Chánh Tài -
Bỏ ra 8 tỉ đô la Mỹ để thực hiện một thương vụ thâu tóm, hãng điện tử Samsung Electronics thông báo mua lại Harman, hãng chuyên sản xuất thiết bị âm thanh cao cấp cho ô tô, có trụ sở tại thành phố Stamford, bang Connecticut (Mỹ), đây sẽ là thương vụ lớn nhất trong lịch sử của Samsung.
Một mẫu xe được trang bị các linh kiện công nghệ của Harman tại một cuộc triển lãm ô tô ở Barcelona, Tây Ban Nha hồi đầu năm nay. Ảnh: Bloomberg
Samsung không có kế hoạch sản xuất ô tô nhưng gã khổng lồ hàng điện tử này đã nhìn thấy được công nghệ ô tô và sự chuyển dịch hướng đến xe tự lái, kết nối mạng là một lĩnh vực tăng trưởng đầy hứa hẹn để bán các thiết bị bán dẫn, màn hình hiển thị và các dịch vụ di động.
Dưới thời lãnh đạo của Giám đốc điều hành Dinesh Paliwal, hãng Harman, nổi tiếng với sản phẩm loa cao cấp Harman Kardon và các hệ thống âm thanh khác sử dụng trên ô tô, đã đa dạng hóa đầu tư sang lĩnh vực phần mềm và các linh kiện cho ô tô kết nối mạng, chẳng hạn như các thiết bị kết nối Wi-Fi và dẫn đường. Công ty Dịch vụ tài chính IHS Markit có trụ sở tại London (Anh) ước tính giá trị thị trường phần cứng toàn cầu ở mảng thiết bị giải trí, âm thanh, màn hình và các hệ thống khác sẽ tăng vọt lên mức 61 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 so với mức 42 tỉ đô la trong năm 2016.
Theo tờ The Wall Street Journal, Samsung lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh công nghệ ô tô giữa lúc các lãnh đạo của hãng này lo ngại việc quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh, động lực chính cho sự tăng trưởng của hãng trong những năm gần đây. Các mối lo ngại này càng gia tăng sau khi Samsung quyết định dừng sản xuất dòng điện thoại thông minh Galaxy Note 7 vì lỗi nóng pin, một động thái khiến Samsung thiệt hại vài tỉ đô la.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô đang phụ thuộc ngày càng lớn vào các nhà cung cấp để trang bị công nghệ cho các dòng xe mới của họ. Samsung nắm rõ xu hướng này và đang là nhà cung cấp pin lithium-ion cho hãng xe Nissan và một vài hãng xe khác. Các dòng xe mới cũng được trang bị nhiều màn hình hiển thị. Đây là một lợi thế cho Samsung vì hãng này là nhà cung cấp màn hình hàng đầu hiện nay. “Chúng tôi nghĩ rằng đầu tư vào mảng công nghệ ô tô quan trọng hơn tham gia lĩnh vực sản xuất ô tô. Nếu Apple muốn sản xuất xe, chúng tôi muốn trở thành nhà cung cấp của họ”, Young Sohn, Chủ tịch Samsung Eletronics nói.
Thâu tóm Harman là một bước đi quan trọng và có phần bất ngờ vì Samsung từ lâu có xu hướng tự phát triển các công nghệ. Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đang có chân trong hội đồng quản trị của Công ty Đầu tư Exor (Ý), một cổ đông nắm quyền kiểm soát tại hãng xe lớn thứ bảy thế giới là Fiat Chrysler. Năm ngoái, Samsung đã thành lập nhóm chuyên trách với nhiệm vụ nghiên cứu các phương án để nhảy vào ngành công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên, sau khi nhận thấy rằng phải mất rất nhiều thời gian để tự phát triển các năng lực về công nghệ ô tô, các lãnh đạo Samsung quyết định thực hiện các vụ thâu tóm. Thương vụ mua lại Harman có thể được xem là bước đi đầu tiên trong kế hoạch này. Năm 2015, Harman đạt doanh thu 6,9 tỉ đô la trong đó, khoảng 66% doanh thu đến từ các đơn hàng của các nhà sản xuất ô tô. Harman đã giành nhiều hợp đồng lớn với hai hãng xe General Motors (GM) và Fiat Chrysler vào năm ngoái. Tính đến cuối tháng 6-2016, giá trị các đơn hàng tồn đọng của Harman với các hãng xe là 24 tỉ đô la Mỹ.
Động thái thâu tóm Công ty Harman không phải là nỗ lực đầu tiên của Samsung để bước chân vào ngành công nghiệp ô tô. Năm 1994, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã thành lập hãng xe Samsung Motors với sự hỗ trợ của hãng xe Nissan. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, ông buộc phải bán quyền kiểm soát Samsung Motors cho hãng xe Renault của Pháp.
Kế hoạch mua lại Harman của Samsung khiến quan chức ngành công nghiệp ở Nhật Bản lo sợ các hãng xe trong nước sẽ bị bỏ lại đằng sau trong cuộc chạy đua ở lĩnh công nghệ ô tô. Là quê hương của các hãng xe Toyota, Nissan và Honda, Nhật Bản có thể sẽ bị tổn hại nặng nề nếu để những công ty ở các nước khác chẳng hạn như Mỹ và Hàn Quốc nắm quyền kiểm soát các công nghệ cốt lõi đối với xe tự lái và kết nối mạng. Xuất khẩu xe và linh kiện xe chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vào năm ngoái.