(SGTT) - Từ nhiều năm qua, cung trekking Tà Năng – Phan Dũng nổi tiếng thu hút được rất nhiều du khách yêu thích vận động và hòa mình vào thiên nhiên tìm đến.
- Trải nghiệm những cung đường trekking núi Bà Đen
- Du lịch giữa mùa dịch: Trải nghiệm trekking núi lửa Chư Bluk
- Du lịch giữa mùa dịch: Trekking vườn quốc gia Bidoup, Lâm Đồng
Thử với nắng bụi mùa khô trên cung trekking nổi tiếng
Cung trek này đi vào những dịp cuối mùa mưa là khỏe nhất, cỏ cây vẫn xanh mướt, mà trời lại khá mát dịu. Đi vào ngày mưa hoặc vào mùa khô đều có những sự “cơ cực” riêng.
Cuồng chân vì phải ở nhà quá lâu do dịch bệnh Covid-19, bất chấp cái nắng nóng cuối mùa khô, nhóm chúng tôi vẫn quyết tâm tranh thủ hai ngày cuối tuần thực hiện chuyến trekking này. Phần nữa cũng vì một số thành viên trong nhóm đã từng đi cung đường này vào mùa mưa, nên cũng muốn thử xem cái nắng bụi của mùa khô ở đây ra sao.
Sau khi rời khỏi xe trung chuyển tại cửa rừng, chúng tôi tranh thủ xuất phát ngay. Đã cuối mùa khô, đất đai khô nứt nẻ, bụi cuốn lên sau gót mỗi người. Người dân ở đây hiện đã trồng trọt vào sâu dần trong rừng, những bãi cỏ hoang ngày xưa, nay đã trở thành các khu ruộng trồng cà chua, đất đã được bừa tơi, chuẩn bị cho vụ mới. Tất cả các con suối nhỏ chắn ngang đường từ cửa rừng vào khu đồi cỏ, nay đã cạn khô hết.
Mãi tận trưa, chúng tôi mới đặt chân lên được khu đồi cỏ Tà Năng nổi tiếng. Những đồi cỏ héo khô dưới cái nắng gay gắt cuối mùa khô, với những vệt đường mòn của dân đi rừng hằn lên nơi những triền đồi.
Vất vả đến điểm hạ trại
Sau khi nghỉ ngơi, ăn trưa dưới bóng mát của một gốc thông lớn đứng trơ trọi bên sườn một ngọn đồi, chúng tôi tiếp tục lên đường vì buổi chiều sẽ đến điểm dựng trại muộn, bởi mới đi được phân nửa quãng đường.
Chỉ có quỹ thời gian 2 ngày một đêm, và lại tự đi vì có thành viên đã từng đi cung đường này nhiều lần, nên cả nhóm chỉ có thể đi theo con đường ngắn nhất mà dân du lịch bụi thường đi ở đây và cắm trại đêm tại “đồi Hai cây thông”. Đường này không đi qua ngọn thác nào, và vào cuối mùa khô này, con suối duy nhất của toàn hành trình mà đoàn sẽ đi qua, chắc chắn cũng hoàn toàn khô cạn.
Chiều buông xuống, nắng vàng như mật và nền trời xanh ngắt bảng lảng những áng mây trắng mỏng manh đang ngả vàng theo ráng hoàng hôn. Ở đồi Hai cây thông, gió giật rất mạnh, cứ rít lên từng hồi, khiến những chiếc lều bạt bị xô giật nghiêng ngả, các vách lều vỗ phần phật, bao nhiêu mồ hôi khi leo dốc dưới nắng gắt, trong chốc lát đã bay vèo.
Lửa nhen lên từ những thanh củi khô gom nhặt xung quanh được nhen lên dưới những chiếc hố đất nông được đào vội bằng dao đi rừng để nấu nướng thực phẩm, và sưởi ấm cho những kẻ lãng du. Những tiếng xuýt xoa vì lạnh, những tiếng cười vang lên từ những câu chuyện vui làm ấm cả không gian.
Bất ngờ với vẻ đẹp của rừng Phan Dũng mùa khô
Cả nhóm thức dậy sớm đón bình minh trên đồi Hai cây thông, í ới chuyện trò với một đoàn khác đông hơn, hạ trại ở vị trí thấp hơn một chút, kéo nhau sang “giao lưu” bữa sáng, chia sẻ bánh mì và mì tôm với nhau, rồi cùng dọn sạch rác, tiếp tục lên đường.
Ngày hành trình thứ hai, chủ yếu băng rừng thưa Phan Dũng. Mùa khô, rừng nơi đây lại bất ngờ mang một vẻ đẹp khác. Những vạt rừng thưa toàn thân cây vươn cành khẳng khiu in lên nền trời, hoặc những khóm rừng tre trụi lá đan vào nhau. Con đường mòn ngoằn ngoèo như con rắn bò trên thảm lá vàng.
Vẻ đẹp bất ngờ của rừng Phan Dũng mùa khô khiến chúng tôi tuy rất mệt mỏi vì nắng nóng, nhưng vẫn thấy hào hứng. Nhóm du khách hôm trước cùng cắm trại – vốn đông người hơn nhiều – đã vượt lên khuất hẳn từ lâu, chúng tôi vẫn tha thẩn bước dưới cái nắng giữa rừng thưa, mê mẩn với vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây.
Chỉ đến khi cả bọn ngồi phịch xuống dãy ghế của quán nước nơi điểm hẹn với xe đón ở thị trấn Phan Dũng, ai nấy mới rũ ra vì mệt mỏi và khát nước, vì nước dự trữ đã hết trước khi về tới đích hơn 1km. Thật là một chuyến đi tuyệt vời, khó quên trong đời mình!
Ngô Hòa Nam