Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Tết để làm gì?

Chiều hôm 26 tháng chạp âm lịch, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ dài chín ngày Tết Nhâm Dần, những hình ảnh quen thuộc lại xuất hiện báo hiệu Tết đã đến bên thềm nhà.

Đó là dòng người từ các thành phố lớn đổ về quê ăn Tết. Dù sự chuẩn bị cho Tết năm nay có phần kém hơn thường lệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng rất khó phủ nhận ý nghĩa của Tết đối với rất nhiều người Việt.

Một vị giáo sư khả kính từ nhiều năm nay rất kiên trì với đề nghị của ông chấm dứt ăn Tết âm lịch ở Việt Nam theo cách đang làm hiện nay, hay nói khác gộp chung Tết tây và Tết ta. Không phải ông không có lý với các lập luận về mặt trái của Tết, như công việc trì trệ, kẹt xe, nạn rượu chè, bài bạc v.v… Thậm chí, ông cho rằng còn ăn Tết ta là người Việt còn nghèo.

Tuy nhiên, cho đến nay, ý kiến này của vị giáo sư xem ra không được ủng hộ mạnh mẽ cho lắm. Hình ảnh những dòng người hối hả rời phố về quê có lẽ cũng là những câu trả lời cho vấn đề được ông đặt ra. Và nếu như tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại thời điểm này, thì e rằng đề nghị của ông cũng chỉ là thiểu số.

Trung Quốc chính thức sử dụng dương lịch từ năm 1912 và cũng không còn dùng khái niệm “Tết âm lịch”(1). Nhưng xin đừng hiểu lầm, Tết âm lịch vẫn còn đó, chỉ được đặt tên khác đi, gọi là chunyun (được chuyển sang tiếng Anh thành “Spring Festival”, hội xuân hay lễ hội mùa xuân).

“Hội xuân” ở Trung Quốc cũng được xem là dịp di chuyển lớn nhất hành tinh. Một thống kê cho thấy năm 2014, có 3,62 tỉ chuyến đi diễn ra trong 40 ngày trước và sau Tết(2). Còn theo tờ Forbes(3), năm Mậu Tuất 2018, có 358 triệu người Trung Quốc hồi hương, tạm xa các thành phố để về quê ăn Tết. Con số này bỏ xa vị trí thứ hai là ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day) ở Mỹ với 50,9 triệu người. Để so sánh thêm, cũng nên biết năm 2016, có khoảng hai triệu người hành hương mỗi năm đến Mecca ở Ả Rập Xê Út, được xem là thánh địa thiêng liêng nhất của Hồi giáo với khoảng 1,7 tỉ tín đồ.

Không phải chỉ có người Việt, người Trung Quốc mới ăn Tết từ “thuở hồng hoang”, mà nhiều nước khác cũng làm như vậy, chẳng hạn người Hàn Quốc, người Singapore, người Malaysia, người Indonesia, v.v… Như vậy, người ta ăn Tết để làm gì?

Một bài báo của National Geographic được msn.com đăng lại dùng ba đặc điểm để khái quát Tết âm lịch như sau: sum họp gia đình, tiệc tùng và lễ hội náo nhiệt(4).

Có lẽ ý đầu tiên, sum họp gia đình, nêu lên ý nghĩa tinh thần lớn nhất của Tết âm lịch. Thời buổi toàn cầu hóa, làm ăn xa hay chuyển chỗ ở là điều không hiếm. Do vậy, Tết cổ truyền là dịp để thành viên các đại gia đình sum họp, hàn huyên bên mâm cỗ, chúc Tết, qua đó bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau.

Bên cạnh đó, cũng theo bài viết này, ngoài chủ đề sum họp, Tết âm lịch còn thắp lên niềm hy vọng trong mỗi con người. Năm hết, Tết đến, mọi chuyện không vui, mọi điều xui xẻo trong năm cũ sẽ qua đi, đem lại vận hội mới, điều may mắn mới và hy vọng mới trong năm mới. Phải chăng đó là một trong các ý nghĩa tinh thần lớn nhất của Tết ta?

