Thứ năm, Tháng hai 13, 2025

Sức sống mới cho chiếc áo bà ba

(SGTT) - Hình ảnh cô gái miền Tây Nam bộ trong tà áo bà ba từ lâu đã in sâu trong ký ức nhiều người, gắn liền với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc. Thế nhưng, cũng chính điều đó đã khiến chiếc áo này bị “đóng khung” trong hình ảnh bình dân. Với 20 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực thời trang, Nhà thiết kế Mi Trang đã thổi một làn gió mới, giúp chiếc áo bà ba thành trang phục thanh lịch phù hợp với nhiều bối cảnh khác nhau trong cuộc sống.”

Từ đồng quê lên phố thị

Không phải ngẫu nhiên mà Nhà thiết kế (NTK) Mi Trang chọn áo bà ba làm nguồn cảm hứng sáng tạo. Chị nói rằng trước đi thỉnh thoảng chị mới mặc áo bà ba, nhưng khoảng vài năm trở lại đây tần suất chị mặc bà gần như 70%, chị mặc khi đi làm, đi chơi, đi gặp đối tác và cả khi ở nhà. Sự thay đổi này bắt đầu khi chị sáng lập dự án “Tôi yêu áo bà ba”.

“Là người con của Đồng Tháp, hình ảnh áo bà ba là ký ức tuổi thơ không thể nào quên. Người dân quê tôi ai cũng mặc áo bà ba, có bà, có chị. Hình ảnh chị hai đứng trên mạn ghe, đầu đội nón lá, hai tà áo phấp phới dưới ánh hoàng hôn đã in sâu trong tâm trí tôi", chị Trang nói.

Năm 2015, vẫn đang trong công việc bận rộn với doanh nghiệp may mặc đồ công sở, tuy nhiên công việc lại khiến chị áp lực và trong những lúc tìm kiếm nguồn cảm hứng mới chị lại nhớ lại về hình ảnh của người chị mình vậy là bắt đầu đặt bút cho dự án.

Và trong những ngày xuân về, người già người trẻ tranh thủ cùng nhau những bộ ảnh du xuân, sự xuất hiện của những bộ trang phục truyền thống của dân tộc càng làm điểm tô cho mùa xuân. Ngoài những chiếc áo dài thước tha, áo yếm dịu dàng, áo bà ba cũng góp mặt.

"Tết này tôi và một số "đại sứ" của dự án đã tranh thủ làm một bộ ảnh Tết vừa là để làm kỷ niệm vừa để bạn bè, mọi người chung quanh cũng "nảy nở" thêm tình yêu với chiếc áo này", chị Trang nói.

Ngoài việc điều hành doanh nghiệp của mình, hiện chị Trang cũng đang dành thời gian để thực hiện nhiều thiết kế mới cho những chiếc áo bà ba. Chị không chỉ giữ lại nét truyền thống, mà còn khéo léo kết hợp chất liệu, kiểu dáng hiện đại, giúp chiếc áo trở thành biểu tượng giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.

"Với việc thiết kế, tôi bám sát khung áo truyền thống chuẩn mực như vạt ngắn, xẻ giữa, cúc cài và cách điệu thông qua ứng dụng phối hợp chất liệu, cá nhân hoá phong cách. Tôi sử dụng rất nhiều chất liệu, đa hoạ tiết tạo nên hình ảnh thẩm mỹ mới cho trang phục văn hoá", chị cho biết.

Đâu chỉ là "sống ảo"

Trang phục truyền thống ngày càng được yêu thích, nhưng việc gắn nó với những dịp "đặc biệt" lại vô tình khiến chúng trở nên xa lạ trong cuộc sống thường ngày. Chiếc áo bà ba cũng không ngoại lệ. Theo NTK Mi Trang, áo bà ba hiện chủ yếu được sử dụng để "check-in sống ảo" hoặc mặc khi về quê, hóa trang...

“Bản chất không có chiếc áo nào quê mùa hay sang trọng. Chính bối cảnh văn hóa và lịch sử tạo ra cách nhìn phiến diện ấy. Với tôi, áo bà ba là một trang phục phóng khoáng, không phân biệt giới tính, tuổi tác, vùng miền, địa vị. Tính ứng dụng của áo rất cao, có thể mặc đi ruộng, đi tiệc, thậm chí là ngoại giao. Đặc biệt, áo dễ dàng được cá nhân hóa theo phong cách mỗi người”, chị Mi Trang chia sẻ.

Tuy nhiên, chiếc áo bà ba ngày càng được ưa chuộng nhưng nhiều người không hiểu rõ ý nghĩa của nếp áo. Theo NTK Mi Trang, nhiều thiết kế hiện nay đang đối xử với chiếc áo này một cách hời hợt và xuề xòa, từ khâu may đến cách mặc. “Sáng tạo và đổi mới là cần thiết, nhưng nếu không hiểu rõ và làm sai bản chất, thậm chí phản cảm, thì điều đó không đem đến giá trị và sự phát triển bền vững cho chiếc áo”, chị nhấn mạnh.

Nhà thiết kế Mi Trang (áo vàng) và một số "đại sứ" của dự án "Tôi yêu áo bà ba" chụp ảnh kỷ niệm Tết Ất tỵ 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện nay, nhiều chiếc áo bà ba được may nối liền 2 thân trước, kết nút giả, may dây kéo phía sau để tiện lợi, nhưng điều này khiến giá trị của chiếc áo bị giảm và nét đặc sắc, tinh tế của chiếc áo không còn.

