Phan Sơn (TPHCM) -
Trên đường đi làm về, vừa qua ngã tư Phan Văn Trị và Nguyễn Thái Sơn (phường 7, quận Gò Vấp), một vụ va quẹt hai xe máy làm một người phụ nữ bất tĩnh xảy ra ngay trước mặt tôi. Khó khăn lắm tôi mới đuổi chặn được người gây ra tai nạn – một người cha chở theo cô con gái – để giải quyết.
Vì người bị nạn bất tỉnh nên tôi ra đứng giữa đường chặn chiếc taxi (tôi không tiện nói tên hãng taxi đó) nhờ đưa người đi cấp cứu nhưng anh tài xế phân bua xe đang có khách nên không chở được. Tôi đã yêu cầu để tôi thuyết phục người khách trên xe nhường taxi vì đây là tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, dù nói thế nào người khách trên taxi – đang đi cùng với hai bé gái, có lẽ là con của anh – vẫn không đồng ý và lạnh lùng yêu cầu xe taxi tiếp tục di chuyển. Cuối cùng thì người gây tai nạn để lại con gái và đưa người bị nạn vào bệnh viện cấp cứu.
Đây là lần thứ ba trong đời mình, tôi chứng kiến tai nạn và gặp tài xế taxi đã bỏ người trong nguy kịch. Lần đầu tài xế taxi bỏ nạn nhân bị điện cao thế phóng cháy sém toàn thân ở dưới chân cầu Sài Gòn năm 2015. Mười ngày sau nạn nhân mất vì bỏng 80%, nhiễm trùng máu. Lần thứ hai, tôi và anh bạn chặn đến tám chiếc xe taxi ở cầu Sài Gòn mới có một bác tài trung niên dừng lại đưa một người say rượu té trên cầu đi cấp cứu. Thật chẳng có lời nào tả nỗi với các doanh nghiệp dịch vụ khi mà nhân viên của họ không coi trọng việc cứu mạng con người.
Thất vọng nhất là hai người đàn ông đi cùng con gái. Một người thì gây ra tai nạn rồi tính bỏ đi luôn, còn một người lạnh lùng bảo xe taxi nhấn ga chạy mà không chịu nhường taxi để đưa người cấp cứu. Đáng lẽ ra hai ông bố đó phải làm tấm gương tốt cho các con của mình, rằng phải biết dừng xe để xem hậu quả của vụ va quẹt do mình gây ra, phải ứng cứu người gặp nạn trước…
Chứng kiến nhiều lần taxi bỏ mặc người bị tai nạn, nhiều người gọi điện tới tổng đài của hãng phản ánh nhưng tất cả cũng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung, phớt lờ. Theo quy định của pháp luật, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn và những người điều khiển phương tiện khác đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn nếu có điều kiện để cứu giúp mà không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu thì bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, nếu hội đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì hành vi nói trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.