Cũng nên nhắc đến khía cạnh kinh tế của Tết. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngoài chuyện đi lại, du lịch, Tết là dịp mua sắm lớn nhất trong năm. Dĩ nhiên, không thể loại bỏ hoàn toàn việc tiêu xài lãng phí, nhưng nhìn tổng thể, đây cũng là cơ hội kích thích tiêu dùng, qua đó kích thích kinh tế phát triển.

Muốn xác định chính xác tác động kinh tế của Tết, lợi và hại, cần có các điều tra kỹ lưỡng trước khi kết luận. Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn rằng người ta tiêu xài nhiều hơn trong Tết; nhưng xài nhiều hơn cũng có nghĩa là người ta phải làm việc nhiều hơn để có thêm tiền chi dùng.

Ai trong số chúng ta đón Tết ta hồ hởi, phấn khởi nhất? Chắc là trẻ con rồi. Thử hình dung ngày xưa còn bé, Tết vui như thế nào, đặc biệt là cảm giác hồi hộp khi mở các bao lì xì nóng hổi vừa mới nhận được. Cũng có dạo, người ta hô hào bỏ tục lệ lì xì Tết tốn kém. Ý này cũng có vẻ thuyết phục, nhưng cho đến nay hình như cũng chẳng có mấy tác dụng vì bỏ ra một khoản tiền nhỏ để mang lại niềm vui lớn cho con em mình là cách nhiều người vẫn chọn.

Chắc chẳng mấy người trong số chúng ta tự hỏi mình “Tết để làm gì?”. Nhưng chúng ta vẫn cứ ăn Tết đấy thôi. Chuyện người Việt có sẽ mãi nghèo nếu cứ ăn Tết ta hay không thì hạ hồi phân giải nhé!

Quỳnh Thư

Theo KTSG Online

————–

(1), (4)https://www.msn.com/en-us/news/world/why-lunar-new-year-typically-prompts-the-world-s-largest-annual-migration/ar-BB1dAoPs

(2)https://www.msn.com/en-us/news/world/why-lunar-new-year-typically-prompts-the-world-s-largest-annual-migration/ar-BB1dAoPs

(3)https://www.forbes.com/sites/niallmccarthy/2018/02/14/chinese-new-year-the-worlds-largest-human-migration-is-about-to-begin-infographic/?sh=6fd50b4e124d

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

The Eco Tropicana Garden, điểm du lịch mới mẻ trên cao...

0
(SGTT) - The Eco Tropicana Garden tọa lạc tại thôn 4, xã B’Lá, huyện Bảo Lâm, là điểm du lịch mới mẻ ở tỉnh...

Ấn tượng bộ sưu tập “Thành phố thông minh” tại Lễ...

0
(SGTT) - Để chuẩn bị cho Lễ hội Áo dài TPHCM 2022, nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Việt Hùng quyết định giới thiệu Bộ...

Vườn quốc gia Cát Tiên hưởng ứng ngày động, thực vật...

0
(SGTT) - Ngày 3-3, tại Vườn quốc gia Cát Tiên đã diễn ra lễ mít tinh hưởng ứng ngày Động, thực vật hoang dã...

Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8: Tôi yêu áo...

0
(SGTT) - Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8 năm 2022 với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” có nhiều hoạt...

Ra mắt Cộng đồng du lịch có trách nhiệm WAFORT

1
(SGTT) - Vừa qua, Cộng đồng du lịch có trách nhiệm WAFORT đã ra mắt tại TPHCM với mục tiêu tập trung thúc đẩy...

Công nghệ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với...

0
(SGTT) - Theo khảo sát mới đây của Booking.com, có tới 82% khách du lịch Việt Nam đồng ý rằng công nghệ giúp giảm...

Kết nối