(SGTTO) - Từ Tân Cảng (TPHCM), nhóm chúng tôi lên chiếc ca nô với với lịch trình rong chơi hạ nguồn sông Sài Gòn, thăm kênh Tẻ và sông Rạch Đĩa. Chuyến đi cho chúng tôi nhiều cảm xúc, biết thêm nhiều cảnh đẹp của thành phố mình sống.
- Đến Cần Giờ thăm đảo có hàng ngàn con khỉ
- Đi thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn với 100.000 đồng
Cảnh quan mát mẻ nên thơ
Bồng bềnh bồng bềnh, ca nô lướt nhẹ qua gầm cầu Sài Gòn. Cách đây gần 45 năm trước, trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, khu vực này là cửa ngõ khốc liệt nhất giữa hai làn khói súng. Còn hôm nay, ngắm khu Thảo Điền xanh xanh bóng cây, ẩn hiện những tòa villa sang trọng nằm ven sông, tôi chợt nghĩ hạnh phúc của cuộc sống cần nhất là bình an.
Nhờ cảnh quan mát mẻ, nên thơ, đôi bờ sông Sài Gòn đang là địa chỉ vàng dành cho các dự án nghỉ dưỡng. Ca nô đi ngang tòa tháp Landmark 81, rồi một dự án khu dân cư khác khoe mình trong nắng sớm như muốn nói rằng: “Chúng tôi đang mang đến cho quý khách một dáng hình Sài thành thân thiện và đẳng cấp”.
Dần dà, ca nô đưa nhóm đi qua kênh Tàu Hủ và quẹo vào kênh Tẻ. Ngắm dòng kênh lặng lờ nước chảy, cô hướng dẫn viên của đoàn cho biết: “Thuở xưa, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ và kênh Bến Nghé nổi danh có rất nhiều cá sấu ẩn mình như khúc củi mục trôi sông, trên bờ đầy bóng những con trâu thảnh thơi gặm cỏ. Khi đưa quân vào vùng đất này khai khẩn, các quân binh của vị tướng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã chứng kiến cảnh sấu ăn nghé con trong tiếng kêu gọi trâu mẹ suốt chiều vắng".
Từ đó, cái tên Bến Nghé ra đời, song hành cùng lịch sử hơn 300 năm phát triển Sài gòn từ một chốn hoang sơ nay trở thành đô thị hoa lệ nhất nhì cả nước.
Riêng kênh Tàu Hủ, một số người cho rằng gọi là kênh Củ Hủ thì đúng hơn vì lòng kênh có đoạn phình to giống như củ hủ dừa, còn kênh Tẻ thì mang nhiệm vụ giúp các ghe đậu cặp bến mỗi khi họp chợ đông đúc. Đã có một thời các dòng kênh này bị quên lãng nhưng hiện nay, hai dòng kênh được nạo vét, làm đường bờ kè nên cảnh quan thoáng đãng và giao thông thuận tiện hơn. Nhưng muốn níu chân du khách, nơi này vẫn còn nhiều điều phải làm như thiết kế thêm mảng xanh, tái hiện vài khung cảnh hoạt động của đời thương hồ xưa thì mới có thêm sắc màu du lịch.
Tiếp tục, ca nô tăng tốc đưa cả nhóm đên khu vực sông Rạch Đĩa nằm cận kề khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Ngắm hàng dừa nước xanh mượt một bờ sông, anh tài công kể: “Cách đây chưa đầy 30 năm, rừng dừa nước này mọc đặc ken nhưng khi Phú Mỹ Hưng được xây dựng, khoảng xanh đã dần biến đổi nhường chỗ cho đô thị mọc lên”. Dù biết đó là quy luật cuộc sống nhưng anh vẫn chép miệng hoài tiếc khi kể cho chúng tôi nghe về những đàn chim dày đặc chọn nơi đây trú ngụ cả hàng thế kỷ nay đã lặng im bóng chim tăm cá.
Vừa nghe tài công kể chuyện, khung cảnh Phú Xuân - Nhà Bè hiện ra trong tầm mắt. Chúng tôi loáng thoáng nghe hướng dẫn viên kể về câu chuyện ông Thủ Huồng (Võ Thủ Hoằng) làm phước năm xưa đã được ban ơn cho kiếp sau làm vua bên Tàu đã về đây gửi lễ tạ ơn chốn tiền kiếp. Cả nhóm bật cười vì câu chuyện này vẫn chỉ là giai thoại. Nhưng không sao, du lịch là thế, ai cũng mong biết thêm nhiều điển tích hay và lạ, làm cho mọi người cảm thấy vui hơn khi dõi mắt ngắm mặt nước vàng xám màu bùn.
Vui hết mình ở Cần Giờ
Từ từ, ca nô quẹo vào xã An Thới Đông, Cần Giờ - nơi các hộ dân nuôi yến nhộn nhịp. Được biết, Cần Giờ hiện có trung tâm triển lãm yến sào quy mô lớn tại xã Tam Thôn Hiệp. Đây cũng là nghề mới nổi chưa đầy 20 năm nay nhưng khi thành công, các nhà yến sẽ đem lại nguồn kinh tế sung túc cho gia đình.
Chính vì vậy, làng yến Cần Giờ đã hình thành và được đầu tư khá bài bản để chào mời du khách. Sau khi thưởng thức chén chè yến lạnh mát giúp cổ họng thông thoáng hơn, đoàn tiếp tục lên ca nô đến Lý Nhơn và Vàm Sát.
Trong cái nắng hanh hanh, khung cảnh rừng đước ngập mặn hiện ra bao la. Nhìn lên bờ, hình ảnh những đàn dê ruộng muối của xã Lý Nhơn tiếp nối nhau khiến cả nhóm cảm thấy khung cảnh thật nên thơ, tranh thủ nhảy lên bờ chụp vài ảnh “tự sướng” cảnh cào muối, chăn dê. Luyến tiếc chia tay Lý Nhơn, ca nô chúng tôi tiếp tục vòng vèo trong các con rạch của khu rừng.
Cuối cùng, điểm hẹn Vàm Sát cũng hiện ra. Mọi người lên bờ, dạo chơi cảnh rừng và ngắm đàn dơi lửa đang ngủ say trên cây giống như những tổ chim dồng dộc. Sau đó, cả nhóm hò hét nhau thay bộ đồ nông dân, trải nghiệm chèo ghe, ngắm chim, cào nghêu, tát mương và bắt cá thòi lòi đặng lấy "chiến lợi phẩm" làm bữa trưa nhét bụng.
Thiệt tình, chẳng cần gọi lần thứ hai, cả nhóm cùng nhau lăn xuống dòng sông trĩu phù sa, kêu la chí chóe, tát nước vào mặt nhau, hò hét rộn cả một góc trời. Thi thoảng, vài chiếc ca nô chở các nhóm du khách đi ngang, hầu như ai cũng bật cười, giơ điện thoại chụp cả nhóm “nông dân thành thị” đang mò mẫm trong bùn với tiếng reo hò vang vang.
Hành trình hôm nay đã đưa chúng tôi trở về ký ức tuổi thơ mà hầu như chỉ còn là hoài niệm.
Dương Thủy