(SGTT) - Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì cuộc đua bán hàng hóa giá cạnh tranh, giá thấp, tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích hay ở kênh bán hàng online… càng trở nên khốc liệt hơn. Tuy vậy cuộc đua giá xuống đáy chỉ là một khía cạnh trong sức ép cạnh tranh bán lẻ hiện nay mà các nhà kinh doanh truyền thống phải đối diện.
- Đi lại như thế nào trong tình huống lòng đường, vỉa hè được cho thuê?
- Cạnh tranh khốc liệt bán hàng bằng lượt nhấp chuột
Tiểu thương ngỡ ngàng với cuộc đua giá
Ngáp ngắn ngáp dài với gian hàng trứng gia cầm trước chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận – TPHCM) vì không có khách mua, bà Năm Thu cho rằng việc kinh doanh cả năm qua sụt giảm mạnh. Nếu trước đây mỗi ngày bà bán được đến cả ngàn quả trứng thì đến nay chỉ còn 300 – 400 quả.
Chỉ tay qua cửa hàng đối diện chợ, bà Thu than thở không hiểu bằng cách nào mà trứng gà công nghiệp tại Bách Hóa Xanh hơn nửa năm qua chỉ có giá 25.000 đồng/vỉ (10 trứng), trong khi bà bán cao hơn 5.000 đồng. “Bán giá này tôi chỉ lãi được 2.000 đồng/vỉ”, bà Thu nói.
Cũng theo bà Thu, lượng trứng bán ra hiện tại là do mối quen lâu năm, hoặc có thể người mua không biết giá trứng trong cửa hàng thấp hơn của bà bán.
Còn bà Hai Cúc bán rau củ tại ngôi chợ này cho biết hiện bà chỉ bán được những loại rau củ hoặc gia vị mà cửa hàng bán lẻ hiện đại không bán. Các tiểu thương bán gạo, lương thực, các sản phẩm hóa mỹ phẩm, gia vị… tại đây cũng than thở kinh doanh bị sụt giảm nhiều vì sức ép cạnh tranh với các cửa hàng như Bách Hóa Xanh, WinMart, Vissan… mở xung quanh chợ.
Ghi nhận thực tế cho thấy, từ năm 2019 đến nay, chuỗi bán lẻ Bách Hoá Xanh có vẻ đang cạnh tranh trực diện với chợ truyền thống. Các cửa hàng của chuỗi này thường xuyên có mặt ở đầu hoặc bên phía trước các khu chợ ở TPHCM và sau đó mở rộng ra một số tỉnh thành ở khu vực phía Nam.
Từ bước đi đầu tiên của Bách Hóa Xanh, ngay sau đó các nhà bán lẻ khác cũng theo chân và xuất hiện ngày một nhiều xung quanh các khu chợ. Theo các nhà bán lẻ, mở cửa hàng đặt gần chợ họ có được một lượng khách hàng lớn là các bà nội trợ. Và khi đã mở kinh doanh ở ngay chợ là họ chấp nhận cuộc đua giá xuống với các tiểu thương trong chợ lẫn các đối thủ xung quanh.
Không chỉ giá bán, các cửa hàng tiện lợi còn “so kè” cả về hình thức đối với các tiệm tạp hóa, sạp chợ truyền thống. Hàng hóa các cửa hàng này không chỉ khu biệt trong không gian máy lạnh mà đã được bày bán ra cả bên ngoài để tiếp cận dễ hơn với người mua. Đa phần hàng hóa này đều được khuyến mãi và có bảng niêm yết giá rõ ràng.
Thời gian vừa qua, các hệ thống đại siêu thị, siêu thị dù không gần chợ cũng đang chạy đua bán hàng với giá cạnh tranh, giá thấp để thu hút khách hàng đến mua sắm.
“Hiện nay, hầu như chuỗi siêu thị và cửa hàng nào cũng phải cạnh tranh giảm giá bán xuống sâu mới có thể bán được hàng hoặc thu hút khách hàng đến tham quan mua sắm được”, Trưởng phòng marketing của một chuỗi siêu thị lớn nước ngoài chia sẻ với KTSG Online, và ông cho biết thêm: “Có nhiều món hàng giảm sâu về đến giá vốn mà cũng bị bán ế, không có người mua”.
Đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn thừa nhận, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thu nhập giảm và lạm phát tăng cao hiện nay, người tiêu dùng gần như chỉ tập trung chi tiêu cho có các mặt hàng thiết yếu. Để bán được hàng, họ buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh giá bán hoặc có nhiều chương trình khuyến mãi đi kèm, tích lũy điểm mua hàng…
Thông tin từ hệ thống đại siêu thị Emart Gò Vấp (TPHCM) cho biết, trước đây tỷ lệ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu bán ra chiếm khoảng 65% nhưng tỷ lệ này trong năm qua đã tăng lên hơn 85%. Đây là kết quả của siêu thị này sau khi cơ cấu lại giá và triển khai loạt các chương trình khuyến mãi giá tốt trong cả năm.
Còn theo ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, trong giai đoạn khó khăn kinh tế và giảm thu nhập hiện nay, các mặt hàng thiết yếu được khách hàng ưu tiên lựa chọn nên Aeon nỗ lực giữ ổn định giá tốt đối với các mặt hàng này.
Theo các chuyên gia bán lẻ, kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện ích đang là cuộc chiến “mua rẻ, bán rẻ”. Hệ thống phân phối nào có nhiều điểm kinh doanh hơn thì lợi thế cạnh tranh về giá sản phẩm sẽ cao hơn. Bởi lẽ khi mua số lượng lớn cho chuỗi kinh doanh, nhà bán lẻ sẽ dễ dàng thương thảo nhận được giá tốt từ nhà cung cấp, nhà sản xuất hoặc có thể yêu cầu họ hỗ trợ hoặc cùng hợp tác thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu bán hàng.
