Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

Sao cứ mãi phân biệt “con đẻ, con nuôi”?

Bác sĩ L.Q.T, 28 tuổi, làm việc tại một phòng khám đa khoa tư nhân ở TPHCM, đã hai lần thành F0 trong đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua do anh xung phong làm tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở một trung tâm y tế.

Với anh, làm tình nguyện viên và không nhận bất kỳ hỗ trợ vật chất nào từ trung tâm y tế nơi anh cống hiến là điều bình thường, bởi có biết bao nhiêu tình nguyện viên đủ mọi giai tầng trong xã hội xung phong làm tình nguyện viên chứ không riêng gì anh. Thế nhưng, dưới góc độ quản lý, các y bác sĩ ở trung tâm y tế đều có hỗ trợ, còn anh dù công việc được phân công như một nhân viên y tế thì lại không, đã nói lên rất nhiều điều.

Khi TPHCM bùng phát đợt dịch lần thứ tư, rồi giãn cách xã hội toàn thành phố một thời gian, lúc đó ngành y tế thành phố mới “sực nhớ” tới y tế tư nhân và kêu gọi các cơ sở này tham gia chống dịch.

Một bác sĩ làm phòng khám tư nhân tham gia chống dịch.

Điều đáng nói là các cơ sở y tế tư nhân mãi sau này mới được huy động, còn lúc dịch bùng phát, nhân viên y tế và các cơ sở y tế công lập quá tải, trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường xã làm không hết việc nhưng các phòng khám đa khoa tư nhân thì lại phải đóng cửa. Cứ thử tưởng tượng, phường có một trạm y tế với cao lắm 10-15 nhân viên, 2/3 là điều dưỡng, 1/3 là bác sĩ phải đảm trách phòng chống dịch cho cả phường hàng chục ngàn dân, còn trong phường thế nào cũng có vài phòng khám đa khoa tư nhân, cũng có 5-7 bác sĩ thì không phải lo chống dịch gì cả!

Một tiến sĩ y khoa làm y tế tư ở các tỉnh phía Bắc xung phong vào Nam chống dịch khi trở về đã than thở: lắm nhân viên y tế tư nhân xung phong vào Nam và có kinh nghiệm chống dịch nhưng ngay cả khi họ bị dương tính, ngành y tế vẫn cứ cách làm cũ là đưa tới cơ sở công lập theo dõi điều trị dù cơ sở công lập này kinh nghiệm phòng chống dịch không có, không bằng cơ sở y tế tư đã có nhiều người từng chống dịch trong Nam.

Ngay cả bây giờ, khi nhân viên y tế tuyến phường xã nghỉ việc thì ngành y tế lại nghĩ ngay đến đề xuất tăng thu nhập, tăng y bác sĩ; nói thẳng ra là chi ngân sách cho tuyến cơ sở nhiều hơn để giữ chân họ mà quên nghiên cứu giải pháp cùng các phòng khám y tế tư nhân trong phường chia sẻ trách nhiệm này?

Lâu nay ngành y tế luôn có phân biệt đối xử rất rõ ràng với y tế tư nhân. Người nhà của người viết trước đây làm y tế công lập, nay làm y tế tư nhân và hiểu khá rõ, bảo rằng cũng là cơ sở y tế, hoạt động theo quy định của Luật Khám chữa bệnh nhưng bệnh viện công mà nhà vệ sinh dơ dáy, hôi thối thì chẳng bao giờ thấy thanh tra sở y tế xử phạt, còn cơ sở y tế tư thì thanh tra sở hay phòng y tế quận huyện đến kiểm tra tới từng chi tiết.

Chuyện khám chữa bệnh bị khiếu nại trong ngành y là thường tình dù công hay tư, nhưng công lập khi bị khiếu nại thì cách giải quyết của sở y tế sẽ theo quy trình, còn y tế tư nhân thì coi chừng! Dù khiếu nại sai hay đúng, thế nào cơ sở y tế tư cũng bị “hành” cho ra trò theo kiểu “do ông làm lung tung nên tui bị mệt”, đặc biệt thế nào cũng có thanh tra toàn diện quy trình và xử phạt ít hay nhiều tùy theo mối quan hệ.

Dường như không ai nói ra nhưng ai cũng công nhận, ngành y tế đang xem y tế tư là đối tượng bị quản lý, còn y tế công lập là đơn vị nhà nước trực thuộc mình, tức “con đẻ” của mình.

Phải mất một thời gian rất dài Chính phủ mới dần loại bỏ khái niệm “cơ quan chủ quản” trong doanh nghiệp nhà nước nhưng trong ngành y thì chưa. Thậm chí ngay cả nhân viên y tế, khi nghỉ y tế công lập sang làm cho tư nhân thì gọi là “chảy máu chất xám”, trong khi họ cũng hoạt động khám chữa bệnh cho người dân, đóng góp cho ngành y tế. Chẳng lẽ các nhà quản lý cho rằng chỉ làm trong công lập mới xem là đóng góp cho ngành y?

Công hay tư bản chất chỉ là khác nhau về nguồn vốn đầu tư ban đầu và phân loại trong quản lý của Nhà nước. Bộ, sở y tế thực hiện vai trò quản lý nhà nước và huy động nguồn lực cho khám chữa bệnh hay phòng chống đại dịch chứ đừng phân biệt “con đẻ, con nuôi”.

Hồng Văn

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Các tiến bộ y khoa mới làm chậm tiến triển bệnh...

0
(SGTT) - Theo các bác sĩ, bệnh thận mạn thường không có triệu chứng điển hình ở giai đoạn sớm. Đến khi bệnh nặng...

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Bệnh viện gian nan trên con đường phát triển du lịch...

0
Với hệ thống cơ sở y tế hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế, TPHCM có khả năng tiếp nhận bệnh nhân...

Đẩy mạnh du lịch y tế, TPHCM mở mô hình ‘Phố...

0
Ngày 4-7, TPHCM đã chọn tuyến đường Sư Vạn Hạnh – Dương Quang Trung thí điểm làm “Phố sức khỏe”. Mô hình này không...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Kết nối