(SGTT) - Nghĩ về một năm cũ nhọc nhằn và mùa xuân mới đến, trong tôi vẫn dào lên niềm hy vọng. Sài Gòn ngày và đêm, với nhịp bước và tâm thức của hơn chục triệu người vẫn luôn mong rằng phía trước là cơm no áo ấm!
Gió phai màu áo
Trên chiếc xe công nghệ từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà, Nguyễn Hữu Tâm, chàng trai 27 tuổi quê Triệu Phong, Quảng Trị, ngoái lại nói với tôi một câu: Con thích đoạn đường này. Nhìn qua hai bên, những hàng cây xanh của công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) mướt lá sau mưa, gió như có hơi sương, tôi ngỡ ấy là những ngọn gió xanh!
Cách đó không lâu, quãng đầu tháng 12 Dương lịch, một chàng trai khác hiển thị lên màn hình khi tôi gọi xe, tên là Văn Ngọc Huynh quê ở Tiền Giang, chở tôi từ quận Gò Vấp vào quận 3. Đến giao lộ Hồ Văn Huê – Hoàng Văn Thụ, cậu ấy giở chiếc nón vải phủ hai bên tai để che. Nhìn đồng hồ, lúc ấy mới 10 giờ sáng nhưng nắng khá gắt. Tranh thủ lúc đèn đỏ, Huynh tỏ bày: “Em thích nhất là chạy xe vào khoảng thời gian độ dịp Giáng sinh đến Tết Nguyên đán, tuy xe có đông, hối hả hơn nhưng ra đường thấy vui”. Nghe vậy, chợt thấy một chút ấm áp len vào giữa tôi và lớp áo bạc màu của Huynh, hiểu ra rằng giữa bộn bề mưu sinh, cảm nhận của những tài xế suốt ngày ngoài đường có những lúc khá đặc biệt, nếu cởi mở một chút sẽ nhận ra giữa tấp nập ngược xuôi có khi lại nghe từ họ những điều khá bất ngờ!
Trên những con đường đi qua một năm, tôi “chạm” được rất nhiều vào đời sống của cư dân thành phố. Cái “chạm” ấy có khi khẽ khàng thôi, như một cuốc xe trên đoạn đường ngắn. Lúc lại đằm sâu có thể viết ra hàng trang giấy câu chuyện miên man tỏ bày về cuộc đời riêng tư của một gia đình sống giữa lòng thành phố. Có vẻ như sự thấm thía của bao khó khăn sau một cơn đại dịch hai năm trước, dường như len lỏi vào ngóc ngách đến tận dạ dày của người lao động.
Là bởi, “dạ dày” kinh tế của thành phố thiếu đi ít nhiều “chất dinh dưỡng” từ việc đóng băng hầu như tất cả dự án bất động sản, ảnh hưởng dây chuyền đến những “ngăn” khác: thị trường lao động, vật liệu xây dựng, ngành nội thất và muôn thứ kéo theo, là ống nước, đinh vít, sơn, nhựa… Nghĩ có thể đơn giản, nhưng đó là rau là cá là gạo là thịt, là xăng là sữa, là muôn thứ trong bếp ăn gia đình. Rất khác với trước đây, khi bóp ví các bà nội trợ còn dồi dào để trang trải.
Và cũng vì vậy, ngọn gió thổi qua thành phố năm Quý Mão dường như khô hanh hơn, làm phai đi màu áo của bao lớp người lao động cần mẫn, chăm chỉ vẫn từng ngày đoái mong đồng lương dễ thở hơn một chút. Như lời của một cô công nhân người Quảng Bình làm cho một công ty may ở quận 12 tôi có dịp gặp dạo trước, nói chất phác mà thẳng thắn: “Em mới về quê cưới chồng vô, nhưng chưa vội sinh con đâu. Phải chờ lúc công việc ổn định, lương khá hơn chút mới tính chuyện làm vui lòng ông bà hai bên”.
Mong ngọn gió xanh
Tôi không có thói quen trích dẫn những dòng số liệu thống kê trong bài viết, song thực tế hiển nhiên mà ai cũng thấy, là cuộc sống năm qua rất tùng tiệm. Dù những con số có thể đem lại một chút an ủi nào đó về mặt tổng quan, nhưng nhìn vào mức sống, độ tiêu thụ và nhà nhà nhắc nhau “thắt lưng buộc bụng”, sẽ thấy hiển lộ điều ấy.
