(SGTT) - Sự phát triển trong tương lai của TPHCM cần lấy sông nước làm nền tảng, và đây là một nền tảng cốt lõi. Trong bối cảnh phát triển mới, sông Sài Gòn được nâng tầm lên một vị thế mới, gắn liền với phát triển kinh tế xanh và bền vững.
- ‘Lướt’ sông Sài Gòn qua môn thể thao chèo SUP
- TPHCM sẽ có đường chạy dọc sông Sài Gòn từ quận 1 tới huyện Củ Chi
Nền văn minh gắn liền với sông nước
Trong suốt chiều dài lịch sử, sự hình thành và phát triển của TPHCM cho thấy luôn có mối quan hệ gắn kết với sông Sài Gòn. Chính nguồn nước dồi dào và hệ thống sông ngòi trải dài rộng khắp đã hình thành nên thảm thực vật và hệ sinh thái phong phú dọc theo hai bên bờ sông, và hơn nữa là nền văn minh gắn với sông nước được hình thành từ đây.
Thật vậy, sông Sài Gòn đã tạo nên một thành phố cảng, là đầu mối giao thương kết nối TPHCM với vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như thế giới.
Có thể nói rằng văn hóa sông nước đã thấm vào trong cuộc sống và tâm hồn của cư dân, và chi phối sâu sắc mọi khía cạnh của sự phát triển từ kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống, kiến trúc,… của TPHCM.
Tất cả những điều đó đã kiến tạo nên sự phát triển của TPHCM với những đặc trưng rất riêng không nơi nào có được.
Ngày nay, sự phát triển của TPHCM, là trung tâm kinh tế hàng đầu quốc gia vẫn tiếp tục mang đậm dấu ấn của văn hóa sông nước. Về quy mô nền kinh tế, GRDP năm 2022 của TPHCM dẫn đầu cả nước, tính theo giá so sánh 2010 đạt 1.021.894 tỉ đồng và tăng trưởng đạt mức 9,03%; đồng thời TPHCM tiếp tục dẫn đầu về hoạt động thương mại, trong đó đặc biệt là hoạt động thương mại quốc tế với kim ngạch xuất/nhập khẩu đạt lần lượt 49,5 và 66,2 tỉ đô la Mỹ.
Tạo nên sự phát triển ấn tượng đó, không thể không nói đến vai trò quan trọng của sông Sài Gòn – đã thúc đẩy giao thương và luân chuyển hàng hóa của các tuyến hàng hải quốc tế đến và xuất phát từ TPHCM. Có thể nói, kinh tế TPHCM gắn liền thương mại quốc tế qua cảng biển. Tốc độ đô thị hóa nhanh, sự phát triển của công nghiệp ở vùng Đông Nam bộ, vùng ĐBSCL và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam dẫn đến nhu cầu đối với hoạt động thương mại ngày càng lớn.
Sông Sài Gòn ngày càng khẳng định vai trò kết nối không những với phương thức vận tải thủy nội địa quan trọng mà còn gắn liền với sự phát triển của đô thị sông nước hiện đại, xanh và bền vững. Đây phải là nơi cung cấp môi trường sống lý tưởng cho cư dân địa phương, thu hút du khách quốc tế và các nhà đầu tư.
Sông Sài Gòn đang không ngừng mang lại nhiều giá trị về kinh tế và đóng góp vào sự phát triển của bản sắc văn hóa địa phương, nhưng dòng sông vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển chưa được khai phá. Những vấn đề cốt lõi hiện nay cần nghiên cứu và tìm ra giải pháp để “sông Sài Gòn được cất cánh” là: i) vấn đề điểm nghẽn trong phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, công nghiệp, logistics, công nghệ thông tin); ii) đảm bảo sự phát triển cân đối hệ sinh thái ven sông, đa dạng sinh học; iii) dòng chảy, chống biến đổi khí hậu (triều cường); iv) phát triển (tăng trưởng) bao trùm (inclusive growth); và v) phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Đánh thức “con rồng xanh” sông Sài Gòn
Nhìn dòng sông Sài Gòn uốn lượn, chúng ta dễ liên tưởng đến tương lai của nó như dòng sông Seine, là biểu tượng của thành phố Paris và là biểu tượng cuộc sống, văn hóa và định danh của nước Pháp. Nói về vai trò của dòng sông đối với sự phát triển của các thành phố, theo Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), “Sông là tinh túy của các thành phố: xương sống, nơi vui chơi giải trí, đường giao thông, lá phổi xanh và hơn thế nữa là nguồn sống cho thành phố”.
Sự phát triển trong tương lai của TPHCM cần lấy sông nước làm nền tảng và đây là một nền tảng cốt lõi. Trong bối cảnh phát triển mới, sông Sài Gòn được nâng tầm lên một vị thế mới, gắn liền với phát triển kinh tế xanh và bền vững. Theo đó, định hướng và quy hoạch phát triển hành lang kinh tế sông Sài Gòn cần thực hiện gồm sáu nội dung chìa khóa gồm: i) văn hóa di sản, ii) thương mại và giải trí, iii) khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, iv) trung tâm vận tải và kết nối logistics, v) hệ sinh thái nước bền vững và vi) tạo các không gian xanh cho đô thị. Với trục phát triển như vậy, sẽ tạo nên động động lực tăng trưởng xanh, bền vững của TPHCM trong tương lai.
Nguyễn Thanh Tuấn