(SGTT) - Theo các chuyên gia y tế, người đã từng mắc Covid-19 đều có thể bị nhiễm lại với hai dòng biến thể Omicron khác nhau. Vậy tiêm vắc-xin mũi tăng cường có giúp giảm bớt khả năng tái nhiễm không? Dưới đây là ý kiến của TS. Tạ Thanh Sơn, Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg (Đức) xung quanh vấn đề này.
- Số ca mắc vẫn còn cao, Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là bệnh lưu hành
- Khả năng lây nhiễm Covid-19 từ bề mặt tại cửa hàng tạp hóa như thế nào?
Theo TS. Tạ Thanh Sơn, Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg (Đức), biến chủng Omicron dễ lây hơn nhưng triệu chứng khi mắc bệnh cũng nhẹ hơn. Không giống như các biến thể trước đó, khi mắc biến chủng Omicron, mọi người không nên quá lo ngại vì diễn tiến nghiêm trọng của bệnh.
Có thể bị nhiễm BA.2 sau khi nhiễm biến thể chính BA.1
Một giả thuyết được đặt ra nếu nhiều người bị nhiễm bệnh và sau một đợt nhiễm bệnh nhẹ và hồi phục, thêm vào đó là tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao có thể giúp làm giảm tỷ lệ lây nhiễm? Tuy nhiên, điều này dường như không chính xác, TS. Sơn cho biết.
Theo kết quả nghiên cứu đầu tiên của Trường Đại học California thực hiện tại Đan Mạch, số trường hợp và tình trạng tái nhiễm Covid-19 với chủng Omicron xảy ra thường xuyên hơn.
Nói cách khác, bất kỳ ai đã mắc Covid-19 đều có thể dễ dàng bị nhiễm lại một thời gian ngắn sau đó.
Dữ liệu từ một nghiên cứu hiện tại của Viện Virus học tại Trường Đại học Y khoa Innsbruck đã phân loại biến thể Omicron SARS-CoV-2 là một dòng virus gây bệnh mới.
Cụ thể, cách phân loại này có nghĩa là các thành phần miễn dịch được tạo ra bởi biến thể này không thể vô hiệu hóa virus gốc SARS-CoV-2 và các biến thể virus alpha, beta, gamma và delta. Các nhà khoa học hiện đang cố gắng mở rộng nghiên cứu và chứng minh bằng thực nghiệm.
Theo TS. Sơn, dòng chính của biến chủng Omicron là BA.1 hiện đang lan rộng ở khắp các quốc gia. Chẳng hạn như ở Đan Mạch, theo một nghiên cứu mới của Viện Y tế Đan Mạch (SSI), dòng chính BA.1 đã chiếm 88% các ca nhiễm Covid-19 mới.
Nghiên cứu tương tự đã đưa ra kết luận rằng bệnh nhân có thể tái nhiễm với hai dòng biến thể Omicron khác nhau. Vì vậy, khả năng nhiễm dòng phụ BA.2 có thể xảy ra ngay sau khi nhiễm BA.1 ban đầu. Loại phụ BA.2 cũng đang lan truyền nhanh chóng nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp.
Các vắc-xin hiện có chống lại sự lây nhiễm Covid-19?
Đối với những người được chủng ngừa bằng mũi tiêm nhắc lại, Viện Robert Koch (RKI) đánh giá rủi ro là “vừa phải”. Ở những người được tiêm phòng nhắc lại, xác suất nhập viện giảm tới 63%. Omicron sẽ có thể vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ thống miễn dịch, đó là các kháng thể, TS. Sơn phân tích.
Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch của những người được tiêm chủng có các phương tiện khác để tự vệ, chẳng hạn như phản ứng của tế bào T. Ngoài ra, Công ty dược Pfizer coi hai liều vắc-xin là không đủ khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng.
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy hiệu quả chống lại nhiễm trùng có triệu chứng với Omicron giảm xuống còn 34% trong 15 tuần sau liều Biontech/Pfizer thứ hai. Còn với những người được tiêm hai liều AstraZeneca thì không còn tác dụng bảo vệ chống lại nhiễm trùng có triệu chứng. Hai tuần sau khi tiêm chủng nhắc lại, hiệu quả của cả hai chế phẩm đã tăng lên hơn 70%.
Một liều tăng cường Moderna cũng làm tăng đáng kể hệ thống miễn dịch của cơ thể. So với tiêm vắc-xin kép như Pfizer hay Astrazeneca, mức độ kháng thể trung hòa tăng khoảng 37 lần sau khi tiêm nhắc lại, theo công ty. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vắc-xin đã được phê duyệt tiếp tục bảo vệ tốt chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong.
Theo WHO, các hoạt động như tiêm chủng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, thông gió thoáng mát, vệ sinh tay là rất quan trọng. Kết quả phân tích chỉ ra rằng trong biến thể Omicron, phần lớn tải lượng virus nằm ở các phần tử lớn. Theo người đứng đầu nghiên cứu, các phần tử lớn được giữ lại rất hiệu quả bởi việc khẩu trang. Các nhà nghiên cứu tại Viện Max Planck cho rằng khẩu trang FFP2 có lẽ giữ lại các virus của biến chủng Omicron tốt hơn so với Delta.
Minh Thảo