Con người vẫn còn cần thời gian để xác định công nghệ 5G sẽ thay đổi thế giới như thế nào và mang lại những sự rắc rối gì cho chính người dùng nó trong tương lai không xa.
Công nghệ 5G là công nghệ di động thế hệ kế tiếp, dự kiến sẽ bắt đầu ra mắt thị trường thương mại vào năm 2019-2020. Chúng sẽ được áp dụng rộng rãi vào các ngành công nghiệp và hỗ trợ người tiêu dùng tận dụng trí thông minh nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT) và công nghệ thực tế ảo (AR/VR).
Khả năng của 5G
Mạng 5G - thế hệ thứ 5 của công nghệ di động - mang lại tốc độ dữ liệu nhanh hơn và dung lượng mạng lớn hơn 4G. 5G cung cấp một nền tảng đủ mạnh để kết nối một số lượng không giới hạn các thiết bị với nhau cho việc giao tiếp hàng ngày. Một mạng 5G sẽ có những khả năng ưu việt như: hỗ trợ một triệu thiết bị kết nối trên mỗi km vuông, truyền gói dữ liệu với tốc độ chỉ trễ hơn một phần ngàn giây và cung cấp tốc độ tải dữ liệu xuống cao nhất lên tới 20 gigabit mỗi giây.
Các nhà mạng như Verizon, AT & T, Sprint và các hãng khác đang thử nghiệm 5G ở các thành phố trên khắp nước Mỹ. Các nhà cung cấp thiết bị viễn thông như Nokia, Qualcomm và Intel đang sản xuất các thiết bị nguyên mẫu sử dụng mạng 5G. Từ đó, các mẫu này sẽ được dùng để chế tạo thế hệ điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay mới. Mỗi hãng đều có kế hoạch riêng về cách thức và thời điểm tung ra mạng 5G dù hầu hết các hãng đều hứa hẹn sẽ phát triển rộng 5G vào năm 2020.
Những ứng dụng cụ thể
Công nghệ 5G với khả năng truyền tải dữ liệu lớn trong thời gian ngắn vô cùng quan trọng với ngành vận tải. Phương tiện xe cộ, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông thông minh đòi hỏi sự truyển tải dữ liệu cao hơn nhiều so với những gì 4G hiện có thể cung cấp. Hệ thống an toàn thời gian thực rất quan trọng cho những tiến bộ được thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải như xe không người lái. Những loại xe thông minh này luôn yêu cầu mạng 5G để trao đổi dữ liệu giữa xe cộ và cơ sở hạ tầng cố định xung quanh chúng nhằm tránh va chạm hoặc đâm vào người đi bộ.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan đến việc áp dụng các công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến để nâng cao hiệu quả công nghiệp. Đối mặt với chi phí lao động tăng cao, các nhà sản xuất đã triển khai các robot công nghiệp và lắp đặt các cảm biến để kết nối Internet vạn vật, nâng cao khả năng cạnh tranh. Công nghệ di động 5G được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng điều khiển từ xa và vận hành các máy móc thiết bị theo phương pháp này. Bên cạnh đó, 5G cho phép theo dõi chuỗi cung ứng và giao tiếp trơn tru với các hệ thống bên ngoài, đồng thời giảm chi phí xuống thấp nhất có thể.
Với mạng lưới thông tin nhanh và đáng tin cậy hơn, mạng 5G sẵn sàng trợ giúp trong việc số hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. 5G sẽ hỗ trợ việc dùng các thiết bị đeo được để theo dõi bệnh nhân, tham vấn trực tuyến an toàn thông qua video có độ nét cao hay phẫu thuật bằng robot và sử dụng thuốc thông minh.
Công nghệ thực tế ảo cũng là lĩnh vực cần đến tốc độ siêu nhanh của 5G để mang đến trải nghiệm tốt. Mạng 5G cũng có thể thúc đẩy việc áp dụng đại trà công nghệ thực tế ảo trong nhiều lĩnh vực như khám chữa bệnh từ xa, giáo dục và ngay cả tham gia sản xuất.
Ngoài ra, thành phố thông minh trong tương lai cũng cần sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tăng hiệu quả hoạt động, chia sẻ thông tin với công chúng, cải thiện chất lượng dịch vụ của chính phủ và phúc lợi cho công dân. Với khả năng hỗ trợ lên đến một triệu thiết bị được kết nối trong mỗi km, mạng 5G sẽ chứng minh giá trị trong quản lý lưu lượng lưu lượng giao thông, tiết kiệm năng lượng và tăng hiệu quả sử dụng, phân tích dữ liệu.
Quan ngại về sức khỏe và môi trường
Bên cạnh những lợi ích hứa hẹn, công nghệ 5G cũng mang theo những vấn đề đáng lo lắng cho chúng ta. Vào năm 2011, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại di động có thể dẫn đến các dạng u não cụ thể. Công nghệ 5G mới sử dụng các băng tần có tần số cao hơn, tạo ra cùng một liều phóng xạ như máy quét ở sân bay. Những ảnh hưởng về lâu dài của bức xạ này đối với sức khỏe cộng đồng vẫn chưa được kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Việc áp dụng 5G sẽ có nghĩa là nhiều tín hiệu mang nhiều năng lượng hơn thông qua phổ sóng tần số cao, với nhiều máy truyền phát đặt gần nhà và nơi làm việc của mọi người hơn. Điều này làm dấy lên những lo ngại về sự tồn tại của các rủi ro tiềm tàng đối với sức khỏe con người.
Công nghệ 5G cũng có thể làm giảm chất lượng môi trường sống. Đầu tiên, bức xạ từ sóng 5G có thể đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe của các loài thực vật. Các loại thực vật khi bị phơi nhiễm với bức xạ di động cũng có thể trở thành nguồn thực phẩm bị ô nhiễm đưa đến cho con người. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng 5G đòi hỏi việc triển khai nhiều vệ tinh tuổi thọ ngắn thông qua các tên lửa phụ được đẩy bằng động cơ tên lửa hydrocarbon. Việc đưa lên quỹ đạo quá nhiều tên lửa loại này sẽ đưa nhiều carbon vào bầu khí quyển, gây ô nhiễm khí quyển toàn cầu, ảnh hưởng đến sự phân bố của tầng ozon và nhiệt độ trái đất. Cuối cùng, 5G sẽ có khả năng đe dọa các hệ sinh thái tự nhiên. Kiểm chứng về vai trò của sóng di động đến sự gián đoạn hệ sinh thái, một khảo sát diện rộng vào năm 2012 cho thấy 593 trong số 919 nghiên cứu cho rằng bức xạ điện thoại ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển bình thưởng của hệ sinh thái động - thực vật và con người.
Con người vẫn còn cần thời gian để xác định rằng liệu công nghệ 5G sẽ thay đổi thế giới hay mang lại nhiều rắc rối hơn cho chính người dùng nó trong tương lai không xa.
Lâm Linh