(SGTT) - Bộ chứng nhận du lịch xanh bước đầu tạo được tiếng vang nhưng mới ở mức độ thí điểm. Hiện nay, Quảng Nam mới chỉ có chính sách về bộ tiêu chí nhưng chưa có cơ chế, nguồn lực nên rất khó lan tỏa, nâng cấp ở tầm quốc tế.
Tại Hội nghị doanh nghiệp du lịch năm 2024 vừa diễn ra tại thành phố Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam cho 7 đơn vị, nâng tổng số đơn vị, doanh nghiệp được cấp chứng nhận này trên địa bàn tỉnh lên con số 32.
Tuy đây vẫn là con số khiêm tốn so với cộng đồng trên dưới một ngàn doanh nghiệp du lịch của địa phương nhưng là tín hiệu tích cực cho thấy quyết tâm của doanh nghiệp du lịch trong việc hướng tới xu thế phát triển xanh, vì sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Bước đầu định hình sản phẩm du lịch xanh cao cấp
Bà Hà Thị Diệu Viên, Quản lý dự án phát triển bền vững của Silk Sense Hội An River Resort (thành phố Hội An), nơi được cấp chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam, cho biết trong hành trình định hướng và phát triển theo hướng bền vững, một trong những mục tiêu cụ thể của khu nghỉ dưỡng là thực hiện mô hình “khách sạn không rác thải nhựa”.
Việc định vị và phát triển doanh nghiệp du lịch theo hướng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh doanh mà còn góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.
Ở góc độ chính quyền, trong năm 2024 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD) giai đoạn 2 và chuyên gia tư vấn tham mưu điều chỉnh, sửa đổi nội dung Bộ tiêu chí du lịch xanh của tỉnh theo hướng tinh gọn dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Từ đó, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh ở 7 lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là việc bổ sung thêm bộ tiêu chí du lịch xanh dành cho cơ sở dịch vụ ăn uống để phù hợp với tình hình phát triển du lịch thực tế tại địa phương.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Duy Nhất Đông Dương, nhận định điều ấn tượng nhất là cộng đồng du lịch ở Hội An đã xây dựng được một số dòng sản phẩm trải nghiệm xanh đặc trưng để bán cho khách du lịch với giá thành cao, điều mà ít địa phương có được.
Quảng Nam sở hữu hệ thống tài nguyên hết sức cơ bản để phát triển du lịch xanh và những động thái vừa qua của du lịch Quảng Nam sẽ tạo nền tảng để du lịch tỉnh này tiếp tục tiến lên một cách bền vững.
Cần nhanh chóng xây dựng thị trường cho du lịch xanh
Cũng theo ông Thủy, vấn đề của du lịch xanh Quảng Nam hiện nay là làm sao bán sản phẩm đó ra nước ngoài cũng như bán rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng thị trường cho du lịch xanh như tổ chức hội chợ du lịch xanh tại Quảng Nam để trở thành sàn giao dịch thường niên cho giới lữ hành trên toàn quốc. Chính quyền Quảng Nam cũng như các bên liên quan cần mạnh mẽ hơn, quốc tế hóa hơn để thương hiệu du lịch xanh của tỉnh được thừa nhận.
Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và cũng là chủ sở hữu The Field, nhà hàng theo đuổi ẩm thực hữu cơ và tuần hoàn nhiều năm qua, riêng ngành du lịch thì không thể phát triển du lịch xanh bền vững mà đòi hỏi sự đồng hành và xanh đồng bộ của nhiều ngành như nông nghiệp - nông thôn, tài nguyên - môi trường, giao thông…
Theo ông, Bộ chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam bước đầu tạo được tiếng vang nhưng mới ở mức độ thí điểm. Tỉnh mới chỉ có chính sách về bộ tiêu chí, chưa có cơ chế, nguồn lực nên rất khó lan tỏa, nâng cấp ở tầm quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho rằng những mô hình du lịch xanh của tỉnh đã và đang từng bước định hình, phát triển rộng rãi thương hiệu “Quảng Nam Điểm đến du lịch xanh”, góp phần thay đổi nhận thức của người dân và du khách có ý thức và trách nhiệm bảo tồn các giá trị tại điểm đến, hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Theo ông, để phát triển bộ tiêu chí này, cần phải có cơ chế, nguồn lực cụ thể. Sở đã làm việc với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và trao đổi với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism), đề nghị hỗ trợ để nâng tầm bộ tiêu chí này nhằm có thể tiếp cận cấp độ quốc tế và được thị trường quốc tế công nhận.
Bộ tiêu chí du lịch xanh của Quảng Nam dành cho 7 lĩnh vực, bao gồm khu nghỉ dưỡng (resort), khách sạn (hotel), nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và biệt thự du lịch (homestay and villa), doanh nghiệp lữ hành (tour operator), điểm du lịch cộng đồng (community - based tourism), điểm tham quan (attractions) và cơ sở dịch vụ ăn uống (food and beverage establishment - F&B establishment).