Những bảng kê tài chính, những chỉ số được thiết lập hẳn nhiên có nhiều điều để các chuyên gia bàn luận, phân tích và ai cũng có thể cập nhật từ báo chí. Đó là chuyện của mỗi quí, mỗi năm. Nhưng nhìn về một khía cạnh khác, sẽ thấy sự nỗ lực để giải quyết bao vấn đề, nhằm dần hướng đến một cuộc sống dễ thở hơn cho người lao động, là rất xứng đáng để ghi nhận. Ấy là biểu hiện không chỉ đơn thuần về kinh tế, mà ẩn chứa thẳm sâu trong đó là tính nhân văn, khi thành phố vẫn trăn trở quan tâm đến chuyện làm việc, ăn ở, học hành, đời sống tinh thần của cả chục triệu con người. Có thể gọi đó là ngọn gió lành thổi vào những ngày hè gắt nắng. Và luôn mong nó sẽ còn là “ngọn gió xanh”, để thấy “đẹp” hơn, bên cạnh cái mát mẻ mà nó mang lại.
Một ngày, tôi đọc và nghiên cứu về Nghị quyết 98, cho phép cơ chế đặc thù, dành những ưu ái cho TPHCM để vận dụng và bật dậy. Nghĩ rằng, đây chính là “phương tiện đặc biệt”, để sức sống ngồn ngộn của thành phố phương Nam này lấy lại vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế. Mà không chỉ riêng tôi, có lẽ nhiều người cũng rất muốn có cái “cơ chế đặc thù” cho đồng bào thành phố. Vì hai lẽ: Với cái chung, đó là cẩm nang để huy động được vật lực phát triển, tỉ như với các công trình trọng điểm mà thành phố bắt đầu khởi sự các đề án với những “tham vọng” tích cực: cảng trung chuyển Cần Giờ, đại lộ ven sông Sài Gòn và xây dựng thêm các tuyến tàu điện trên cao, ngoài các công trình dân sinh ở nhiều quận huyện vẫn luôn được chú tâm thực hiện. Với cái riêng, ấy là phương thuốc hữu hiệu bồi bổ cho những mạch máu li ti, là các gia đình có công ăn việc làm ổn định, để triệu triệu thành tố trong cơ thể của thành phố mạnh mẽ hơn.
Hy vọng 2024
Nhưng bất kể cuộc sống diễn ra như thế nào, thời gian vẫn đến và tiếp nối với mưa nắng ngàn đời. Câu chuyện khởi đầu bằng một mùa xuân giữa nhân gian thường đem cho ta niềm hy vọng. Những bước đi bên lá bên hoa của ngày đầu năm, lại là sự hứng khởi cho cả 12 tháng với bao dự liệu tất bật và ước mơ biến những điều ấp ủ ấy thành hiện thực là câu chuyện của mỗi người, mỗi một gia đình. Và hơn tất thảy, đó là nguyện ước của cộng đồng cư dân thành phố, ngày ngày vẫn chung tay vun đắp bằng ý tưởng, bằng việc làm, cật lực cống hiến không ngơi nghỉ với một tấm lòng yêu tha thiết nơi mình đang sống, cho dù hiện tại có những bộn bề.
Như lời của chàng trai trẻ Trần Hoàng An ở quận 8, từng tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TPHCM và bắt tay khởi nghiệp vào lúc trận đại dịch Covid-19 ập tới, một ngày gặp tôi đã nói: “Vượt qua những khó khăn vất vả trong hai năm trước, năm 2023 dần ló dạng những kế hoạch, dự định làm ăn. Nhưng rồi gặp phải quá nhiều trở ngại, nhất là vốn liếng. Dù vậy, em vẫn tin rằng nếu ấp ủ nhiệt huyết sẽ tìm ra lối đi. Khoảng thời gian này, tụi em tranh thủ đặt nền tảng cho khát vọng của mình. Mai đây, khi tình hình kinh tế khá hơn, những vất vả ngày đêm bây giờ sẽ là tích lũy nội lực và chứng minh sức mạnh của những người trẻ, như tụi em bây giờ”!
Nghe vậy, tôi bỗng hình dung những đêm ngày của một năm mới ở Sài Gòn, có xen lẫn trong ấy muôn nỗi thao thức, rồi sẽ là hành trình thuận lợi hơn cho những ai chí thú làm ăn, tìm cách vượt qua trở ngại và không từ bỏ ước vọng của mình, để tạo tiền đề cho những năm sau tươi đẹp hơn.
Và tôi mạnh dạn gọi tên, là hy vọng 2024!
Trần Thanh Bình