(SGTTO) - Nhằm xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển bền vững và trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định số 1413/QĐ-TTg ngày 15-9 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi quy hoạch là phần lãnh thổ Ninh Bình với tổng diện tích tự nhiên là 1.386,79 km2.
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Việc quy hoạch cũng nhằm phát triển nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ. Phát triển phải gắn với toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050, Ninh Bình trở thành địa phương phát triển về du lịch - dịch vụ chất lượng cao, có nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh. Việc quy hoạch phải phù hợp bốn trụ cột chính là du lịch, thương mại, dịch vụ; công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, tiên tiến; xây dựng đô thị, phát triển nông thôn và kinh doanh bất động sản; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ.
Về khía cạnh du lịch, theo website Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch), Ninh Bình có vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa, có những cảnh quan độc đáo, chẳng hạn như quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Địa phương này cũng phong phú hình thức du lịch như du lịch văn hoá lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí... Trong đó có thể kể đến Khu di tích lịch sử văn hoá cố đô Hoa Lư, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu du lịch Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động...
N.K.