Các “ông lớn” này có sự chịu đựng cao và có thể chấp nhận sẽ đối diện với việc thua lỗ về cuộc chiến giá cạnh tranh trong một thời gian dài. Thậm chí, để khẳng định được thương hiệu, chiếm lĩnh được thị trường, thói quen tiêu dùng… các nhà kinh doanh này còn chấp nhận thua lỗ lên đến 5-10 năm để đón đầu cơ hội, với chiến lược dài hơi và tầm nhìn xa.
Đây có thể là lý do khiến nhiều tiểu thương ở chợ hay các cửa hàng tạp hóa truyền thống ngỡ ngàng về mức giá mà các hệ thống bán lẻ hiện đại áp dụng.
Những áp lực ngoài cuộc đua giá
Những cuộc “xâm lấn” địa bàn, cạnh tranh về giá, diễn ra thời gian qua không thể hiện hết được sức ép mà các nhà kinh doanh truyền thống phải đối diện. Sự dịch chuyển trong nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, những thay đổi chóng mặt về hình thức, nền tảng bán hàng đang là vấn đề mà nhóm này phải thích nghi để tồn tại.
Thực tế, xu hướng mua sắm của khách hàng cũng bắt đầu chuyển dịch dần sang các cửa hàng bán lẻ hiện đại. Theo bà nội trợ Mỹ Hiền (quận Phú Nhuận), từ đầu năm ngoái đến nay bà không đi chợ nữa mà chuyển đến mua sắm ở các cửa hàng khác xung quanh vì giá cả tương đương hoặc cạnh tranh hơn hàng hóa ở chợ.
“Hơn nửa năm nay, cứ mua 1 kg thịt heo thương hiệu tại các cửa hàng hiện đại được tặng thêm 200 gram thịt; bắp cải thì có giá chỉ 10.000 đồng/kg, bằng phân nửa mua ở trong chợ…”, bà Hiền nói, và cho biết để tiết kiệm hơn, có ngày bà đợi đến 7 giờ tối thì mua được những sản phẩm tươi sống như thịt heo, bò, gà hay hải sản giảm 30-40%; còn rau củ thì giảm 70% so với giá niêm yết.
Nhân viên văn phòng Lê Tú cho biết anh có thói quen mua ở các cửa hàng bán lẻ vì không bị “hớ” giá, trong khi hàng hóa được kiểm duyệt an toàn hơn so với hàng ở chợ. Điều thu hút anh đến các cửa hàng mua sắm là do có nhiều chương trình khuyến mãi của các thương hiệu bán cùng mặt hàng, được tích lũy điểm số quy đổi cho lần mua sau.
Sự dịch chuyển trong mua sắm tại các cửa hàng vật lý cũng chỉ là câu chuyện riêng giữa các chuỗi bán lẻ hiện đại và sạp chợ truyền thống. Câu chuyện chung mà cả hai chủ thể này phải đối diện là sự thay đổi về kênh bán hàng dựa trên các nền tảng mạng xã hội.
Bà Thanh Mỹ, kinh doanh thời trang tại chợ An Đông (quận 5), than thở mặt hàng quần áo bị ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm qua do người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và ưu tiên hàng hóa thiết yếu hơn. Mặt khác, kinh doanh trên mạng xã hội, sàn online đang bùng nổ, việc mua bán thương mại điện tử dễ dàng với giá rẻ hơn nên những mối hàng ở tỉnh đã chuyển sang nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất với chi phí thấp hơn.
“Nhìn chung các tiểu thương mất từ 30-50% lượng khách hàng sỉ các tỉnh so với trước đây, trong khi bán lẻ tại chỗ thì bị sụt giảm nhiều hơn, đến 70%”, bà Thanh Mỹ chia sẻ.
Thậm chí dù đang mùa mua sắm, hàng loạt tiểu thương tại các chợ sỉ tại đây lẫn chợ lẻ ở TPHCM vẫn đóng cửa, sang sạp… Gồng lỗ để trụ lại bán, đóng cửa về sớm, thậm chí sang nhượng sạp là cách mà nhiều tiểu thương buộc lòng lựa chọn vì tình hình ế ẩm, vắng khách trong những tháng gần đây.
Thị trường hàng hóa còn đang chứng kiến cuộc đua giảm giá hoặc bán hàng giá rẻ khốc liệt của các sàn thương mại điện tử, các nhà bán hàng online trên mạng xã hội, khiến cho các tiểu thương và nhà kinh doanh theo mô hình truyền thống càng khó khăn hơn.
Trên thực tế những ai thường xuyên mua sắm ở kênh bán hàng online và offline thì cũng dễ dàng so sánh giá hàng hóa bán kênh online thấp hơn từ 10-30% so với giá bán tại các cửa hàng vật lý hoặc trong các chợ. Nguyên nhân được cho là họ không thuê mặt bằng và nhân sự phục vụ việc bán hàng vốn chiếm nhiều chi phí trong kinh doanh.
Trong thời kỳ kinh tế hậu Covid-19, việc mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng mạng xã hội đã trở thành một nguồn động lực sáng tạo, giúp chủ cửa hàng vượt qua những khó khăn của kinh doanh truyền thống. Trong cuộc cạnh tranh bán lẻ hiện nay, câu chuyện về giá không còn là tất cả mà việc linh hoạt chuyển đổi theo các xu hướng mua sắm mới để tiếp cận khách hàng hiệu quả vẫn là yếu tố mà nhiều nhà bán lẻ cần cân nhắc.
Lê Hoàng