(SGTT) – Tất cả 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và số ca tử vong đang duy trì ở mức thấp, ngành y tế đang khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.
- 13 khách sạn và 2 công ty lữ hành tại TPHCM đón khách quốc tế
- Bộ Y tế vừa cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc điều trị Covid-19
- Để phụ huynh không vất vả đón trẻ, Sở GD-ĐT TPHCM khuyến khích tổ chức học bán trú
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) ngày 20-2 cho biết, qua thống kê của hệ thống giám sát dịch Covid-19 trong tuần qua (từ 12-2 đến ngày 18-2) cho thấy, số ca mắc mới tại thành phố được ghi nhận là 2.934 ca, tăng gấp 3 lần so với 7 ngày trước (ngày 5-2 đến 11-2).
Cùng với số ca mắc gia tăng, số ca nhập viện cũng có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, số bệnh nặng đang giảm và số ca tử vong ở mức thấp.
Trong tuần qua, TPHCM chỉ ghi nhận một vài trường hợp tử vong. Riêng ngày 19-2, tại các bệnh viện điều trị Covid-19 chỉ ghi nhận 2 ca tử vong đều là bệnh nhân từ tỉnh thành khác chuyển đến gồm Quảng Ngãi (1 ca); Bà Rịa – Vũng Tàu (1 ca).
Để kiểm soát tốt nguy cơ dịch bệnh, hạn chế tối đa rủi ro khiến dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại, ngành y tế khuyến cáo người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo 5K; thực hiện các biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khi đến lượt.
Cảnh báo tình trạng đưa thuốc trị Covid-19, kit xét nghiệm "dỏm" vào Việt Nam
Người lao động đưa tin, theo Bộ Y tế, thời gian qua lợi dụng dịch Covid-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.
Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung tránh gây chồng chéo, tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế.
Ổ dịch 54 ca Covid-19 tại tu viện TPHCM
Theo Vietnamnet, ngày 20-2, ông Nguyễn Trí Dũng, chủ tịch UBND quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết ngành y tế đã kiểm soát chùm 54 ca Covid-19 trong một tu viện tại quận Gò Vấp. Đồng thời, đơn vị y tế của quận cũng đã lấy mẫu ngẫu nhiên để thực hiện giải trình tự gene, giám sát biến thể Omicron.
Theo đó, xuất phát từ trường hợp 1 F0 là học sinh, đang lưu trú tại một tu viện ở phường 5, quận Gò Vấp, ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tất cả người ở tu viện này. Kết quả, phát hiện 54 ca dương tính gồm 53 học sinh và 1 tu sĩ.
Ngay khi nhận thấy có tình trạng lây nhiễm trong tu viện, chính quyền và y tế địa phương đã nhanh chóng kiểm tra, hướng dẫn cách chăm sóc F0, theo dõi F1. Bên cạnh đó, tạm phong tỏa tu viện, thông báo đến các trường học mà học sinh ở tu viện đang theo học.
Ngày 18-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đã đến làm việc, xử lý chùm ca nhiễm trên. Ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, các ca nhiễm đang được chăm sóc và kiểm soát, sức khỏe ổn định.
Ngành y tế cũng lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên 10 F0 để thực hiện giải trình tự gene, tầm soát biến thể Omicron trong cộng đồng.
Được biết, phần lớn nhóm F0 sống tại tu viện là học sinh Trung học cơ sở, đã tiêm vắc-xin, tình trạng sức khỏe ổn định, đang cách ly tại tu viện.
Nhiều giáo viên, học sinh mắc Covid-19, tạm dừng học trực tiếp từ mầm non đến lớp 6
Theo Người lao động, sáng 20-2, UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có công văn hỏa tốc về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong các trường học trên địa bàn thành phố.
Theo UBND thành phố Buôn Ma Thuột, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, liên tiếp những ngày gần đây số ca nhiễm tăng cao, đặc biệt trong ngày 19-2 có 378 ca.
Khi triển khai hoạt động dạy học trực tiếp từ ngày 7 đến này 19-2, toàn thành phố có 43 giáo viên (trong đó: mầm non 15, tiểu học 20 và THCS 8 giáo viên) và 425 học sinh (trong đó; mầm non 40, tiểu học 261, THCS 124 em) dương tính với SARS-CoV-2.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và tiếp tục hoạt động dạy học trực tiếp, UBND thành phố Buôn Ma Thuột chỉ đạo tạm dừng dạy học trực tiếp đối với bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 trên địa bàn thành phố từ ngày 21-2 cho đến khi có thông báo mới; đồng thời giao Phòng Giáo dục và Đào tạo của thành phố triển khai phương án dạy học trực tuyến đối với bậc học tiểu học và lớp 6.
Minh Thảo tổng hợp