng rối loạn giấc ngủ trong đại dịch Covid-19
Trong chương trình hội thảo trực tuyến do Bệnh viện Gia An 115 phối hợp cùng Tập đoàn Hoa Lâm với chủ đề "Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em trong mùa Covid-19" ngày 11-8, người tham dự trực tuyến e ngại về nguy cơ nhiễm Covid-19 qua hệ thống thống gió chung cư vì hiện các chung cư có nhiều ca F0 đang điều trị tại nhà. Nhiều người còn lo ngại rằng virus SARS-CoV-2 có thể bay ở các hành lang trong chung cư.
Trước những câu hỏi này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết nếu quá lo lắng về việc sợ bị lây nhiễm virus qua lỗ thông gió hoặc giếng trời, hộ dân cư hoàn toàn có thể dùng quạt gió thổi ngược lồng gió trở ra ngoài.
Ngoài ra, người dân có thể sử dụng đèn UV trước giếng trời, lỗ thông gió để khử trùng, diệt khuẩn giúp an tâm hơn. Đồng thời, hành lang chung cư nên tạo không gian thoáng để không khí luân chuyển từ trong nhà ra ngoài môi trường tự nhiên.
Mặt khác, người sống trong các chung cư nên chú trọng đến các khu vực, vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, thang máy, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ người khác.
"Mọi người khi ra vào chung cư, nên sử dụng phần vai để đẩy, mở cửa thay vì sử dụng tay. Bên cạnh đó, tự trang bị các dung dịch xịt khuẩn để rửa tay thường xuyên và sau khi cầm nắm vào các vật dụng chung", Bác sĩ Khanh nói.
Song song đó, khi hộ dân sử dụng thang máy chung, sau khi bấm chọn mở của nên dừng lại một khoảng thời gian trước khi bước vào thang để luồng gió có thể luân chuyển ra ngoài, tránh việc nhiều người ở chung trong một không gian hẹp như thang máy.
Minh Hoàng