(SGTT) - Một số bệnh nhân F0 mắc Covid-19 điều trị tại nhà, thường cảm thấy khó thở. Vậy có những bài tập nào giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng để thở tốt hơn?
- Thắc mắc mùa dịch: Các bước chăm sóc, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà
- Các nhóm oxy cứu người gặp khó vì phải chờ giấy đi đường
Dưới đây là ba bài tập giúp bệnh nhân F0 cải thiện tình trạng khó thở trong lúc chờ hỗ trợ y tế. Việc luyện tập lâu dài cũng tăng sức mạnh cơ hô hấp (lực thở vào và lực thở ra). Kiểu thở chúm môi giúp làm dài hơi thở. Thở bụng và thở ngực kết hợp tay giúp tăng dung tích phổi.
1. Kiểu thở chúm môi
- Tư thế ngồi thoải mái. Thả lỏng cổ và vai.
- Mím môi và hít vào bằng mũi trong 2 nhịp, giữ 3-5 giây nếu không khó thở sau khi hít vào.
- Chúm môi như đang thổi sáo, thở ra từ từ bằng miệng trong 4 nhịp.
Động tác chúm môi giúp phổi thông khí tốt hơn và tăng lưu lượng oxy. Người bệnh có thể dùng kỹ thuật này bất cứ lúc nào cảm thấy khó thở, thực hiện lặp lại động tác thở chúm môi nhiều lần đến khi hết khó thở và có thể tập đi tập lại nhiều lần cho nhuần nhuyễn và thành thói quen hằng ngày.
2. Kiểu thở bụng
- Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng để cảm nhận di động của ngực và bụng.
- Hít vào bằng mũi (mím môi), bụng phình ra (tay ở bụng nhô lên). Thở từ từ bằng miệng, môi chúm lại giống như thổi sáo, bụng xẹp xuống, tay ở bụng hạ xuống.
- Hít vào 1-2 nhịp, thở ra 1-2-3-4 nhịp. Lưu ý, lúc thở ra phải gấp đôi so với lúc hít vào.
3. Kiểu thở ngực kết hợp tay
- Đưa tay lên mở rộng lồng ngực kèm hít vào, có thể giữ hơi thở lại khoảng 3-5 giây nếu như không gây khó thở.
- Đưa tay xuống kèm thở ra bằng phương pháp chúm môi.
Trong quá trình tập thở khi hít vào và thở ra, bệnh nhân không cần gắng sức quá mức. Người bệnh nên kết hợp động tác thở chúm môi với thở bụng hoặc thở ngực kết hợp tay vào trong một lần hít thở và nên luyện tập thường xuyên ít nhất 3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút. Hai động tác này có thể thực hiện trong cả lúc ngồi hoặc nằm.
Minh Thảo
Theo trang tin của Trường Đại học Y Dược TPHCM