“Chiếc áo bà ba đúng chuẩn phải có cổ tròn hoặc cổ tim lá trầu, tay rag-lan hoặc tay liền, xẻ tà 2 bên vừa đến eo. Hai thân trước kết nối bằng 5 nút áo. Nẹp áo may liền từ lai đến giữ vòng cổ thân sau, bên dưới là nẹp hò (yếm tâm) để tránh hở hang, tất cả đều được luông tay khéo léo. Đó là điểm đặc trưng rất riêng của nếp áo. Khi cài nút, người mặc phải từ tốn, khoan thai vừa bấm vừa kéo thì áo mới thẳng. Đó không chỉ là một nét đẹp thẩm mỹ mà còn phản ánh sự tinh tế và ý nghĩa của nếp văn hóa,” NTK Mi Trang giải thích.

Không phải ngẫu nhiên mà áo bà ba sở hữu những đặc trưng riêng biệt như vậy. Theo chị Mi Trang, mỗi chiếc áo đều chứa đựng những bài học sâu sắc từ thế hệ cha ông. “5 nút áo tượng trưng cho nhân – lễ – nghĩa – trí – tín và ngũ hành. Nếp áo là biểu tượng của nếp nhà. Khi cài nút, người mặc cần kiên nhẫn, bền bỉ như cách vun đắp gia đình để giữ được sự ấm êm, bền chặt. Đây chính là linh hồn của chiếc áo bà ba mà chúng ta cần gìn giữ, ngay cả khi cách tân.”

Thông qua những giá trị văn hóa và ý nghĩa truyền thống này, NTK Mi Trang mong muốn dự án "Tôi yêu áo bà ba" sẽ là làn gió mới  tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp của chiếc áo bà ba, để không chỉ giữ gìn bản sắc mà còn đưa áo bà ba trở thành biểu tượng của VN, tạo ra nhiều giá trị về kinh tế cho người dân và ngành du lịch.

Từng có thời kỳ áo bà ba như một trang phục thường ngày và bây giờ với dự án "Tôi yêu áo bà ba" chị Trang cũng mong muốn chiếc áo trở lại sự thịnh hành và mang đến giá trị kinh tế cho người dân.

Với tinh thần đó, các hoạt động ban đầu của dự án “Tôi Yêu Áo Bà Ba” tập trung vào việc lan tỏa giá trị nguyên bản của chiếc áo. Chị Mi Trang nhấn mạnh “Mọi thiết kế đều phải tôn trọng truyền thống để bảo tồn ý nghĩa cao đẹp mà cha ông đã gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ.”

Tái hiện không gian Tết xưa cùng áo bà ba. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thông qua những giá trị văn hóa và ý nghĩa truyền thống này, NTK Mi Trang mong muốn dự án "Tôi yêu áo bà ba" sẽ là làn gió mới  tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp độc đáo của chiếc áo bà ba, để không chỉ giữ gìn bản sắc mà còn đưa áo bà ba trở thành biểu tượng gắn kết giữa hiện đại và truyền thống.

Từng có thời kỳ áo bà ba như một trong phục thường ngày và bây giờ với dự án "Tôi yêu áo bà ba" chị Trang cũng mong muốn chiếc áo trở lại sự thịnh hành.

Với tinh thần đó, đón năm 2025, NTK Mi Trang sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng tài liệu những chuẩn mực cho chiếc áo bà ba để khi được hỏi về áo bà ba, người Việt Nam phải miêu tả vanh vách chi tiết của chiếc áo và đẩy mạnh các hoạt động của dự án: sách ảnh "Nếp áo bà ba: Nếp Nhà - Nếp văn hóa", kể lại câu chuyện lịch sử, miêu tả chi tiết nếp áo và giá trị tinh thần của áo bà ba với những ngòi bút của các chuyên gia, và những hình ảnh đẹp được các nhiếp ảnh gia thực hiện cho các đại sứ, khách mời trong trang phục áo bà ba. Quyển sách này sẽ là nguồn cảm hứng cho những người yêu thích trang phục truyền thống, tài liệu về áo bà ba cho mọi người tham khảo.

Đồng thời, một cuộc thi thiết kế trang phục áo bà ba dành cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học với chủ đề “Vẻ đẹp Việt Nam” đang diễn ra và sẽ kết thúc bằng đêm chung kết vào tháng 3 năm nay. Cuộc thi đã lan tỏa, truyền cảm hứng tình yêu áo bà ba đến giới trẻ và hứa hẹn tìm kiếm những tài năng mới, đồng hành cùng dự án trong chặng đường sắp tới.

Ông Huỳnh Minh Hiệp, Phó chánh Văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên Cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam, tham gia dự án 'Tôi yêu áo bà ba' với vai trò đại sứ, cho biết "Áo bà ba là biểu tượng kiên cường của người Việt, gắn bó sâu sắc với phụ nữ Nam Bộ qua hình ảnh nón lá, khăn rằn. Việc tổ chức các cuộc thi tôn vinh áo bà ba không chỉ gìn giữ di sản văn hóa mà còn quảng bá du lịch, tạo sức mạnh phát triển văn hóa-xã hội và kinh tế. Chiếc áo mộc mạc này là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ".

Không dừng lại ở đó, dự án cũng hướng đến việc phát triển áo bà ba thành một món quà lưu niệm dễ thương cho du khách quốc tế. Đi kèm với đó là kế hoạch phát triển làng nghề may thêu áo bà ba tại các địa phương “Tôi tin rằng, nếu được ủng hộ rộng khắp và đầu tư đồng bộ chiếc áo bà ba không chỉ là một trang phục truyền thống mà còn là món quà lưu niệm quảng bá hình ảnh con người, đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế hiệu quả”, chị Mi Trang khẳng định.

Theo bạn, áo bà ba có nên cách tân cho phù hợp với lối sống hiện đại hay không?

Xem kết quả

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề