Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sau đợt mưa lũ vừa qua, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đều tiếp tục dự trữ lương khô, nước uống, gạo và mì gói, các mặt hàng lượng thực - thực phẩm thiết yếu khác cùng xăng dầu. Các chợ truyền thống tại các địa phương đã được khôi phục để cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.
- Hai câu lạc bộ thuộc Saigon Times Club đến với đồng bào nhiều tỉnh miền Trung
- Sau bão Molave, miền Trung oằn mình với lũ, sạt lở
Công tác dự trữ hàng hóa tại một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ được xây dựng từ trước với giá trị tổng hàng hóa lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Các địa phương cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi mưa bão như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng cũng báo cáo về việc dự trữ và đảm bảo nguồn cung hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đáng lưu ý, cơ quan quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường tại nhiều địa phương, từ thời điểm bão số 6 đến nay đã phát hiện, xử lý hàng loạt vi phạm về hoạt động thương mại. Nhìn chung, giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cơ bản đã trở lại ổn định, chỉ có các loại rau xanh còn tăng nhẹ (giá rau củ quả tăng trung bình 2.000-5.000 đồng/kg) so với trước mưa lũ.
Trong diễn biến có liên quan, các doanh nghiệp tại TPHCM liên tục tăng ca, tăng công suất tối đa để đáp ứng nhu cầu hàng hóa chuyển đi. Song song với việc sản xuất, các kênh phân phối cũng được tổ chức hiệu quả để hàng hóa được vận chuyển đi nhanh nhất, với giá cả bình ổn.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại TPHCM những ngày qua cho biết đang tăng cường sản xuất, tích cực cung ứng cho các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng thiên tai. Đơn hàng từ các đơn vị tổ chức đặt hàng cứu trợ cho miền Trung tăng mạnh những ngày qua, nhiều nhất là các mặt hàng đồ khô, thực phẩm chín, thực phẩm chế biến sẵn có thể lưu trữ. Ngoài việc sản xuất theo đơn đặt hàng, các nhà cung ứng cũng chuẩn bị một lượng lớn cho các tỉnh với giá giảm từ 30-50% cho bà con vùng lũ.
Các nhà phân phối cũng tập trung toàn lực và ưu tiên tối đa để vận chuyển hàng hóa đến các hệ thống của mình tại miền Trung. Các siêu thị cũng đặc biệt chú trọng bình ổn giá, giảm giá sâu là cách mà các hệ thống phân phối đang chung tay chia sẻ thiết thực với bà con vùng lũ.
Sở Công Thương TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị tìm nguồn nguyên liệu với giá hợp lý để đảm bảo giá thành sản xuất của mình, cung ứng thật nhanh phục vụ cho chương trình cứu trợ, với sự cố gắng này sẽ đảm bảo nguồn hàng với giá cả không tăng đột biến trong giai đoạn cần thiết để phục vụ cho miền Trung. Đồng thời, Sở Công Thương sẽ giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc bình ổn giá cả, hạn chế các khâu trung gian có thể đẩy giá, găm hàng.
Đào Huyền
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online