Các nước Đông Nam Á đã trông chờ làn sóng du khách Trung Quốc ở thời kỳ hậu Covid-19 để thúc đẩy doanh thu du lịch và nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra vì người dân nước này do dự hơn trong việc chi tiền cho các kỳ nghỉ ở nước ngoài trước dự đoán là đà phục hồi kinh tế sẽ yếu đi.
- Thu hút du khách theo đạo Hồi – thị trường tiềm năng nhưng nhiều thách thức
- 3 di sản UNESCO của Việt Nam vào top đáng thăm nhất Đông Nam Á
Trong tháng 5, số lượng khách Trung Quốc đến 5 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Sinagore và Philippines dao động từ 14%-39% so với cùng kỳ của năm 2019, theo dữ liệu chính thức mới nhất do Bloomberg tổng hợp.
Số liệu thống kê về du khách Trung Quốc báo hiệu sự phục hồi kinh tế của Đông Nam Á trong năm nay sẽ trầm lắng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu ảm đạm do các chính sách tiền tệ thắt chặt và đà tăng trưởng đang chững lại của Trung Quốc.
Thái Lan, một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch nhất trong khu vực đang được hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu du lịch sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lượng khách Trung Quốc đến thăm nước này dự kiến sẽ thấp hơn ít nhất 2 triệu so với mục tiêu bảy triệu mà Tổng Cụ du lịch Thái Lan đặt ra cho năm 2023. Các nhà kinh tế của Nomura Holdings đã hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay xuống 3,4% so với mức 4% đưa ra trước đó do doanh thu của ngành du lịch thấp hơn dự kiến.
Theo thông tin từ công ty môi giới chứng khoán PT Bahana Sekuritas, nhu cầu khách sạn hạng sang ở Bali, một trong những điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất thu hút phần lớn tổng số du khách nước ngoài của Indonesia đã suy giảm trong 5 tháng đầu năm do lượng khách Trung Quốc giảm đáng kể.
Ngay cả Singapore, nơi mà giới chức trách kỳ vọng cơn bùng nổ du lịch sẽ giúp đất nước tránh suy thoái kinh tế trong năm nay, sự tăng trưởng cũng không khả quan. Trong 5 tháng đầu năm, khách Trung Quốc đến đảo quốc Sư tử đạt tổng cộng 310.901 người, thấp hơn rất nhiều so với 1,55 triệu người trong cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu của Hội đồng du lịch Singapore.
Tương tự như vùng Đông Nam Á, lượng khách Trung Quốc đến Nhật Bản hiện vẫn thấp hơn thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, khách du lịch từ thị trường này suy giảm không tác động lớn đến Nhật Bản như các nước Đông Nam Á vì xứ sở hoa anh đào đang có một lượng du khách khác thay thế.
Gần đây, chuỗi cửa hành bách hóa Takashimaya cho biết, khách du lịch không phải người Trung Quốc đóng góp gần 70% tổng doanh thu từ khách du lịch từ tháng 3 -tháng 5, so với chỉ 20% trong những năm trước đại dịch. Xu hướng đó là một gợi ý tốt cho các nước Đông Nam Á trong việc đa dạng hóa thị trường mục tiêu và chấm dứt sự phụ thuộc vào du khách từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Qiu, một nhân viên của GZTC International Tour, có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết nhu cầu đặt tour du lịch mùa hè của người Trung Quốc tới các điểm đến ở Đông Nam Á không cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm nay.
Theo Qiu, trong kỳ nghỉ mùa hè năm nay, ngay cả những điểm đến được ưa chuống nhất như Singapore và Malaysia cũng chỉ thu hút khoảng 30% lượng khách Trung Quốc so với trước đại dịch, trong khi những điểm đến khác bao gồm Thái Lan chỉ ở mức 10%.
Theo dữ liệu từ Công ty phân tích hàng không Cirium, công suất chuyến bay tăng chậm hơn cũng là lực cản đối với sự phục hồi của ngành du lịch. Công suất chuyến bay giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á đang được cải thiện nhưng hầu hết các tuyến bay vẫn tần suất thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, trừ Singapore.
Eric Zhu, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết số lượng khách đi du lịch theo đoàn từ Trung Quốc giảm cũng góp phần khiến tốc độ phục hồi của ngành du lịch Đông Nam Á chậm lại. Trong quí đầu tiên của năm nay, chỉ có 1,6% khách Trung Quốc đi du lịch theo đoàn ra nước ngoài, giảm từ 30% so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và du lịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á và các chuyên gia ngành du lịch lạc quan rằng khách Trung Quốc sẽ lên đường vào nửa cuối năm nay. Người phát ngôn của Hội đồng du lịch Singapore dự báo lượng khách Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng dù các con số hiện tại còn khiêm tốn.
“Vẫn còn sớm kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Tôi hy vọng lượng khách Trung Quốc sẽ cải thiện vào nửa cuối năm 2023”, Selena Ling, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Co. (OCBC) của Singapore nói.
Khánh Lan
Theo Kinh tế Sài Gòn Online